“Cùng với vải thiều, cam, bưởi, nay thêm cây che ry bước đầu cho hiệu quả. Thành công này là cơ sở để tới đây chúng tôi sẽ trồng thử nghiệm thêm một số giống cây ăn quả mới, như: Vú sữa hoàng kim, hồng xiêm Mỹ (ruột đỏ), nho thân gỗ, táo Tân Cương (Trung Quốc), nhót Nhật, măng cụt Úc hay chà là Mỹ. Mục tiêu, làm phong phú thêm tập đoàn cây ăn quả của huyện, nâng cao hiệu quả canh tác trên cùng một diện tích đất và thu nhập cho nông dân”. Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn |
“Trong lúc băn khoăn chưa biết đưa giống cây gì vào trồng thì tôi được người nhà và các giảng viên ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam (nơi con gái ông Hà đang học) đến chơi và khuyến khích trồng thử cây che ry Brazil. Đây là cơ duyên để gia đình tôi đến với cây ăn quả này”, ông Hà kể.
Ông Hà cho biết, mỗi sào che ry thường trồng từ 70- 80 cây. Che ry ưa ẩm nên cần duy trì đủ nước tưới. Tuy nhiên phải tưới vào buổi sáng, tránh thời điểm trưa nắng vì cây sẽ bị sốc nhiệt. Đất Lục Ngạn rất hợp với cây che ry, việc trồng, chăm sóc không đòi hỏi kỹ thuật cao.
Việc tưới tiêu đầy đủ, hợp lý giúp rễ cây phát triển tốt, ra hoa, đậu quả đúng thời điểm. Từ lúc trồng đến khi cho trái (12 tháng) mỗi cây che ry chi phí khoảng 150 nghìn đồng, bao gồm 65 nghìn giá giống, còn lại là phân bón và công chăm sóc.
Che ry ra hoa vào tháng Giêng và tháng 10, sau 50 ngày được thu hoạch. Hiện mỗi cây che ry của ông Hà cho từ 2,5-3 kg quả, tổng sản lượng năm nay ước đạt gần 1 tấn, khi cây lớn sẽ cho nhiều trái hơn. Với giá bán bình quân 150 nghìn đồng/kg, vụ đầu năm nay gia đình ông thu hơn 50 triệu đồng, chưa kể nguồn thu từ đu đủ trồng xen canh.
Được biết, che ry Brazil là giống cây mới được trồng ở nước ta. Che ry có 2 loại, một loại ưa lạnh, chỉ ra trái khi trải qua mùa đông; một loại ưa nóng, đây chính là loại được nông dân và một số nhà vườn ở Việt Nam trồng.Che ry được đánh giá là loại quả chứa rất nhiều dưỡng chất quý cho sức khỏe. Quả che ry ở Việt Nam khá hiếm và thường được nhập khẩu, bán tại các cửa hàng lớn với giá rất cao, từ vài trăm đến hơn 1 triệu đồng/kg, tùy từng loại và phụ thuộc vào xuất xứ che ry Mỹ hay châu Âu.
Ông Trần Huy Dương, Chủ tịch UBND xã Tân Quang cho biết, chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi mô hình trồng cây che ry của gia đình ông Hà, bước đầu ghi nhận giá trị, chất lượng của loại giống mới này. “Chúng tôi muốn chờ thêm một vụ nữa mới xem xét và khuyến khích người dân trong vùng nhân rộng”, ông Dương nói.