Theo ghi nhận của PV Dân Việt, giá tiêu hôm nay tiếp tục tăng tại nhiều địa phương, với mức tăng từ 500 - 1.000 đồng/kg. Trong đó, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu - "thủ phủ" trồng tiêu Đông Nam Bộ đã vọt lên 71.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại Đắk Lắk, Đắk Nông cùng ở mức 69.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Gia Lai đạt 68.500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại Bình Phước tăng lên 70.000 đồng/kg. Trong khi giá tiêu tại Đồng Nai thấp nhất, ở mức 67.000 đồng/kg.
Như vậy, giá tiêu tại thị trường trong nước đã tăng ngày thứ 3 liên tiếp nên bà con rất phấn khởi.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ bất ngờ tăng 133,335 rupee/tạ, lên mức 40.200 rupee/tạ.
Thị trường tiêu Ấn Độ sau nhiều ngày liên tiếp đi ngang đã bắt đầu có chuyển biến tích cực.
Tỉ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 20.5.2021 đến ngày 26.5.2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 316,61 VND/INR.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 4/2021 đạt 32,2 nghìn tấn, trị giá 105,22 triệu USD, tăng 2,6% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với tháng 3/2021.
So với tháng 4/2020 giảm 10,3% về lượng, nhưng tăng mạnh về giá, lên tới 45,5%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt xấp xỉ 93,6 nghìn tấn, trị giá 284,3 triệu USD, giảm 19,6% về lượng, nhưng tăng 14,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, giá tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt mức 3.265 USD/tấn – ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 12/2018. Mức giá tiêu này tăng 10,6% so với tháng 3/2021 và tăng 62,2% so với tháng 4/2020.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tình hình xuất khẩu hồ tiêu đang có dấu hiệu lạc quan hơn, khi giá hồ tiêu đã tăng sau 3 tuần ảm đạm trồi sụt thất thường.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã nhận được đơn hàng, trong bối cảnh nguồn cung cạn dần do vụ thu hoạch tiêu đã kết thúc.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự báo giá tiêu toàn cầu sẽ tăng trong thời gian tới, song mức tăng không lớn. Nguyên nhân giá tiêu tiếp tục tăng là do nguồn cung tại Việt Nam - nước sản xuất tiêu lớn nhất thế giới giảm mạnh so với năm trước.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam ước tính, sản lượng tiêu của Việt Nam vụ này chỉ đạt khoảng 180.000 tấn, giảm khoảng 25 - 30% so với vụ trước.
Thời gian qua, nhận thấy giá tiêu tăng cao và tương đối ổn định trong mấy tháng qua nên nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông lại bắt đầu quan tâm đến việc tăng diện tích trồng tiêu - theo Laodong.vn.
Ông Phạm Kỳ, trú tại huyện Đắk Mil (Đắk Nông) cho biết, giá tiêu bất ngờ tăng trở lại là lý do khiến gia đình ông quyết định mở rộng thêm diện tích cây trồng này.
"Tôi mua khoảng hơn 400 trụ gỗ để trồng thêm hồ tiêu. Cũng vừa trồng vừa lo vì giá cả lúc lên, lúc xuống. Nhưng nông dân giờ mất phương hướng, cứ thấy cây gì có giá thì lao theo cây đó, với hi vọng trúng được vài mùa thì có của ăn của để" - ông Kỳ nói.
Theo Laodong.vn, không chỉ ông Kỳ, nhiều hộ nông dân khác tại huyện Đắk Mil, Krông Nô, Đắk Song, Tuy Đức… cũng đang chạy đôn chạy đáo đi mua trụ để chuẩn bị trồng tiêu. Một số hộ dân khó khăn hơn thì đổ trụ bê tông để kịp phát triển diện tích hồ tiêu trước khi kết thúc mùa mưa.
Ông Doãn Gia Lộc - Trưởng. phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô cho biết, toàn huyện có hơn 1.000ha hồ tiêu, trong đó phần lớn đã cho thu hoạch.
Từ đầu mùa vụ tới nay, mặt bằng giá tiêu tăng hơn mọi năm, nên người dân đã mở rộng diện tích. Tuy nhiên, việc mở rộng trồng tiêu điều này sẽ đối diện nhiều rủi ro, thậm chí tái diễn tình trạng "cung vượt quá cầu".
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô đã khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, trong thời điểm này chưa nên mở rộng diện tích hồ tiêu. Hiện dịch bệnh ở hồ tiêu vẫn chưa được kiểm soát, giá tiêu còn nhiều bấp bênh.
Đáng chú ý, nhu cầu về hồ tiêu trên thế giới vẫn chưa có sự gia tăng đột biến, trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.