Dân Việt

Nậm Pồ những ngày cam go chống dịch (Kỳ 3): Dịch về, cả nhà... ly tán

Vinh Duy 31/05/2021 19:17 GMT+7
Nhà có 5 người, cách ly 3 - 4 chỗ; nhà 8 - 9 người thì còn lại 1 - 2 người ngồi lau nước mắt… Dân bản đợi xe dưới cái nắng gay gắt, con khóc, mẹ khóc... Tay xách nách mang bồng bế nhau đi... Thương lắm Nậm Pồ những ngày tháng 5...

Cả nhà "rồng rắn" đi cách ly

"Cho đến hiện tại em vẫn ổn, con trai, con gái đi cách ly ngoan, không khóc, tự lập trong mọi việc. Nhưng tâm trạng thì không ổn chút nào cả. Nhà 5 người, cách ly 3 - 4 chỗ, nhà 8 - 9 người đang quây quần bên nhau giờ còn lại 1 - 2 người ngồi lau nước mắt… Những chuyến xe chở người đi cách ly ngày ngày chưa hết. Dân bản đứng đợi xe dưới cái nắng gió lào vùng biên, con khóc, mẹ khóc, cháu khóc, ông khóc. Tay xách nách mang bồng bế nhau đi. Thương lắm! Đau xót lắm!"...

Đoạn chia sẻ của cô giáo Lường Vũ Ngọc Duyên từ tâm dịch xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) đã lấy đi nước mắt của không ít người. Bởi nó đã lột tả quá chân thực về thực tế cuộc sống đảo lộn và mất mát kể từ khi "bão" Covid-19 tràn qua.

Nậm Pồ những ngày cam go chống dịch (bài 3): Dịch về, cả nhà... “ly tán” - Ảnh 1.

Dù vào khu cách ly nhưng ông bố trẻ vẫn lo cho vợ và 1 đứa con đang là F2, phải cách ly tại nhà. Ảnh: Vinh Duy

Cho đến nay, huyện Nậm Pồ đã thành lập 15 khu cách ly tập trung tại các điểm trường, với sức chứa trên 2.000 người. Liên tiếp các trường học: Mầm non, Tiểu học Si Pa Phìn; THCS Tân Phong; Tiểu học, THCS Phìn Hồ và Tiểu học Chà Nưa… đã "thần tốc" được trưng tập, bố trí, sắp xếp và trở thành các địa điểm cách ly đảm bảo theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Có những gia đình, vợ chồng, con cái, cô, bác họ hàng "rồng rắn" nhau đi cách ly, nhưng chẳng ai biết ai ở đâu mà liên lạc. Ở vùng khó này, không phải người nào cũng có điều kiện để sở hữu riêng 1 chiếc điện thoại. Thế nên, lấy gì mà liên lạc?! Đi cách ly rồi, cũng "bặt vô âm tín" với nhau luôn.

Trong điều kiện dịch bệnh căng thẳng, thần tốc, lực lượng chức năng phải phân loại cách ly tùy thuộc vào đối tượng, yếu tố dịch tễ và biểu hiện bệnh, nên việc 1 gia đình phải "chia 5 xẻ 7" là điều dễ hiểu, và ai cũng phải cảm thông.

"Khổ nhất là những đứa trẻ. Trẻ ở đây không như ngoài thành phố. Các cháu còn rất nhát khi gặp người lạ và nhất là ở những chỗ lạ. Không dám ăn uống, rồi khóc lóc… Thương lắm! Nhưng những người làm bố, làm mẹ có con bị cách ly cũng thương. Khổ nhất là cảm giác bất lực, khi không biết con mình ở đâu?!" - cô giáo Lường Vũ Ngọc Duyên tâm sự.

Thực tế ấy, cô Duyên là người cảm nhận sâu sắc. Bởi lẽ, nhà cô có 9 người, thì 5 người đi cách ly ở 3 - 4 điểm khác nhau. Dịch ập đến, thực hiện cách ly nhanh, khiến người đi cũng chẳng kịp dặn dò người ở nhà.

Ở Si Pa Phìn - tâm dịch lần này, những ngôi nhà liền kề nhau từng là tổ ấm của những gia đình có cha mẹ, con cái, thậm chí vài ba thế hệ chung sống, giờ cùng khóa trái cửa. May mắn hơn thì còn 1 - 2 người ở lại ngóng trông, cũng đều thuộc diện F2, F3.

Đợt dịch này, với một huyện nằm trong nhóm nghèo nhất nước, thì đúng là bàng hoàng, quá sức. Vốn dĩ, Nậm Pồ đã rất khó khăn, cách xa trung tâm thành phố cả trăm cây số, dân cư lại có tới hơn 90% là đồng bào các dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, nên ngoài sự lo lắng vì dịch bệnh "chưa thấy bao giờ", thì còn muôn vàn nỗi lo khác.

