Bảo vệ trẻ khỏi xâm hại tình dục là điều khiến bao bố mẹ quan tâm, lo lắng từ trước đến nay. Thế nhưng điều đáng nói là đối tượng xâm hại không phải ai xa lạ mà chính là những người thân hoặc quen biết với gia đình. Thậm chí là anh chị em trong nhà như câu chuyện đang gây chấn động sau đây.
Nhà văn Hoàng Anh Tú mới đây nhận được tâm sự của một người mẹ, người đang rơi vào hoàn cảnh có con bị xâm hại nhưng lại không thể tố cáo, không thể bỏ đi... bởi đó chính là con trai riêng của chồng.
Câu chuyện được chia sẻ như sau:
"Con trai riêng của chồng em từ năm lớp 6 bắt đầu coi lén phim sex trong máy của ba và nghiện nó. Em đã nhắc nhở cháu, nhắc nhở ba cháu quan tâm đến cháu hơn.
Chuyện xảy ra lần đầu khi em phát hiện ra cháu vì tò mò mà đã làm bậy với con gái chung của chúng em. Em đã đánh đòn và sau đó mua sách giáo dục giới tính cho cháu. Từ lần đó, em vẫn cảnh giác và dặn con em không được tiếp xúc quá gần với con trai anh ấy. Con gái em khi ấy mới 5 tuổi, còn con trai anh ấy 13 tuổi. Nhưng mấy tháng sau, cháu lại tiếp tục làm vậy với em gái. Em đã rất gay gắt với chồng em và cảnh giác, kiểm soát cháu hơn.
Cho đến đợt dịch này, cháu ở nhà học online, chồng em có đưa điện thoại cho cháu học và quên thu. Cháu nhân cơ hội đó, lén xem phim sex. Và em lại là người phát hiện ra. Nhưng 10 ngày sau, cháu xâm hại con gái em, lần này trầm trọng hơn là có vết máu dính trên quần lót con gái em.
Em đã rất đau khổ, đã đánh cháu 1 trận và nói chồng em đưa cháu về nhà mẹ cháu ở ngay, nếu không giải quyết được theo hướng đó, em sẽ làm đơn tố cáo. Em rất lo lắng cho tương lai của con gái mình. Em không thể đưa bé đi giám định, vì đưa đi đồng nghĩa với việc em phải tố cáo con riêng của chồng. Em làm sao có thể làm được như vậy? Em không biết phải làm thế nào?".
Liên quan đến câu chuyện trên, trao đổi với PV báo Dân Việt, nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết: "Câu chuyện con riêng xâm hại con chung mà tối qua tôi đăng trên trang của mình không phải là chuyện cá biệt. Trước đó, trong inbox của tôi, có những câu chuyện tương tự đã được gửi đến. Là câu chuyện một người mẹ phát hiện ra 2 con ruột của mình làm chuyện người lớn. Là chuyện một phụ nữ đã hơn 30 tuổi rồi, đã có gia đình riêng rồi, nhưng vẫn không nguôi nỗi ám ảnh ấu thơ đã từng làm chuyện người lớn với chính anh trai của mình.
Chưa kể hàng chục lá thư khác của chính "thủ phạm" hay "nạn nhân" tâm sự về những ám ảnh thơ ấu của họ liên quan đến xâm hại. Tôi đồng ý rằng đó đều là những câu chuyện ám ảnh và gây ra sự kinh sợ của bất cứ người làm cha, làm mẹ nào lỡ phải đối mặt. Không ai muốn điều đó xảy ra trong chính gia đình của mình. Nhưng nếu nó xảy ra, chúng ta phải đối diện với "nỗi ô nhục" đó thế nào?
Là một người đã từng đọc cả trăm bức thư kể từ cái thời còn làm anh Chánh văn và phụ trách chuyên mục Giáo dục giới tính với nick name "Chị Mạc Thị Tư Khoa" trên báo Hoa Học Trò, tôi có thể nói với các bậc cha mẹ một điều rằng: Đó là chuyện kinh khủng… bình thường. Bởi nó là một phần trong sự phát triển giới tính của lũ trẻ. Sự tò mò giới tính. Bất cứ đứa trẻ bình thường nào cũng đều sẽ phải trải qua giai đoạn đó. Nó giống như việc ăn trộm tiền của bố mẹ hay ăn cắp đồ của bạn bè, nói dối cha mẹ… Đều là những hành vi sai trái và cần phải được sửa chữa. Vấn đề là cha mẹ cần phải làm gì để nó được sửa chữa kịp thời trước khi nó biến thành những khủng hoảng gia đình. Tôi cho rằng chúng ta nên bắt đầu từ cha mẹ trước nhất chứ không phải là những đứa trẻ.
