Chỉ ngay trong phiên sáng 1/6/2021, giá trị giao dịch (GTGD) trên sàn HOSE đã vượt mức hơn 21.700 tỷ đồng, trong đó riêng GTGD khớp lệnh là gần 21.000 tỷ đồng. Con số này tương đương gần 86% tổng GTGD của phiên giao dịch trước đó (31/5/2021) và xấp xỉ 97% giá trị giao dịch bình quân/ phiên của cả tháng 5/2021.
Cụ thể, trong giờ nghỉ trưa, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đã có thông báo gửi các công ty chứng khoán (CTCK) về việc ngừng giao dịch trong phiên chiều, với lý do thanh khoản tăng đột biến, gây "báo động với an toàn hệ thống". Theo đó, giá đóng cửa của chứng khoán trên sàn HOSE ngày 1/6 là giá khớp lệnh cuối cùng trong buổi sáng.
Và sẽ giao dịch trở lại bình thường kể từ ngày 02/06/2021. Giá tham chiếu cho ngày giao dịch 02/06/2021 là giá khớp lệnh cuối cùng trong ngày giao dịch 01/06/2021. Trường hợp ngày 01/06/2021 không có giá khớp lệnh, giá tham chiếu cho ngày giao dịch 02/06/2021 là giá đóng cửa ngày 31/05/2021.
Về vấn đề này, ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HoSE), cho biết: "Số lượng lệnh nhập vào tăng đột biến nên hệ thống tự động phát ra tín hiệu cảnh báo. Dựa trên tín hiệu này và ở góc độ người tổ chức thị trường, chúng tôi nhận thấy có khả năng sập hệ thống, ảnh hưởng đến những ngày giao dịch tiếp theo. Chúng tôi khẳng định, đây không phải sự cố. Đây là quyết định chủ động của HoSE để tránh dẫn đến tình trạng không thể kết thúc ngày giao dịch như từng gặp trước đây".
Thật ra những "trục trặc" đã sớm xuất hiện ngay từ đầu phiên giao dịch, chứ không phải đến lúc thanh khoản tăng đột biến mà buộc HOSE phải nghỉ sớm. Tình trạng nghẽn lệnh, thanh khoản đứt đoạn, giá khớp không trùng với các lệnh mua và bán, lệnh trả chậm… ngày càng phổ biến, khiến các nhà đầu tư bối rối và không biết nên đặt lệnh như thế nào mới đảm bảo mua bán được. Trước đó phiên ngày 31/5 cũng chứng kiến tình trạng "đơ" sàn ngay từ buổi sáng.
Chẳng những vậy, ngay từ đầu phiên sáng nay, nhiều nhà đầu tư đã không thể đăng nhập vào tài khoản giao dịch của một số CTCK. Ông Lê Hải Trà cũng cho rằng những hiện tượng như thanh khoản không kịp hiển thị, bảng giá không trùng khớp là một câu chuyện khác và không liên quan đến quyết định này. Hiện tượng đó chỉ thể hiện một điều rằng hệ thống đang phải tính toán, hoạt động tích cực nên thông tin bị trả về chậm. Ngoài ra, hệ thống giao dịch của các công ty chứng khoán cũng khác hệ thống của HoSE nên việc xảy ra sự cố ở một số công ty không đồng nghĩa cả thị trường như thế.
Dù là lý do gì, rõ ràng việc sàn HOSE thường xuyên bị nghẽn và đơ suốt thời gian qua đã gây không biết bao nhiêu khó khăn, thậm chí thiệt hại và áp lực tâm lý lên các nhà đầu tư trên sàn. Còn nhớ vào thời điểm cuối tháng 3, ông Trà cũng từng tiết lộ về "kế hoạch 100 ngày"giảm nghẽn cho HOSE, cũng như việc chính sách nâng lô giao dịch từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu được triển khai từ đầu năm nay, nhưng có vẻ như vấn đề vẫn chưa được xử lý tốt như kỳ vọng.
Trước tình trạng này, niềm tin của các nhà đầu tư cũng có thể bị suy yếu, khi lo ngại quyết định mua vào trong thời điểm này liệu có bán ra được khi cần chốt lời hay cắt lỗ. Hệ quả là hầu hết các nhà đầu tư tập trung giao dịch vào phiên buổi sáng, theo đó càng có thể đẩy giá trị giao dịch tăng mạnh ngay từ đầu ngày và tăng nguy cơ thị trường lại bị lỗi vào cuối ngày, theo đó có thể khiến việc ngắt mạch ngay từ phiên sáng diễn ra thường xuyên hơn.
VN Index đã vượt mốc 1.300 một cách thuyết phục, kích thích dòng tiền rót vào thị trường với kỳ vọng tham gia vào xu hướng tăng mạnh, nhất là khi dịch bệnh bùng phát đang ảnh hưởng lên hoạt động sản xuất kinh doanh và khiến dòng tiền nhàn rỗi nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu như hệ thống vẫn "ì à ì ạch", dễ dàng bị quá tải thì sao có thể đón nhận dòng tiền mới tham gia? Nếu vậy làm sao giá cổ phiếu có thể tiếp tục tăng và đẩy chỉ số thiết lập những đỉnh cao mới.
Những sự cố như vậy cũng làm mất uy tín và ảnh hưởng đến mục tiêu nâng hạng thị trường trong tương lai, khiến các nhà đầu tư nước ngoài thận trọng hơn với các quyết định giao dịch. Đó là những thiệt hại lâu dài không dễ gì đo đếm được. Rõ ràng chỉ với giá trị giao dịch như trên đã khiến hệ thống bị quá tải, thì liệu khi Việt Nam chính thức được nâng hạng có đón nhận nổi dòng vốn ồ ạt đổ vào từ các quỹ đầu tư quốc tế? Nhiều người cho rằng, việc khối ngoại bán ròng liên tục trong suốt thời giam qua có phần do ảnh hưởng từ thực trạng này.
Ngoài ra, tình trạng lỗi liên tục trên HOSE có thể tiếp tục thúc đẩy thêm nhiều doanh nghiệp chuyển nhà sang sàn HNX, điều vốn đã xảy ra trong những tháng đầu năm nay. Chẳng những vậy, các sự cố của sàn HOSE sẽ thúc đẩy dòng tiền chạy sang sàn HNX và UPCOM để tìm kiếm cơ hội, nhất là khi biên độ giao dịch trên 2 sàn nay cũng cao hơn tương ứng là 10% và 15% do đó khả năng sinh lời trong thời gian ngắn cũng hấp dẫn hơn.
Về phần mình, ông Lê Hải Trà, người đứng đầu sàn HOSE trong buổi chiều ngày 1/6 cũng cho biết tiến độ hợp tác giữa HoSE và Tập đoàn FPT để giải quyết tình trạng quá tải hiện nay đang diễn ra đúng lộ trình mà hai bên đã thống nhất. "Hệ thống này đang bước sang giai đoạn thử nghiệm toàn thị trường đến hết tháng 6 và dự kiến đầu tháng 7 có thể khai trương. Hệ thống có thể xử lý 3-5 triệu lệnh một ngày, đáp ứng được nhu cầu hiện tại và có thể tiếp tục mở rộng được nếu cần thiết. Trong khi đó, gói thầu với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) giữa tháng này sẽ bắt đầu thử nghiệm và khoảng cuối năm sẽ hoàn thiện", ông Trà cho biết.