Ngày 25/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố bị can, thực hiên lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Trần Thị Liên (SN 1971), Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, TP Rạch Giá (Kiên Giang) về tội "Tham ô tài sản".
Theo điều tra, từ năm học 2018-2019 đến nay, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (do bà Liên làm hiệu trưởng) được Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Rạch Giá duyệt cho phép tổ chức các lớp bán trú.
Kế hoạch hàng năm được duyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động quản lý, điều hành hoạt động giảng dạy các lớp bán trú (trong đó có theo dõi các khoản thu, chi các lớp bán trú theo quy định của pháp luật).
Trong 2 năm học 2019-2020 và 2020-2021, việc thu, chi tiền bán trú thực tế tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc không đúng theo quy định về tài chính, kế toán.
Bà Liên đã có hành vi chiếm đoạt tiền bán trú của học sinh (bao gồm tiền ăn và tiền trang bị cơ sở vật chất cho hoạt động bán trú) với tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong năm học 2020-2021, bà Liên thu 435 triệu đồng tiền bán đồng phục học sinh nhưng không trả cho công ty cung cấp đồng phục theo hợp đồng đã ký. Như vậy, bà Liên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để tham ô số tiền bán trú và tiền đồng phục của học sinh trên 1,78 tỷ đồng để tiêu xài cá nhân.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Chuyên gia xã hội học nhận định: "Về việc người đứng đầu của một trường học tham ô tham nhũng, vi phạm pháp luật không phải là hiếm có. Trước đấy đã có một số trường hợp bị xử lý, nếu tính chung cả về vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì có khá nhiều. Đây là vấn đề gây nhức nhối không chỉ trong ngành giáo dục".
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, với tư cách là người đứng đầu một trường học vi phạm quản lý tài chính, cụ thể ở đây là thu tiền của học sinh mà không nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định là đã vi phạm nguyên tắc cơ bản nhất của quản lý tài chính. Đặc biệt nó lại đến từ một đơn vị giáo dục mà có tài vụ độc lập thì chắc chắc đã vi phạm pháp luật khi sử dụng vị trí đang có của mình để tham nhũng.
"Nhìn nhận theo góc độ giáo dục thì thực sự rất đau lòng, đặc biệt trường hợp này là bòn rút tiền của phụ huynh học sinh cho con học bán trú. Thì người thực hiện hành vi này ngoài việc chịu trách nhiệm trước pháp luật còn phải chịu trách nhiệm về mặt đạo đức" - PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói và cho biết, hiện nay việc cấp suất ăn tại các nhà trường đã trở nên phổ biến, không chỉ riêng trường này hay trường khác, vùng này hay vùng khác. Việc thu thêm, bớt xén đã trở nên phổi biến, nó không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển về mặt thể chất lẫn tâm hồn của trẻ, vì các em đang trong tuổi ăn tuổi lớn.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Trường học không phải nơi kiếm chác. Việc tham nhũng xuất phát từ sực ích kỷ một số cá nhân để ăn chặn tiền bạc, vụ lợi. Đáng ra, giáo dục nên là môi trường sạch sẽ nhất, để giáo dục nhân cách cho các em, đặc biệt ở lứa tuổi học trò thì những việc này sẽ làm vấy bẩn tâm hồn ngây thơ của các em, suy cho cùng các em là những người thiệt thòi nhất".
Theo nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình, cùng với sự phát triển của xã hội thì những ông bố, bà mẹ càng có ít thời gian chăm lo cho con mình hơn. Họ vùi đầu vào công việc, từ cơ quan đến khi về nhà, và học bán trú đã ra đời để phục vụ cái nhu cầu đó của phụ huynh.
Có một số trường không khuyến khích học sinh ở bán trú, các bậc phụ huynh có quyền quyết định xem nên để con mình bán trú ở trường hay không. Nhưng một số trường khác lại ép phụ huynh học sinh phải cho con mình học bán trú, dù bản thân phụ huynh học sinh không có nhu cầu cho con theo học bán trú. Việc này là không nên và dễ dẫn đến những sai lệch trong các khoản đóng góp của phụ huynh để một số cá nhân lợi dụng tham ô tiền của.