3 đội quân mạnh nhất thời cổ trung đại: Mông Cổ có phải số 1?

Duy Sơn Thứ năm, ngày 20/05/2021 19:31 PM (GMT+7)
La Mã, Mông Cổ và Ottoman được đánh giá là ba đế chế sở hữu lực lượng quân sự mạnh nhất thời cổ và trung đại.
Bình luận 0

Dựa trên khả năng liên tiếp giành chiến thắng mang tính quyết định và khả năng chi phối các quốc gia khác, chuyên gia quân sự Zachary Keck liệt kê ba đội quân mạnh nhất thời cổ đại và trung đại.

3 đội quân mạnh nhất thời cổ trung đại: Mông Cổ có phải số 1? - Ảnh 1.

Đội hình chiến đấu nổi tiếng của La Mã. Ảnh: Pinterest.

La Mã

Điểm mạnh của quân đội La Mã là sự kiên cường, khả năng hồi phục sức chiến đấu không ngừng nghỉ, ngay cả khi đứng trước nguy cơ bị hủy diệt hoàn toàn. Điều này được thể hiện rõ nhất trong cuộc chiến Punic. Dù thiếu thông tin tình báo và nguồn lực, họ vẫn đủ sức đánh bại quân đội Carthag ngay trong lần giao tranh đầu tiên bằng cách phát huy yếu tố bất ngờ.

Các quân đoàn La Mã (Legion), đơn vị cấp sư đoàn bộ binh, là nòng cốt của đội quân này. Thành phần của quân đoàn bao gồm các binh sĩ chuyên nghiệp, phục vụ liên tục trong 25 năm, được huấn luyện bài bản và trang bị tốt. Chính các quân đoàn đã giúp La Mã chiếm giữ hàng loạt vị trí chiến lược, bảo vệ lãnh thổ đế chế và ngăn chặn quân thù.

La Mã đưa ra nhiều sáng kiến giúp tăng sức mạnh và quyết tâm cho binh sĩ. Những người lính nghèo khó sẽ được cấp đất nếu lập chiến công, trong khi chủ đất bảo vệ được tài sản của mình và càng giàu có hơn. Đổi lại, cả đế chế La Mã có được sự bảo đảm về an ninh.Tất cả những sáng kiến này thôi thúc binh lính La Mã chiến đấu quyết liệt hơn.

Một trong những lợi thế quan trọng của lực lượng này là đội hình chiến đấu nhiều tầng, giúp tiền tuyến luôn được tăng cường lúc giằng co, trong khi kẻ thù kiệt sức. Quân đội La Mã thường được dẫn dắt bởi các tướng giỏi, áp dụng chiến thuật cơ động để tạo lợi thế tấn công, đặc biệt trước các đối thủ tập trung vào phòng ngự.

Trong suốt 300 năm lịch sử, đế chế La Mã liên tục mở rộng, từ một cường quốc nhỏ ở Italy thành bá chủ Địa Trung Hải và các khu vực xung quanh. Dù còn một số hạn chế, quân đội La Mã thực sự không có đối thủ vào thời điểm đó.

Mông Cổ

Đội quân này có khoảng một triệu binh lính khi bắt đầu cuộc xâm lược khu vực Á - Âu từ năm 1206. Đây là đội quân không thể ngăn chặn trên đường chinh phạt Trung Đông, Trung Quốc và Nga.

3 đội quân mạnh nhất thời cổ trung đại: Mông Cổ có phải số 1? - Ảnh 2.

Quân Mông Cổ trong một trận hãm thành. Ảnh: HMNS.

Thành công của đội quân này là nhờ Thành Cát Tư Hãn, người thống nhất các bộ lạc và tạo ra đế chế Mông Cổ. Ông áp dụng nhiều chiến lược khác nhau, quan trọng nhất là tập trung vào khả năng cơ động và sức bền. Lối sống du mục của quân Mông Cổ giúp họ di chuyển lực lượng lớn đến địa điểm rất xa trong thời gian ngắn.

Trên thực tế, khả năng cơ động của quân Mông cổ được tăng cường nhờ thói quen sống trên lưng ngựa. Mỗi lính kỵ binh Mông Cổ đều sở hữu 3-4 con ngựa để bảo đảm sức chiến đấu. Kỹ năng vừa cưỡi ngựa vừa bắn cung giúp họ có lợi thế rõ rệt so với bộ binh đối phương. Tính kỷ luật của đội quân này giúp họ khai thác triệt để nhiều chiến thuật mới, như tấn công chớp nhoáng và đánh thọc sâu phủ đầu.

Quân Mông Cổ cũng biết sử dụng chiến tranh tâm lý, gieo rắc kinh hoàng bằng nhiều hình thức như tàn sát dân cư và hủy diệt thành trì sau khi đối thủ thất trận. Điều này khiến nhiều đội quân khiếp vía từ khi nghe thấy tiếng vó ngựa của quân Mông Cổ từ xa và nhanh chóng đầu hàng.

Đế chế Ottoman

Ở thời kỳ hoàng kim, đế chế Ottoman áp đảo các nước theo đạo Hồi và Cơ đốc giáo láng giềng, chinh phục hầu hết Trung Đông, vùng Balkan và Bắc Phi. Năm 1453, quân Ottoman chiếm được Constantinople, một trong những thành trì kiên cố nhất thế giới. Từ thế kỷ 14 đến 19, Ottoman là thế lực duy nhất kiểm soát một khu vực rộng lớn gồm hàng chục quốc gia.

3 đội quân mạnh nhất thời cổ trung đại: Mông Cổ có phải số 1? - Ảnh 3.

Quân Ottoman tận dụng tối đa sức mạnh công nghệ thời Trung cổ. Ảnh: Realm of History.

Đế chế Ottoman tận dụng triệt để lợi thế công nghệ, khi triển khai đại bác và xạ thủ súng hỏa mai trước đối phương vốn chỉ sở hữu vũ khí thô sơ thời Trung cổ. Điều này giúp họ chiếm lợi thế quyết định khi mới chỉ là một đế chế non trẻ. Các khẩu đại bác giúp họ công phá thành Constantinople, đánh bại quân đội Ba Tư và Mamluk của Ai Cập.

Một trong những ưu thế quan trọng khác của Ottoman là việc sử dụng các đơn vị tinh nhuệ mang tên Janissary. Đây là đội quân được huấn luyện trở thành chiến binh khi còn rất nhỏ, có lòng trung thành tuyệt đối và rất hiệu quả trên chiến trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem