Theo báo cáo của Chính phủ, trong số 117 cơ quan đơn vị (34 bộ, ngành; 63 tỉnh, thành, 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước) đã tiết kiệm được hơn 84.635 tỷ đồng. Trong đó, tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước là 50.628 tỷ đồng, còn tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp là hơn 34.000 tỷ đồng.
Trong số các Bộ, cơ quan Trung ương, Bộ Quốc phòng tiết kiệm được kinh phí ngân sách nhiều nhất với hơn 3.703 tỷ đồng; Bộ Tài chính tiết kiệm được 2.058 tỷ đồng; Bộ GTVT được hơn 703 tỷ đồng; Bộ GD-ĐT hơn 349 tỷ đồng…
Trong số các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị tiết kiệm được nhiều nhất với 15.755 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí hơn 6.558 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp –Viễn thông Quân đội được hơn 3.999 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam được hơn 1.377 tỷ đồng…
Trong số các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội đứng đầu khi tiết kiệm được hơn 10.278 tỷ đồng…
Trong số các tỉnh thành phố, có TP.HCM và tỉnh Đồng Tháp chưa gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm cho biết: Thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ, Thường trực Uỷ ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội đánh giá, dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính- Ngân sách Bùi Đặng Dũng, một số tỉnh, bộ đến tháng 4/2020, tháng 5/2020 mới ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (đáng ra phải ban hành từ đầu năm –PV)
Thậm chí, khi Chính phủ tổng hợp báo cáo còn 2/63 địa phương (Đồng Tháp, TP.HCM) chưa gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Một số báo cáo còn hình thức, chưa đánh giá đầy đủ kết quả.
Báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ, tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao (kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 chưa giải ngân khoảng 30 nghìn tỷ đồng; vốn trong nước khoảng 81,2 nghìn tỷ đồng); phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm.
Đáng lưu ý, tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân một số dự án đầu tư trọng điểm rất chậm. Đơn cử như dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông,....
Số dư kinh phí không còn nhiệm vụ chi của một số đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải từ nguồn phí, lệ phí được để lại lớn với 1.222,5 tỷ đồng, gây lãng phí nguồn lực…
Bên cạnh đó, còn khá nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước đang hoạt động, trong khi pháp luật về mô hình tổ chức, cơ chế tài chính thiếu đồng bộ.
Cuối năm 2020, có 24 quỹ do 15 bộ, cơ quan ở Trung ương quản lý; đại đa số được thành lập theo quy định tại các luật, pháp lệnh; nhưng cũng có quỹ được quy định trong nghị định của Chính phủ hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ; hoặc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Một số quỹ có nhiệm vụ chi trùng với ngân sách nhà nước, một số quỹ phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước cấp, một số quỹ hoạt động chưa hiệu quả, một số quỹ gần như không có hoạt động…
Đặc biệt, tại một số cơ quan còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu mua sắm tài sản công.
Có bộ, cơ quan trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng mà chưa nêu rõ lý do; một số quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chưa cụ thể hoặc không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn.