Từ Trung tâm điều khiển…
Trong lĩnh vực sản xuất và các hoạt động quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành lưới điện, PC Gia Lai đã thực hiện trên các hệ thống phần mềm như: Quản lý kỹ thuật (PMIS), quản lý độ tin cậy cung cấp điện (OMS), phần mềm phân tích mô phỏng lưới điện phân phối (PSS/Adept)…
Đến nay PC Gia Lai đã hoàn thành việc xây dựng Trung tâm điều khiển, nơi được ví như "cánh tay nối dài" giúp nhân viên vận hành lưới điện nhanh chóng thực hiện thao tác thiết bị trên lưới điện, giảm thời gian mất điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Dựa trên nền công nghệ tiên tiến của hãng ABB (Phần Lan), hệ thống SCADA/DMS của PC Gia Lai tại trung tâm điều khiển đã đưa vào vận hành từ tháng 5/2018.
Tính đến nay, hệ thống SCADA tại Trung tâm điều khiển đã kết nối được 277 thiết bị đóng cắt trên lưới điện trung áp (gồm 236 Reloser và 41 LBS); 9/10 trạm biến áp trung gian, trong đó có 1 trạm biến áp 35kV (đầy đủ RTU, I/O); 8 trạm (lấy trực tiếp tín hiệu SCADA từ MC Recloser); 12/12 trạm biến áp 110kV không người trực (100%); 12 nhà máy thuỷ điện; giám sát nhà máy điện mặt trời Krông Pa (49MWp); điều khiển nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc (15MWp).
Bên cạnh đó, các thiết bị như Flycam cũng được PC Gia Lai ứng dụng vào công tác quản lý vận hành lưới điện. Gia Lai là tỉnh có địa hình đồi núi hiểm trở, nên PC Gia Lai đã nhanh chóng triển khai, ứng dụng thiết bị bay Flycam vào công tác quản lý vận hành nhằm phục vụ mục đích kiểm tra tình trạng kỹ thuật các điểm nối, điểm tiếp xúc trên cột điện, sứ để phát hiện các khiếm khuyết như tổn thương dây đỉnh sứ; dây buộc cổ sứ bị đứt không đảm bảo vận hành; nứt, vỡ các tán sứ trên đỉnh sứ cách điện… bằng các hình ảnh rất trực quan và rõ nét.
Đặc biệt là khi kiểm tra lưới điện, người công nhân điện sẽ không phải đi đến từng vị trí cột mà chỉ đứng tại một vị trí để điều khiển thiết bị bay Flycam, tránh được nhiều nguy hiểm. Đơn vị qua đó cũng tiết kiệm được nhân lực, phương tiện, thời gian phục vụ công tác kiểm tra, đặc biệt giảm nguy cơ tai nạn lao động do trèo cao.
… Đến chỉ thị sự cố thông minh
Còn camera nhiệt là thiết bị kiểm tra nhiệt độ sử dụng bức xạ hồng ngoại phát ra từ vật thể tạo thành hình ảnh nhiệt hồng ngoại. Sau đó, hình ảnh nhiệt thể hiện nhiệt độ của vật thể với độ chính xác gần như tuyệt đối.
Thông thường tại những vị trí tiếp xúc, trải qua quá trình vận hành dưới tác động của các yếu tố như điều kiện thời tiết, khí hậu, môi trường hay như khi thi công ép nối đầu cosse hoặc xiết chặt bulong không được thực hiện tốt… đã làm cho điện trở tiếp xúc tăng lên dẫn đến phát sinh nhiệt độ cao, gây thất thoát một lượng điện năng đáng kể trên lưới điện. Hơn nữa nhiệt lượng phát nóng có thể phá hỏng các vị trí mối nối, dẫn đến hư hỏng thiết bị điện.
Trước thực trạng trên, PC Gia Lai đã sớm đưa camera nhiệt vào các đợt kiểm tra định kỳ ngày đêm, kết hợp kiểm tra các vị trí đấu nối bằng đầu cosse hoặc đấu lèo, kẹp nhánh rẽ… Nhờ đó giúp nhân viên ngành điện phát hiện, đưa ra các giải pháp kịp thời ngăn chặn đáng kể nguy cơ sự cố lưới điện.
Mới đây PC Gia Lai cũng đang triển khai phương pháp tiên tiến như sữa chữa bảo dưỡng hệ thống điện dựa trên tình trạng vận hành của thiết bị (bảo trì theo điều kiện), gọi tắt là phương pháp CBM (Condition- Based Maintenance). Phương pháp CBM sẽ giúp sớm phát hiện các nguy cơ có thể gây ra sự cố để đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời.
Ngoài ra, PC Gia Lai còn triển khai lắp đặt các bộ chỉ thị sự cố (SRFI) trên lưới điện nhằm đưa tín hiệu cảnh báo về trung tâm điều khiển và nhắn tin cho lãnh đạo và nhân viên đơn vị quản lý vận hành lưới điện để xác định vị trí sự cố, nhanh chóng phân vùng sự cố, giảm thời gian mất điện cho khách hàng.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học công nghệ tiên tiến của PC Gia Lai đã góp phần hiện thực hóa chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Trung theo chủ đề năm 2021 là "chuyển đổi số", ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác quản lý vận hành lưới điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng.