Cụ thể, theo công văn của UBND tỉnh Bắc Giang gửi Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nêu rõ, năm 2021, sản lượng vải thiều của toàn tỉnh này ước đạt 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm 2020. Trong đó, vải sớm sản lượng đạt 45.000 tấn, vải chính vụ đạt 135.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải rộ trong 2 tháng, từ 20/5 đến 20/7.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Bắc Giang nhận định, hiện tại, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và tiêu thụ vải thiều. Do đó, tỉnh này đã đề nghị Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp, hỗ trợ xây dựng chương trình đẩy mạnh phân phối vải thiều Bắc Giang qua "Gian hàng Việt trực tuyến" và trên các sàn thương mại điện tử.
Nhận định về thị trường xuất khẩu, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, bên cạnh thị trường truyền thống như Trung Quốc, một số nước ASEAN, quả vải còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường được coi là "khó tính" khác như Hoa Kỳ, Úc, Hà Lan, Anh, Pháp, Canada, U.A.E v.v...
Đáng chú ý, trong năm 2020, quả vải tươi của Việt Nam tiếp tục mở cửa thành công vào hai thị trường lớn và nhiều tiềm năng là Singapore và Nhật Bản. Đây là tín hiệu tích cực không những khẳng định thương hiệu quả vải Việt Nam mà còn khẳng định giá trị của các mặt hàng nông sản của Việt Nam nói chung với thị trường quốc tế.
Cũng theo ông Hải cho biết, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều chương trình, phối hợp cùng các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ, các địa phương, các tổ chức quốc tế,…triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thông qua các hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ trong nước, hỗ trợ xuất khẩu.
"Bộ Công Thương cũng rất chú trọng việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, khai thác các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết và có hiệu lực như EVFTA, CPTPP… , hỗ trợ doanh nghiệp đưa nông sản Việt Nam vào hệ thống phân phối nội địa và quốc tế", ông Hải nói.
Trước đó, liên quan đến việc tiêu thụ quả vải trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND và các đơn vị của Tỉnh triển khai nhiều hoạt động.
Trong đó, đáng chú ý, Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia đưa nông sản và quả vải thiều Hải Dương lên các kênh thương mại điện tử uy tín gắn với việc truy xuất nguồn gốc. Cụ thể, ngày 18/5 vừa qua, vải thiều Thanh Hà và các mặt hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương đã được đưa lên sàn thương mại điện tử Lazada, Sen Đỏ.
Về phía Sở Công Thương Bắc Giang đã xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều nhờ chuyển đổi số trong năm nay. Cụ thể, kịch bản 1: Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi sẽ có 50% được tiêu thụ trong nước và 50% xuất khẩu. Trong kịch bản này, ngoài tiêu thụ tại chợ, siêu thị, chế biến thì dự kiến bán trên sàn thương mại khoảng 1.000 tấn.
Đối với kịch bản 2: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát thì sản lượng vải thiều được tiêu thụ 70% trong nước, 30% xuất khẩu. Ở kịch bản này, lượng vải thiều bán trên sàn thương mại điện tử khoảng 2.000 tấn.
Ở kịch bản 3, dịch Covid 19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Trong đó, tiêu thụ ở các chợ đầu mối khoảng 80.000 tấn; các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại khoảng 30.000 tấn; doanh nghiệp chế biến xuất khẩu 30.000 tấn, các điểm tiêu thụ nhỏ lẻ khoảng 20.000 tấn; đưa vào sấy và chế biến 18.000 tấn; bán trên sàn thương mại điện tử 2.000 tấn.
Như vậy, sau Hải Dương, Bắc Giang dự kiến vụ vải thiều năm nay sẽ bán khoảng 1.000-2.000 tấn vải quả trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