Sau cuộc họp của 11 hiệp hội với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong Chương trình tiêm chủng phòng chống dịch Covid - 19", ông Cao Hoàng Nam (Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông của PepsiCo Việt Nam) đã có những chia sẻ đáng chú ý về vấn đề huy động sức mạnh xã hội hóa, nhất là của cộng đồng trong việc mua vaccine phòng Covid-19. Dân Việt xin trích đăng ý kiến của ông trong bài viết dưới đây.
Sức nóng đối với tôi không chỉ bắt đầu từ hội nghị này mà từ công việc hàng ngày ở doanh nghiệp, gần như ngày nào cũng có cuộc họp làm sao để đối phó với Covid - 19, đảm bảo sản xuất và kinh doanh. Các báo cáo về các trường hợp F1, F2 và F3 làm chúng tôi mất ăn mất ngủ và rồi lại thở phào khi âm tính.
Sức ép khi các câu truyền miệng nhau để khích lệ vượt qua sự khó khăn ngày càng chồng chất của sản xuất và kinh doanh dần không còn tác dụng khi trò chơi "trốn tìm" với Covid - 19 đã kéo dài hơn năm rưỡi qua.
Nỗi lo lắng bao trùm khi đại dịch tấn công trực tiếp các nhà máy và khu công nghiệp. Người phụ trách an toàn lao động của doanh nghiệp tôi nghiên cứu tất cả các văn bản hướng dẫn, tất cả các quy định về phòng chống dịch Covid -19 và có thể nhiều khâu cao hơn mức quy định hiện tại.
Tôi nhìn hình ảnh từ các xưởng sản xuất, đồ bảo hộ chắc không khác mấy các cơ sở y tế vậy mà cũng không yên tâm vì Covid -19 có thể lẻn vào bất cứ lúc nào.
Đối với các doanh nghiệp, đóng cửa một hai ngày là một thảm họa chứ chưa nói đến đóng cửa hơn 10 ngày để dập dịch. Các chỉ số kinh doanh và sản xuất (KPI) được tính theo đơn vị hàng ngày, hàng tuần, dừng ngày nào, ảnh hưởng nguyên cả quý đó và cả năm. Đặc biệt các nhà máy nằm trong chuỗi cung ứng cho cả khu vực hay toàn cầu sẽ làm cả một chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Cuộc họp của cộng đồng doanh nghiệp ngày 28/5 vừa qua đã thể hiện ý chí mãnh liệt của cộng đồng doanh nghiệp được chung tay chung sức với nỗ lực của Chính phủ, trong đó, chúng tôi được bày tỏ hai nguyện vọng chính:
Việc đưa công nhân và các khu công nghiệp vào trong đối tượng ưu tiên là một chủ trương đúng cần thiết ngay lúc này để bảo vệ các khu vực trọng yếu trong sản xuất. Tuy nhiên nhóm đối tượng này chỉ là một phần của chuỗi sản xuất và kinh doanh.
Do vậy, để đảm bảo mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa giữ tăng trưởng kinh tế", chúng ta cần phải đưa nhưng thành phần còn lại bao gồm toàn bộ người lao động phục vụ cho chuỗi sản xuất và kinh doanh vào nhóm cần tiêm chủng.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp đều cho rằng khó khăn không phải về vấn đề tài chính vì thực chất rất nhiều doanh nghiệp đang hàng tháng phải đầu tư tiền cho xét nghiệm và số tiền này đã vượt quá tiền mua vaccine. Hay đơn cử thiệt hại do phải dừng sản xuất, kinh doanh đang vượt xa số tiền cần thiết phải bỏ ra để mua vaccine phòng Covid-19 tiêm chủng cho người lao động của mỗi doanh nghiệp.
Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xã hội hóa, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế và xã hội có thể chủ động tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vaccine phòng Covid-19 có chất lượng để mang về Việt Nam dưới sự cho phép và ủy quyền của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Mô hình "Hỗ trợ song hành" của Indonesia có thể là một mô hình hết sức táo bạo để xem xét áp dụng cho Việt Nam dù họ cũng đang triển khai và có thể có những bất cập, khó khăn. Nhưng chương trình cho phép Indonesia lên kế hoạch rất tham vọng để đạt được các mục tiêu tiêm chủng cho dân số hơn 180 triệu của mình.
Cụ thể, Chính phủ cho phép doanh nghiệp đóng góp mua vắc xin tiêm phòng cho người lao động và cả người thân với chi phí để tiêm vắc xin quy đổi khoảng 1,6 triệu VND.
Chương trình do KADIN (Phòng Thương mại Indonesia) và các hiệp hội doanh nghiệp phố hợp cùng Bộ Y tế triển khai. Tính đến ngày 22/5, đã có 22.000 doanh nghiệp tham gia chương trình này với hai mục tiêu chính: Thứ nhất, sẽ có khoảng 80-80 triệu người được tiêm chủng vào tháng 8-9/2021. Mục tiêu thứ hai nhằm tới đạt 2/3 dân số tiêm chủng vào tháng 3/2022.
Về cách thức triển khai chương trình, Bộ Y tế chỉ định đầu mối là công ty và cơ sở y tế được ủy quyền để nhập khẩu và tiêm chủng. Kadin và các hiệp hội nộp danh sách tiêm cho bộ y tế, Bộ Y tế sẽ có cơ sở dữ liệu quốc gia để đưa người được đăng ký sang danh sách khác tránh việc trùng lặp.
Indonesia cũng đề ra một số quy đinh khác như: Chương trình này phải áp dụng các loại vắc xin khác với chương trình của Chính phủ, các vắc xin theo quy định phải được WHO hoặc Bộ Y tế chấp thuận, bên cạnh đó chỉ định hệ thống bệnh viện tư nhân cùng tham gia nỗ lực này.
Tôi hiểu rằng không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới đang trong một cuộc đua khốc liệt để tìm kiếm vaccine, chính phủ sẽ có những lợi thể khi đám phán thông qua các kênh chính thức của nhà nước.
Tuy nhiên, với tình huống "nước sôi lửa bỏng" mà chúng ta đang đối mặt, huy động sức mạnh của toàn xã hội và các doanh nghiệp để cùng tìm kiếm vaccine sẽ phát huy sẽ phát huy được sức mạnh của "toàn quốc kháng chiến chống giặc Covid lần này".
Việt Nam không chỉ đối mặt với việc kiểm soát đại dịch Covid - 19 mà đang trong một cuộc đua khác để mở cửa nền kinh tế khi Mỹ gần đạt mục tiêu tiêm chủng cộng đồng và dỡ bỏ dần các hạn chế kiếm soát dịch cũng như đang lên kế hoạch mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) đã tiến hành họp tại Brussels, Bỉ vừa qua và 27 quốc gia thành viên thống nhất Chứng nhận kỹ thuật số về Covid - 19 của EU sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7 tới để quyền tự do đi lại của người Châu Âu được khôi phục. Cùng với đó là kế hoạch riêng để tiếp nhận những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ từ các quốc gia bên ngoài EU sẽ là một bước đột phá mới cho nền kinh tế.
Do vậy, hơn lúc nào hết huy động sức mạnh của toàn xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp thông qua các chính sách và hướng dẫn cụ thể, sẽ tạo cơ hội và động lực để Việt Nam chiến thắng một cuộc chiến thứ hai – chạy đua với tiêm chủng vaccine và mở cửa lại nền kinh tế với thế giới.