Nậm Pồ những ngày cam go chống dịch (bài 3): Dịch về, cả nhà... “ly tán” - Ảnh 3.

Cán bộ y tế huyện Nậm Pồ lấy mẫu xét nghiệm cho các F1. Ảnh: Vinh Duy

Bởi thế mà những người ở ngoài lại cảm thấy mình có trách nhiệm hơn. Để có lương thực, thực phẩm phục vụ trong khu cách ly đều đặn mỗi ngày 3 bữa, nhiều cán bộ, người tình nguyện phục vụ ở đây đã phải dồn đến đồng tiền cuối cùng của gia đình để mua thực phẩm.

Rồi những người dân nghèo lam lũ, vì nghĩ "lá rách ít đùm lá rách nhiều" mà không ngần ngại gom góp đồ ăn, thức uống, thậm chí củi lửa trong nhà mang đến khu cách ly. Người ít vài ba bó rau nhà trồng, con cá đánh dưới suối, nhưng có nhà cũng ủng hộ tới cả gần tạ gạo. Đó là cách người dân vùng khó chia sẻ với nhau.

Cho đến giờ, chị Poòng Thị Vương - cán bộ Mặt trận Tổ quốc bản Nà Cang, xã Chà Nưa, vẫn chưa thể quên hình ảnh của cụ ông Khoàng Văn Tín và vợ tất tưởi mang gạo đến ủng hộ điểm cách ly. "Em không dám nhận vì thương ông bà, đã ngoài 70 tuổi rồi, sống chỉ dựa vào mảnh nương mà giờ có tí gạo cũng mang đi ủng hộ thì lấy gì ăn. Nhưng ông bà nhất quyết không chịu mang về. Bà bảo, nhìn bọn trẻ bé tí phải đi cách ly, ông bà thương lắm!" - chị Vương nói.

"Dân trong này còn nghèo lắm. Nhưng trong lúc cấp bách dịch bệnh này người ta sẵn sàng sẻ chia, đùm bọc nhau. Nhà trồng rau mang rau, nhà có gạo mang gạo, có củi mang củi. Thậm chí, chỉ có 1 túi rau nhỏ họ cũng cầm ra đóng góp. Như Nậm Nhừ, sáng nay, các hộ dân ủng hộ được 1 xe củi đang vận chuyển ra để phục vụ nấu nướng tại điểm cách ly" - ông Nguyễn Ngọc Sơn-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nậm Pồ tâm sự.

Thần tốc "biến" trường học thành nơi cách ly

Xã Si Pa Phìn được xem là ổ dịch Covid-19 lớn nhất ở Điện Biên cho đến thời điểm hiện tại, với hơn 40 ca, trong tổng số 55 ca dương tính với SARS-CoV-2 của toàn tỉnh. Ngay khi xác định những ca bệnh đầu tiên vào đêm 14/5, một số trường học tại tâm dịch được "nhắm" đến, để "biến" thành nơi cách ly tập trung F1.

Nậm Pồ những ngày cam go chống dịch (bài 3): Dịch về, cả nhà... “ly tán” - Ảnh 4.

Thương nhất các cháu mầm non, phải đi cách ly, cuộc sống tự lập, xa bố mẹ. Ảnh: Vinh Duy

Ông Ngô Xuân Chiến - Trưởng phòng GDĐT huyện Nậm Pồ cho biết: Trước áp lực về thời gian và mức độ lây lan của dịch bệnh, không chỉ huyện mà ngành Giáo dục cũng phải quyết liệt, thần tốc vào cuộc. Trước tiên, là sẵn sàng, bảo đảm về cơ sở vật chất tại trường học mà huyện lựa chọn làm nơi cách ly, sau là vận động sự vào cuộc của toàn hệ thống giáo dục địa phương, cũng như các địa phương khác chung tay hỗ trợ điều kiện ăn, nghỉ cho đối tượng cách ly.

Còn nhớ cái đêm 16/5, cũng như địa điểm khác được lựa chọn làm nơi cách ly tập trung, tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Phìn Hồ vẫn sáng ánh điện. Cùng với các lực lượng chức năng của huyện, toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường (không nằm trong diện phải cách ly) được huy động, rốt ráo, tất bật bắt tay sắp xếp, bố trí nơi ở cho người cách ly.

Không có thời gian giao nhiệm vụ cho từng người, song mỗi người đều tự giác phân việc cho mình. Người vệ sinh, quét dọn phòng, lớp học. Có người lại khuân giường, vác chiếu, chăn, màn… để sẵn sàng đón các trường hợp F1 về nghỉ ngay trong đêm.

Thầy Trần Đăng Khoa - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Phìn Hồ Phìn Hồ cho biết: "Mặc dù huy động trong đêm, song cán bộ giáo viên không ai cảm thấy phiền phức, mà tập trung dồn sức hoàn thành nhiệm vụ. Đều là phục vụ đồng nghiệp, học sinh cũng như phụ huynh, đồng bào mình cả".