"Bà đỡ" trong hành trình vượt lên thoát nghèo
Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi tầng lớp trong xã hội, trong đó có hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đặc biệt, từ 0 giờ ngày 10/5, tỉnh Hòa Bình thực hiện giãn cách xã hội đối với TP.Hòa Bình và triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để phòng, chống dịch Covid-19.
Thực hiện chỉ đạo của Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), Chi nhánh CSXH tỉnh Hòa Bình đã chủ động, tích cực huy động nguồn vốn, giải ngân kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến tận tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách của hệ thống Ngân hàng CSXH đến 30/4/2021 đạt 236.913 tỷ đồng. Ngân hàng CSXH tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Minh Hưng - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Hòa Bình cho biết: Là tỉnh còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nên nhu cầu được tiếp cận vốn vay ưu đãi của người dân trong tỉnh rất lớn.
Để chuyển tải kịp thời vốn chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong mùa dịch Covid-19, Ngân hàng CSXH tỉnh Hòa Bình đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Đặc biệt là thực hiện nghiêm túc thông điệp "5K" của Bộ Y tế tại các điểm giao dịch xã.
Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách là những điều mà ông Bùi Văn Phong - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở xóm Mặc, xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn nhắc nhở các tổ viên khi đến giao dịch. Theo ông Phong, trước đây, đa số các hộ dân trong xóm đều thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo vì muốn phát triển kinh tế nhưng thiếu vốn. Kể từ khi được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, đời sống kinh tế của bà con thay đổi rất nhiều. Nhiều hộ đã làm giàu nhờ sử dụng hiệu quả vốn chính sách.
Tín dụng chính sách là "đòn bẩy"
Không chỉ có các tổ viên trong tổ của ông Phong nhận được sự "chăm sóc" đặc biệt như vậy từ nguồn vốn tín dụng chính sách.
Những năm qua, hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng đã có những bước tiến vững chắc trong hành trình làm giàu nhờ sự đồng hành liên tục của nguồn vốn chính sách. Đơn cử như gia đình chị Bùi Thị Ứn - hộ nghèo ở xóm Dệ, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong. Trước đây, khi mới lập gia đình, hoàn cảnh gia đình chị Ứn rất khó khăn. "Chỉ đến khi được vay vốn, chúng tôi mới làm được căn nhà kiên cố. Sau này, Ngân hàng CSXH tiếp tục cho vay vốn để nuôi trâu nên cuộc sống của gia đình tôi đã vơi bớt đi phần nào khó khăn"- chị Ứn tâm sự.
Ngoài gia đình chị Ứn, từ đầu năm đến nay, đã có thêm hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được vay vốn ưu đãi.
Theo đó, doanh số cho vay tín dụng chính sách trong 4 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đạt trên 598 tỷ đồng, cho 17.155 lượt khách hàng vay vốn. Tính đến nay tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đạt trên 3.490 tỷ đồng, với trên 125.000 khách hàng vay.
Thông qua nguồn vốn chính sách đã có 1.256 lao động được tạo việc làm, 25 học sinh, sinh viên được vay vốn, 34 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động, trên 8.700 công trình nước sạch và vệ sinh được cải tạo, xây mới.
Với việc triển khai đa dạng các chương trình cho vay, tín dụng chính sách tiếp tục trở thành "đòn bẩy" quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, góp phần đẩy nhanh tiến độ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các vùng còn nhiều khó khăn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi. Đây cũng là động lực quan trọng để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt lên trên những khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