Trò chuyện cùng phóng viên Dân Việt, anh Cơlâu Thái Ngọc cho biết, trồng ba kích tím trên địa bàn xã Lăng không còn quá xa lạ.
Tuy nhiên rất nhiều mô hình, hộ gia đình trồng ba kích tím nhưng không mang lại hiệu quả vì đòi hỏi kỹ năng trồng, chăm sóc mà không phải ai cũng có thể làm được. Với anh cũng vậy, buổi đầu bắt tay trồng ba kích tím đối mặt với nhiều khó khăn.
Anh Ngọc tâm sự, tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc làm, năm 2016 anh quyết định trồng ba kích tím ở quê nhà. Gia đình vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tây Giang để xây dựng vườn ươm ba kích tím. Tuy nhiên vốn ít, lại chưa có kinh nghiệm nên thất bại liên tục.
"Vừa làm vừa tích lũy, học hỏi kinh nghiệm từ những gia đình trồng ba kích tím có hiệu quả trên địa bàn xã và các vùng lân cận. Đồng thời tôi vừa nghiên cứu, tham khảo tài liệu để áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng, sau 2 năm việc ươm trồng của tôi mới bắt đầu cho hiệu quả", anh Ngọc nói.
Anh Ngọc chia sẻ, ươm trồng ba kích tím rất phức tạp, mỗi chủ vườn có công thức, quy trình riêng, phải làm nhiều năm mới tích lũy được kinh nghiệm. Với anh sau vài năm đầu thì có kinh nghiệm chọn giống hom, loại thuốc kích thích cây phát triển, kỹ thuật tưới, giữ ẩm cho cây thì cây sẽ phát triển tốt.
Mô hình trồng cây ba kích tím của anh Ngọc dần ổn định, đến năm 2018, anh mở rộng diện tích ươm trồng lên 3ha. Mỗi năm anh xuất bán từ 150 - 200kg ba kích tím, thu nhập bình quân khoảng trên 100 triệu đồng.
Không chỉ trồng trọt, anh kết hợp chăn nuôi heo cỏ địa phương. Có sẵn diện tích vườn, anh mua lưới B40 rào chắn xung quanh, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên. Hiện nay đàn heo cỏ địa phương của anh phát triển lên hơn 20 con, mỗi đợt xuất bán 3 - 4 con, thu nhập hơn 10 triệu đồng.
Trong đầu anh không ngừng nảy sinh ý tưởng phát triển kinh tế. Như năm 2019, anh vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư máy móc làm cơ sở sản xuất rượu.
Sở hữu nguồn củ ba kích tím, anh đăng ký giấy phép kinh doanh sản xuất rượu lấy tên Cơ sở sản xuất rượu Ánh Dương (tại thôn Pơ'ning). Việc kinh doanh rượu giúp anh có thêm nguồn thu nhập ổn định từ 7 - 8 triệu đồng mỗi tháng sau khi trừ chi phí.
Từ hiệu quả mô hình kinh tế tổng hợp trồng ba kích tím, chăn nuôi kết hợp sản xuất rượu, mỗi năm đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh Ngọc từ 300 - 400 triệu đồng. Đồng thời tạo việc làm thời vụ cho 2 - 3 người trong thôn.
Là một người nông dân, cách tốt nhất để học tập và làm theo Bác là không chấp nhận đói nghèo, nỗ lực mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả, với tâm niệm đó anh Ngọc đã trở thành tấm gương tiêu biểu cho thanh niên địa phương khởi nghiệp.
Ông Alăng Natasa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lăng (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) cho biết, anh Cơlâu Thái Ngọc còn trẻ và rất có chí hướng làm ăn. Không chỉ giỏi phát triển kinh tế, anh còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng như giúp đỡ các hộ dân trong xã xóa nhà dột nát, hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
"Trong vai trò hội viên Hội Nông dân xã, anh Ngọc tích cực vận động hội viên, nhân dân trong thôn thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo", ông Alăng Natasa cho hay.