TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết: Vaccine là một loại thuốc rất khác so với những loại thuốc chữa bệnh thông thường. Đối với những loại thuốc thông thường, chỉ tác dụng với người sử dụng thuốc thì đối với vaccine, không chỉ người tiêm phòng được phòng tránh bệnh mà người xung quanh người được tiêm vaccine cũng được bảo vệ.
"Ví dụ, một bác sĩ có cha mẹ già ở nhà. Nếu cha mẹ già chỉ ở nhà thì không thể nào họ bị nhiễm bệnh Covid-19 được. Tuy nhiên, người con là bác sĩ, mỗi ngày đi làm việc ở bệnh viện, tiếp xúc với bệnh nhân và có thể mang mầm bệnh về nhà lây cho cha mẹ. Nếu người bác sĩ được chích vaccine đã tránh được nguy cơ mắc bệnh, do đó không mang virus về nhà. Do đó, dù cha mẹ vị bác sĩ này không được chích ngừa nhưng vẫn được bảo vệ khỏi virus" - BS Hùng giải thích.
BS Hùng khẳng định, trong cộng đồng, nếu được tiêm vaccine Covid-19 đồng loạt với tỷ lệ vào khoảng 70-80% thì cũng có nghĩa là đã có thể bảo vệ được cả cộng đồng mắc Covid-19.
BS Trương Hữu Khanh, khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết: "Từ xưa đến nay không có vaccine nào tạo miễn dịch 100% và ngay lập tức vì còn phụ thuộc vào đáp ứng miễn dịch của mỗi người.
Giá trị chính của vaccine là tạo ra hàng rào miễn dịch cộng đồng. Nếu ai cũng chích, ai cũng có miễn dịch 70% chẳng hạn, thì mầm bệnh xâm nhập vào cộng đồng đó sẽ nhanh chóng bị ngăn chặn vì quá khó lây; có chăng cũng chỉ một vài ca lẻ tẻ, tức là không sao hết".
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng phân tích, việc tiêm vaccine không phải là yếu tố quyết định toàn bộ các vấn đề. Bất cứ một loại thuốc hay một loại vaccine nào thì hiệu quả của nó cũng chỉ dao động vào khoảng 75% - 95%, có nghĩa là 100 người được tiêm vaccine, thì chỉ có 70-95 người có thể được phòng ngừa.
Còn lại từ 5-25 người, mặc dù đã được tiêm ngừa rồi nhưng vẫn có thể bị nhiễm bệnh, do bản thân mỗi người có một lượng kháng thể khác nhau sau khi được tiêm vaccine.
Chính vì thế, để phòng chống bệnh Covid-19 hiệu quả, bên cạnh đẩy nhanh việc tiêm vaccine trong cộng đồng, cần kết hợp chặt chẽ biện pháp 5K của Bộ Y tế. "Vaccine ra đời để kết hợp với 5K, giúp chúng ta đủ sức khống chế dịch bệnh để giao thương chứ không phải tiêm vaccine là để thay thế cho 5K", BS Khanh nhấn mạnh.
Trước những phản ứng sau khi tiêm, TS.BS Lê Quốc Hùng cho biết, bất cứ một loại thuốc nào khi sử dụng đều có thể dẫn đến những phản ứng không mong muốn, vaccine cũng vậy.
Phản ứng không mong muốn được chia làm 2 loại: Phản ứng không mong muốn chấp nhận được, như đau ngay tại chỗ tiêm, sốt, đau cơ, đau người, người mệt mỏi giống cảm cúm,... Những phản ứng này có khi nhẹ, cũng có khi khá mạnh cần phải sử dụng các loại thuốc hỗ trợ. Tuy nhiên, những phản ứng thông thường này không gây hại cho bản thân người được chích và triệu chứng trên sẽ mất đi sau 2-3 ngày.
Bên cạnh đó là phản ứng không mong muốn ở mức độ nguy hiểm, như sốc phản vệ, phản ứng phản vệ mức độ nặng, tuy nhiên, nhìn chung thì tỷ lệ này không cao.
Để tránh bị phản ứng phản vệ khi tiêm vaccine thì người tiêm phải hợp tác tốt với nhân viên y tế, khám sàng lọc trước khi tiêm và ở lại 30 phút sau khi tiêm. Nếu có bất cứ phản ứng phản vệ xảy ra thì nhân viên y tế có thể cấp cứu ngay tại chỗ.
BS Khanh khuyến cáo: "Người có bệnh nền, cao tuổi mới cần tiêm. Tác dụng phụ của vaccine là phụ thuộc vào việc cơ địa người đó có dị ứng hay không, chứ không phải do người đó yếu hay mạnh. Đang có bệnh mà bệnh cấp tính, ví dụ đang bị sốt siêu vi thì mới cân nhắc, đợi hết bệnh rồi tiêm; còn bệnh mạn tính thì không liên quan gì đến việc vaccine có tác dụng phụ nhiều hay không. Hơn nữa, vaccine Covid-19 đã được nghiên cứu để ưu tiên cho đối tượng nguy cơ của căn bệnh này, là người cao tuổi, có bệnh nền".