Dân Việt

Quyết định nào khiến Hitler lỡ cơ hội xóa sổ quân đội Anh?

Duy Sơn 21/05/2021 20:30 GMT+7
Quyết định không truy kích hàng trăm nghìn quân Đồng minh ở Dunkirk của Hitler giúp Anh bảo toàn lực lượng để tiếp tục cuộc chiến.

Trận Dunkirk năm 1940 được đánh giá là một trong những thảm họa quân sự lớn nhất trong lịch sử, khi hơn 300.000 quân Anh phải bỏ lại hầu hết vũ khí và trang bị để lên xuồng cứu hộ sơ tán khỏi châu Âu. Tuy nhiên, Anh vẫn coi đây là một thành công khi bảo toàn được lực lượng để tiếp tục chiến đấu, nhờ quyết định sai lầm của trùm phát xít Đức Adolf Hitler.

Chỉ trong 6 tuần đầu mùa xuân năm 1940, Anh và Pháp liên tục bị Đức đánh bại. Khi Hitler ra lệnh xâm lược Pháp, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg vào ngày 10/5/1940, quân Đồng minh hoàn toàn thất thế.

Chuyên gia quân sự Michael Peck cho rằng liên quân Anh - Pháp với chủ lực là 10 sư đoàn mạnh thuộc Lực lượng viễn chinh Anh (BEF) khi đó đang ở miền bắc nước Pháp. Dự đoán quân Đức sẽ tiếp tục tấn công theo hướng miền bắc nước Bỉ, liên quân Anh - Pháp di chuyển đến khu vực này để chặn đầu.

Tuy nhiên, các sư đoàn thiết giáp xung kích của Đức đã đánh thẳng vào trung tâm Pháp, sau khi vượt qua phòng tuyến mỏng ở rừng Ardennes nằm giữa Bỉ và Luxembourg. Đội hình xe tăng Đức di chuyển sang phía bắc để chia cắt quân Đồng minh ở Bỉ với hậu phương, trong khi một số nhóm quân được lính dù yểm trợ chiếm Hà Lan, dồn ép quân Đồng minh từ hướng khác.

Mất khả năng tổ chức và lãnh đạo, quân Đồng minh cố gắng rút lui từ Bỉ về Pháp, nhưng đã quá muộn. Ngày 19/5, các sư đoàn thiết giáp Đức thiện chiến đã đến thị trấn Abbeville gần eo biển Anh. Quân Đồng minh bị mắc kẹt trong khu vực dọc bờ biển Pháp và Bỉ, bị quân Đức bao vây ở ba phía, còn phía sau là biển. Một đội quân lớn của Đức cũng đang tiến về thủ đô Paris, khiến Pháp không thể phát động bất kỳ cuộc phản công quy mô lớn nào.

Quyết định nào khiến Hitler lỡ cơ hội xóa sổ quân đội Anh? - Ảnh 1.

Quân Đồng minh bị vây cả ba mặt tại Dunkirk. Ảnh: Wikipedia.

Trước tình thế đó, quân viễn chinh Anh chỉ còn cách tìm kiếm cảng gần nhất để sơ tán. Vấn đề lớn nhất là liệu họ có thể đến bờ biển an toàn trước khi quân Đức truy kích. Cánh quân này đã mệt mỏi khi hành quân đến bờ biển, qua các con đường chật kín người tị nạn và liên tục bị quân Đức tấn công.

Hơn 400.000 lính Anh và Pháp phải sơ tán qua một cảng biển vốn bị hư hại bởi bom đạn. Ngay cả khi cảng này trong tình trạng tốt nhất, họ cũng mất rất nhiều thời gian để sơ tán đội quân lớn như vậy.

Dù hoảng loạn, liên quân Anh - Pháp vẫn tổ chức phòng thủ ở khu vực ngoại ô Dunkirk. Tuy nhiên, các sư đoàn thiết giáp thiện chiến của Đức có thể dễ dàng chọc thủng phòng tuyến này, biến bãi biển Dunkirk thành chiếc lồng nhốt tù binh khổng lồ.

Nhưng Hitler và bộ tư lệnh tối cao Đức đúng lúc đó quyết định dừng tiến công. Đội hình xe tăng Đức được lệnh án binh bất động để không quân oanh tạc tuyến phòng thủ, cho đến khi các sư đoàn bộ binh đến kết liễu quân Đồng minh.

Không ai biết vì sao Hitler lại ra mệnh lệnh này. Có lẽ do từng tham chiến ở Pháp trong Thế chiến I, ông trùm phát xít tỏ ra thận trọng với địa hình bùn lầy, vốn gây khó khăn cho xe tăng khi di chuyển. Hermann Goering, tư lệnh không quân Đức, trấn an Hitler rằng oanh tạc cơ và tiêm kích có thể phát huy tối đa hiệu quả. Ngoài ra còn có lo ngại về hậu cần hoặc nguy cơ Pháp phản công, hoặc khả năng Hitler bị bất ngờ trước chiến thắng chóng vánh dẫn tới mất lý trí.

Trong lúc xe tăng Đức chững lại, Anh nhanh chóng huy động hải quân đưa mọi phương tiện có thể, bao gồm cả thuyền buồm, tàu cá, xuồng cứu hộ, thuyền chèo tay để sơ tán lính tại Dunkirk. Dưới hỏa lực pháo binh và không quân Đức, đội tàu Anh đã sơ tán tổng cộng 338.226 binh sĩ, trong đó có 139.997 lính Pháp, Bỉ và Ba Lan.

Quyết định nào khiến Hitler lỡ cơ hội xóa sổ quân đội Anh? - Ảnh 2.

Quân Đồng minh chờ sơ tán khỏi Dunkirk. Ảnh: Wikipedia.

Các binh sĩ bị nhồi nhét lên tàu dưới làn mưa bom, trong khi tiêm kích Spitfire và Hurricane của không quân Anh quần thảo trên trời với chiến đấu cơ Đức. Dù không thể chặn đứng cuộc tập kích đường không, người Anh cũng khiến đối phương gặp nhiều khó khăn khi tấn công.

Cuộc sơ tán không hoàn toàn trọn vẹn khi có khoảng 40.000 lính Đồng minh bị Đức bắt giữ. Sư đoàn cao nguyên số 61 của Scotland kẹt sâu trong lãnh thổ Pháp, bị Sư đoàn thiết giáp số 7 của "cáo sa mạc" Erwin Rommel vây hãm và bắt sống. Lực lượng viễn chinh Anh được giải thoát, nhưng mọi trang bị như xe tăng, xe tải và vũ khí bộ binh đều bị bỏ lại.

Dù vậy, Anh vẫn coi trận Dunkirk là một thành công. Chiến dịch sơ tán quân đội giúp họ bảo tồn lực lượng để tiếp tục tham chiến. Nếu không, quân đội Anh gần như bị xóa sổ chỉ sau một trận đánh, khiến nước này sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tái thiết lực lượng vũ trang vì để mất những binh sĩ dày dạn kinh nghiệm nhất.

"Trận Dunkirk là ví dụ điển hình cho việc duy trì tính kỷ luật và cái đầu lạnh của người Anh trong Thế chiến II, ngay cả khi phải đối mặt với thất bại rõ ràng", chuyên gia quân sự Robert Farley nhấn mạnh.