Theo số liệu báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2021 đến nay, có khoảng 8.300ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, trong đó có trên 8.000ha nuôi tôm, trên 250ha nuôi cá tra và một số loài thủy sản khác, gây tổn thất hàng trăm tỷ đồng.
Kết quả giám sát dịch bệnh cho thấy liều loại bệnh nguy hiểm tiếp tục xuất hiện và có nguy cơ lây lan rộng (bao gồm các bệnh trên tôm: đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, vi bào tử trùng, các bệnh trên cá tra: xuất huyết, gan thận mủ,...).
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là, còn trên 6.000ha tôm nuôi bị thiệt hại nhưng không được các cơ quan chuyên môn của địa phương lấy mẫu xét nghiệm, không xác định được nguyên nhân.
Trong khi đó, công tác thống kê, báo cáo số liệu dịch bệnh còn nhiều bất cập; công tác điều tra dịch tễ, giám sát chủ động dịch bệnh, quan trắc cảnh báo môi trường chưa được triển khai đồng bộ để kịp thời cảnh báo, ứng phó và phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, đặc biệt tại cấp thôn, ấp, cấp xã, huyện.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhiều vùng nguyên liệu tôm trong bối cảnh xuất khẩu mặt hàng này đang rất thuận lợi.
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, xuất khẩu tôm trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 106.300 tấn với trị giá 944,38 triệu USD, tăng 8,03% về lượng và tăng 9,74% về trị giá.
Trong đó, Mỹ, Nhật Bản là những thị trường thu mua nhiều tôm của Việt Nam.
Hiện, cơ hội xuất khẩu tôm được dự đoán vẫn tăng mạnh trong thời gian tới nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid – 19.
Các đối thủ cạnh tranh là Ấn Độ, Thái Lan đang chịu tác động xấu từ dịch Covid – 19 sẽ khiến cho nguồn cung và khả năng xuất khẩu bị ảnh hưởng trong thời gian tới.
Để khắc phục tình trạng nêu trên và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản, Bộ NNPTNT vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản, trong đó có tôm nuôi.
Trong công văn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung và cấp kinh phí bảo đảm triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
Tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm xác định nguyên nhân, điều tra dịch tễ hiện tượng thủy sản chết nhiều, chết bất thường, nghi ngờ có dịch bệnh xuất hiện.
Tổ chức giám sát chủ động dịch bệnh, kết hợp với quan trắc môi trường để cảnh báo vùng nuôi và triển khai biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Bổ sung nguồn hóa chất, khử trùng; đẩy mạnh việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, giám sát tại các vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản, cơ sở sản xuất thủy sản giống.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y, thuỷ sản của địa phương, phối hợp với chính quyền cơ sở chủ động bám sát địa bàn, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh, hiện tượng thủy sản chết nhiều và chết bất thường.
Tổ chức thống kê, báo cáo, đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; chấn chỉnh công tác thống kê, báo cáo số liệu dịch bệnh thủy sản, đặc biệt tại cấp thôn, ấp, cấp xã, huyện.
Căn cứ tình hình dịch bệnh Covid-19 để quyết định thành lập các Đoàn công tác trực tiếp đến (hoặc tổ chức họp trực tuyến) các địa bàn trọng điểm về nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt những nơi bị thiệt hại, dịch bệnh hoặc khu vực có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống dịch bệnh thủy sản cho người nuôi, đặc biệt là về chất lượng con giống, xử lý nguồn nước, lấy mẫu giám sát xét nghiệm bệnh trong cơ sở nuôi, các biện pháp tiêu độc, khử trùng và xử lý khi có dịch bệnh trong cơ sở, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị có văn bản phản ánh kịp thời về Bộ NNPTNT để phối hợp xử lý.