Dân Việt

Thống nhất phương án xây dựng cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, dự kiến khởi công vào năm 2023

Văn Dũng 29/05/2021 10:15 GMT+7
Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh đã thông qua nghị quyết đồng ý để TP.HCM làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài có tổng vốn đầu tư (giai đoạn 1) dự kiến là 15.900 tỷ đồng theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Theo đó, chiều dài toàn tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài khoảng 53,5km, trong đó đoạn qua địa bàn TP.HCM là 23,7km, đoạn qua địa phận tỉnh Tây Ninh là 26,3km bắt đầu từ đường Vành đai 3 (TP.HCM), đi song song và cách Quốc lộ 22 hiện hữu khoảng 3km đến 5km; điểm cuối đến Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) dự kiến là 15.900 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 7.433 tỷ đồng (chiếm 47%), do TP.HCM và tỉnh Tây Ninh chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành vào năm 2022. Trong năm 2023, dự án bắt đầu khởi công và hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2025.

Thống nhất phương án xây dựng cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, sẽ khởi công vào năm 2023? - Ảnh 1.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dự kiến sẽ khởi công vào năm 2023 và hoàn thành vào năm 2025. Ảnh minh hoạ.

Trước đó, tại các buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Củ Chi và Hóc Môn (TP.HCM), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần làm tốt hơn, nhanh hơn đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh); quyết tâm kết nối tuyến cao tốc này sớm nhất để thông thương quốc tế và trong nước. Bởi đây là tuyến cao tốc kết nối cửa khẩu Mộc Bài qua hai huyện Củ Chi và Hóc Môn. Cao tốc hoàn thành sớm sẽ giúp khai thác quỹ đất rộng lớn của hai địa phương này, góp phần chuyển đổi việc làm cho người dân.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài là tuyến đường quan trọng không chỉ kết nối, thúc đẩy kinh tế - xã hội của hai địa phương mà còn góp phần thúc đẩy kết nối cả vùng kinh tế Đông Nam Bộ và phát triển kinh tế đối ngoại của đất nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nói rằng, mặc dù tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài chỉ đi qua địa giới hành chính của hai địa phương là TP.HCM và Tây Ninh nhưng sẽ tạo "cú hích" lớn cho sự phát triển của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo nghiên cứu sơ bộ, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ có các nút giao kết nối với đường vành đai 3, vành đai 4 của TP.HCM, giảm thời gian vận chuyển hàng hóa của cả vùng để xuất nhập khẩu với nước bạn Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Thống nhất phương án xây dựng cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, sẽ khởi công vào năm 2023? - Ảnh 3.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài với 4 làn xe lưu thông. Ảnh: Quang Phương

Để "nối dài" hiệu quả của dự án, UBND tỉnh Tây Ninh đang kiến nghị Chính phủ để quy hoạch và phát triển thêm tuyến đường nối từ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài lên cửa khẩu Xa Mát, đi ngang qua thành phố Tây Ninh. 

Ngoài ra, các tuyến đường kết nối Tây Ninh với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bình Phước, Long An... cũng đang được chúng tôi thúc đẩy, như tuyến đường Đất Sét - Bến Củi và cầu nối Tây Ninh - Bình Dương đang được mở rộng 6 làn xe. 

Từ trục "xương sống" là cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, các tuyến đường kết nối vào cao tốc sẽ tạo ra sự lan tỏa và phát huy hiệu quả của dự án.

Cũng theo người đứng đầu tỉnh Tây Ninh, việc có tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ là một điểm sáng mới, góp phần thúc đẩy kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, bởi đây là một trong những cửa khẩu quan trọng nhất khu vực phía Nam, là nơi xuất nhập khẩu hàng hóa cho cả vùng và đặc biệt là cho "đầu tàu kinh tế" TP.HCM.

Khi có tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ là một tiền đề để thu hút các nhà đầu tư lớn mạnh dạn triển khai các dự án.