Ngày 21/5, UBND tỉnh Bình Dương đã tiến hành trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư là 974,2 triệu USD.
5 doanh nghiệp FDI được trao giấy chứng nhận đợt 1 năm 2021 gồm: Công ty TNHH Công nghiệp New Motion; Dự án trung tâm Logistics ECPVN Bình Dương 2; Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam); Nhà máy sản xuất giấy Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper và Nhà máy sản xuất dao cạo râu của Công ty TNHH Procter & Gamble Đông Dương.
Dự án Công ty TNHH Công nghiệp New Motion (Singapore), sản xuất sản phẩm màn hình vô tuyến và màn hình hiển thị; đầu tư xây dựng nhà kho, nhà xưởng, văn phòng trong khu công nghiệp để hoạt động, cho thuê; dịch vụ tư vấn quản lý bất động sản; dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa có vốn đầu tư 185 triệu đô la Mỹ tại Khu công nghiệp Phú Tân.
Dự án Công ty TNHH Polytex far Eastern (Việt Nam) với mục tiêu sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester, sản phẩm xơ tổng hợp polyester, sản phẩm xơ tổng hợp polyester, sản phẩm kéo sợi có vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 610 triệu đô la Mỹ, tổng vốn vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 1 tỷ 370 triệu đô la Mỹ tại Khu công nghiệp Bàu Bàng.
Dự án Nhà máy sản xuất giấy Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper. Vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 100 triệu đô la Mỹ, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 1 tỷ 100 triệu đô la Mỹ tại Khu công nghiệp Quốc tế Protrade.
Dự án Nhà máy dao cạo râu Công ty TNHH Procter & Gamble Đông Dương. Vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 44,8 triệu đô la Mỹ, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 247,8 triệu đô la Mỹ tại Khu công nghiệp Đồng An.
Dự án Trung tâm Logistics ECPVN Bình Dương 2 (Singapore) với mục tiêu dịch vụ kho bãi và lưu trữ hàng hóa; dịch vụ Losgistics; cho thuê nhà kho, nhà xưởng có vốn đầu tư 34,4 triệu đô la Mỹ tại Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B.
Bình Dương là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (sau TP.HCM và Hà Nội) với 3.974 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 36,5 tỷ đô la Mỹ, chiếm khoảng 9% tổng vốn đầu tư của cả nước.
Tính đến ngày 15/5, tỉnh Bình Dương đã thu hút đầu tư đạt 1 tỷ 252 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài, bằng 159% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, cấp mới 27 dự án tổng vốn đăng ký đạt gần 289 triệu USD, bằng 109% so với cùng kỳ năm 2020. Điều chỉnh vốn 13 lượt dự án, tăng thêm 776 triệu USD, bằng 335% so với cùng kỳ. Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 51 lượt đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, đạt trên 186 triệu USD.
Lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (sau TP.HCM và Hà Nội). Tỉnh Bình Dương có 3.974 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 36,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 9% tổng vốn đầu tư cả nước.
Để đạt được kết quả trên, những năm gần đây tỉnh Bình Dương đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải cách thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp thực hiện hồ sơ nhanh và thuận tiện hơn.
Cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư bài bản và ngày càng hoàn chỉnh. Các khu công nghiệp luôn sẵn đất sạch để nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy. Các tuyến đường kết nối khu công nghiệp với trung tâm logistics, TP.HCM và Đồng Nai dần hoàn thành giúp quá trình vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn. Nhiều chuỗi giá trị, hệ sinh thái ngành hàng hình thành.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bình Dương lần thứ 3 liên tiếp được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh là một trong 21 khu vực, thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, Bình Dương xếp vị trí thứ 4 trong cả nước với 70,16/100 điểm (tăng 2,78 điểm so với năm 2019), thuộc nhóm "Rất tốt", tăng 9 bậc so với năm 2019.