Dân Việt

Long An: Làm liều điều này tưởng ông nông dân nuôi trâu phá sản, ai ngờ trở thành tỷ phú vùng biên

Trần Đáng 04/06/2021 06:05 GMT+7
Ở vùng biên này, chưa ai dám vay tiền ngân hàng nuôi trâu, nhưng ông Tô Văn Hợp (ấp 6, xã Mỹ Qúy Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) đã dám làm và trở thành tỷ phú.

Nông dân Sáu Hợp (Tô Văn Hợp) kể, ông biết nuôi trâu thời còn rất trẻ.

Long An: Làm liều điều này tưởng ông nông dân nuôi trâu phá sản, ai ngờ trở thành tỷ phú vùng biên - Ảnh 1.

Nhờ nuôi trâu, ông Sáu Hợp trở thành tỷ phú.

Nuôi trâu sắm ruộng đất

Ngày cưới vợ ra riêng, ông  được "ông già" cho hai con nghé làm của. Giờ, ông có 16 con trâu và 4ha đất trồng lúa.

Để có khối tài sản tiền tỷ này, ông Sáu Hợp cho biết, cũng từ nghề nuôi trâu.

Nhờ tính cần cù, tiết kiệm, từ hai con nghé ông Sáu Hợp nhân được đàn lên 5 con trâu.

Không những thế, ông Sáu Hợp còn mua thêm được vài công đất.

Thấy nuôi trâu phát triển kinh tế tốt, ông Sáu Hợp thế chấp mấy công đất vay tiền ngân hàng mua trâu giống về nuôi.

Với phương châm "lấy mỡ rán mỡ", tiền lời bán trâu ông trả tiền vay ngân hàng. Sau đó, lại lấy đất thế chấp vay tiền ngân hàng tiếp trâu nuôi.

Cứ thế, không những đàn trâu tăng số lượng, diện tích đất của ông Sáu Hợp cũng ngày càng phình to nhờ tiền lời từ bán trâu nuôi.

Ông Sáu Hợp lấy đất trồng lúa với phương châm "lấy ngắn nuôi dài".

Đàn trâu cứ sinh lợi theo kiểu "bỏ ống".

Long An: Làm liều điều này tưởng ông nông dân nuôi trâu phá sản, ai ngờ trở thành tỷ phú vùng biên - Ảnh 2.

Đàn trâu ngày càng tăng, do ông Sáu Hợp làm liều nuôi trâu.

Theo ông Sáu Hợp, nuôi trâu không tốn thức ăn. Bởi vùng biên này cỏ mọc dư thừa.

Nuôi trâu ở đây cần phải có sức khỏe để hàng ngày đắt trâu đi ăn cỏ.

"Để có phát triển kinh tế, bên cạnh cần cù, tiết kiệm, cái chính là mình phải biết tính toán", ông Sáu Hợp chia sẻ.

Ông Sáu Hợp tính, hiện với 16 con trâu, ông nắm trong tay hơn nửa tỷ đồng.

 Với 4ha đất, ông Sáu Hợp có thêm 4 tỷ đồng nữa. 

Nuôi trâu – mô hình kinh tế tốt

Bí thư, Trưởng ấp 6 Hồ Văn Xê cho biết, ông Sáu Hợp là "chuyên gia" nuôi trâu ở địa phương.

 "Ở vùng biên này, "Hai lúa" có trong tay 5-7 tỷ đồng như ông Sáu Hợp thuộc loại hiếm. Sáu Hợp không làm liều. Ông ấy là nông dân dám nghĩ, dám làm và rất giỏi tính toán", ông Xê nhận xét.

Theo ông Xê, ấp 6 hiện có hơn 50 hộ nuôi trâu, với tổng đàn hơn 500 con trâu.

 "Ở đây, chưa nông dân nào nuôi trâu mà nghèo. Nhiều người nuôi trâu khá giả", ông Xê thổ lộ.

Cũng theo ông Xê, bà con nông dân nuôi trâu như "bỏ ống". Bởi họ còn có đất làm lúa.   

Long An: Làm liều điều này tưởng ông nông dân nuôi trâu phá sản, ai ngờ trở thành tỷ phú vùng biên - Ảnh 3.

Ở xã Mỹ Qúy Tây, huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) nông dân nuôi trâu chưa ai nghèo.

Trong năm, lợi nhuận từ hạt lúa bà con chi tiêu vào sinh hoạt hằng ngày. Lợi nhuận từ con trâu mới là của cải bà con dành dụm.

"Mô hình sản xuất kết hợp "trâu-lúa" có hiệu quả kinh tế tốt", ông Xê đánh giá.