TS Doãn Ngọc Hải – Viện trưởng Viện Sức khỏe lao động và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, trong ngày 1/6, cán bộ của Viện đã đến Bắc Giang để thử nghiệm phương án lắp thiết bị làm mát trong các trang phục bảo hộ cho nhân viên y tế vùng dịch.
Thiết bị làm mát này được thiết kế với mức tối giản để không tác động đến tính năng, kết cấu của bộ trang phục bảo hộ.
"Chúng tôi có dùng một chiếc quạt máy kết nối với hệ thống pin xạc, có 4 cấp độ làm mát với thời gian sử dụng tối đa lên tới 10 tiếng đồng hồ. Chiếc quạt này được buộc vào phía trong của bộ trang phục nên hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến khả năng bảo vệ của bộ trang phục bảo hộ"- TS Hải giải thích.
TS Hải cho biết, sau khi thử nghiệm, những người mặc trang phục bảo hộ đều cho biết họ có cảm giác mát và dễ chịu hơn rất nhiều.
"Sau khi thử nghiệm, lãnh đạo Bộ Y tế đề xuất Viện hỗ trợ 500 thiết bị làm mát. Tuy nhiên hiện tại Viện mới chỉ có một số lượng nhỏ sản xuất thử nghiệm. Vì là Viện nghiên cứu nên không có kinh phí sản xuất. Do đó, chúng tôi mong muốn có đơn vị hợp tác, tài trợ cho sản xuất, hoặc tiếp nhận chuyển giao để có thể sản xuất số lượng đủ lớn cho các thiết bị làm mát toàn thân, trang bị cho những người buộc phải mang bộ bảo hộ chống dịch, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng"- ông Hải chia sẻ.
Trước đó, một nghiên cứu nhỏ Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho thấy, bên trong trang phục bảo hộ phòng Covid-19 cao hơn từ 0,5-4,5 độ so với nhiệt độ môi trường, cơ thể người mặc đặc biệt nóng và khó chịu.
Nghiên cứu thực hiện trên 30 lượt người lao động của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường làm việc trong trang phục quần áo phòng chống dịch gồm: nhóm nhân viên làm việc ngoài trời và nhóm nhân viên làm việc trong phòng xét nghiệm (thực hiện các công việc xử lý mẫu trong phòng thí nghiệm...). Thời gian mặc quần áo phòng chống dịch 4 giờ liên tục.
Kết quả cho thấy, mặc trang phục phòng chống dịch khi làm việc có những ảnh hưởng bất lợi đối với sức khỏe.
Có tới 97,1% thời gian trong tổng số 4 tiếng mặc quần áo chống dịch có nhiệt độ bên trong quần áo chống dịch cao hơn nhiệt độ bên ngoài từ 0,5 đến 4,5 độ C (dù làm việc ngoài trời hay trong phòng xét nghiệm).
Sự tăng nhiệt độ bên trong quần áp chống dịch so với nhiệt độ bên ngoài quần áo chống dịch làm tăng thêm gánh nặng nhiệt và gánh nặng thể lực khi làm việc đối với nhân viên y tế, cán bộ phòng chống dịch (tăng cả nhiệt độ da, nhiệt độ dưới lưỡi, nhịp tim, huyết áp, khối lượng mồ hôi...).
Cảm giác nóng và rất nóng, trạng thái cơ thể ở mức "rất khó chịu" và không thể chịu đựng nổi" tăng dần theo từng giờ, tỷ lệ thuận với thời gian mặc quần áo chống dịch. Có tới 93.4% nhân viên có cảm giác nóng và rất nóng, đặc biệt ở nhóm làm việc ngoài trời. Một số đối tượng đã phải dừng thử nghiệm ở giờ thứ 4 do "không thể chịu đựng nổi" khi làm việc có mặc bộ quần áo chống dịch và phải xử lý vấn đề về sức khỏe.
Hiện nay 1 số ý kiến cho rằng cần phải mua bộ đồ đắt tiền thoáng khí hơn, dùng quạt làm mát, xử lý thông gió cá nhân dạng bán mặt nạ... Thậm chí có người cho rằng, nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm không cần mặc đồ bảo hộ quá kín.
Về điều này, ngày 1/6, GS Hải đã có báo cáo gửi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. GS Hải phân tích, theo quy định nhân viên tham gia chống dịch bắt buộc phải mặc bộ đồ bảo hộ 4 cấp tùy theo vị trí làm việc. Bộ đồ chống dịch giúp nhân viên y tế bảo vệ khỏi virus, tuy nhiên, việc mặc liên tục trong cả ngày bên cạnh việc gây khó khăn trong việc ăn uống, vệ sinh cá nhân còn làm nhân viên y tế nóng, khó chịu ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, có nguy cơ gây kiệt sức và ngất.
Còn giải pháp thay thế bộ đồ này bằng bộ đồ thoáng khi hơn là không khả thi vì những bộ đồ tương tự như bộ đồ bảo hộ tyvek (loại tốt nhất trên thị trường) cùng không thoáng hơn do không có thông gió; Giải pháp dùng quạt làm mát cũng không khả thi vì quạt sẽ thổi bụi lên và tăng ô nhiễm do khuếch tán.
Còn giải pháp xử lý thông gió cá nhân dạng bán mặt nạ thì hiện nay trên thị trường đã có mũ chống dịch của công ty Vihem, có thể giải quyết 1 phần nóng và khó chịu. Viện đã làm việc với công ty để tài trợ 100 mũ cho CDC Hà Nội, CDC Bắc Giang, CDC Bắc Ninh, Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư. Tuy nhiên, giá thành 140 USD/mũ (khoảng 3,2 triệu đồng/mũ – PV) nên khó trang bị đại trà và cũng có 1 số hạn chế như tiếng ồn, đeo nặng, đôi lúc bị bí. Đáng nói là đội mũ này nhân viên y tế vẫn bị nóng nực, khó chịu.
"Giải pháp thông gió cá nhân sử dụng quạt đeo hiện nay là giải pháp khả thi nhất, giúp cho không khí đối lưu trong khi mặc bộ đồ làm giảm nóng bức khó chịu. Viện đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo và đánh giá xong, giờ cần nhà tài trợ và nhà sản xuất.
Đây là thiết bị dân dụng tương tự như máy lọc không khí trên thị trường, đơn vị sản xuất chỉ cần công bố tiêu chuẩn cơ sở và kết quả đầu ra", TS Hải nhấn mạnh.