Bởi hầu hết trong những "vụ án", tôi luôn thấy các cha mẹ mới là đối tượng cần phải sửa chữa đầu tiên. Khi phát hiện ra con mình thường xuyên nói dối, ăn cắp tiền hay khủng khiếp hơn, có những hành vi giới tính lệch lạc, nhiều cha mẹ ngay lập tức đã đánh mắng con, biến con thành tội đồ không thể tha thứ. Rồi sau đó là tự mình hành hạ bản thân, cho rằng mình là nạn nhân, mình bất hạnh. Một số cha mẹ còn cảm thấy khủng hoảng tâm lý trầm trọng.
Tôi nghĩ tất cả những điều đó đều sai hết. Dù thật khó để coi chuyện này là chuyện bình thường để bình tĩnh đi tìm giải pháp, chấp nhận để đối diện với điều khủng khiếp đã xảy ra. Nhưng đó lại là thứ mà cha mẹ nào cũng cần phải làm lúc này.
Làm sao có thể đuổi cổ chúng, tiêu diệt chúng, trút vào chúng những hình phạt hay sự giận dữ của chúng ta được. Kể cả trong trường hợp: Con riêng của chồng. Việc đuổi cổ đứa trẻ ấy về nhà mẹ đẻ của nó không phải là cách giải quyết, dù nó dễ dàng với nhiều người. Nhưng nó luôn là thứ dọn rác vào gầm giường. Chưa kể, chúng ta còn phải đối mặt với tội danh bạo hành trẻ em nếu như chúng ta coi việc chúng làm là tội ác và dùng sức mạnh, quyền lực của mình để trừng phạt chúng. Chúng ta đẩy lũ trẻ ấy vào hố đen tăm tối không phải là cách giải quyết.
Ở đây xin nhắc các cha mẹ rằng đó không phải là chuyện nhân văn hay bao dung gì cả. Ở đây, nó là cách xử trí của người hiểu biết, của một người cha, người mẹ đủ kiến thức, năng lực, hành vi, đừng cư xử và hành động như một người thiếu hiểu biết, dân trí thấp và côn đồ. Kể cả với những bình luận cay độc, thoá mạ một đứa trẻ cũng đã là một hành vi không thể chấp nhận được. Huống chi chúng ta còn là cha, là mẹ của đứa trẻ ấy. Nên nhớ, pháp luật Việt Nam chúng ta đã nói rõ: Khi trẻ dưới 18 tuổi, mọi hành vi phạm tội của chúng thì cha mẹ chúng phải chịu trách nhiệm.
Bình tĩnh đối thoại với con. Học cách chấp nhận sự thật để cùng con tìm ra giải pháp, định hướng cho con, cùng con sửa chữa. Đó mới là việc làm đúng. Như trong câu chuyện con riêng xâm hại con chung, người mẹ kế đã nhìn ra con mình lén xem phim người lớn từ trước đó nhưng đã chỉ coi là "tội lỗi" của con. Và hậu quả là đứa trẻ chỉ hiểu đó là việc… cần giấu giếm. Chúng sẽ tìm cách khác để xem tiếp.
Đứa trẻ không biết cách làm sao để ngừng xem phim đen ngoài việc không được sử dụng điện thoại của bố. Tôi cho rằng đó cũng là một việc làm thiếu trách nhiệm của nhiều cha mẹ. Dạy con nửa vời. Dùng cách cấm đoán, tước bỏ, cô lập hay trừng phạt mới chỉ là dạy mà chưa dỗ, dạy mà quên bảo.
Nhìn cây sửa đất - nhìn con sửa mình kia mà? Và hơn cả, việc lắng nghe lũ trẻ là thứ giáo dục định hướng chuẩn nhất chứ không phải những thứ gì cao xa cả. Lắng nghe con chính là cách gắn kết với con cái. Chúng ta là người lớn, chúng ta cũng rất cần người lắng nghe sao lũ trẻ lại không được chúng ta lắng nghe? Chỉ khi bạn lắng nghe con, bạn mới biết và hiểu mình nên làm gì.
Cuối cùng, để con mình không giống những đứa trẻ "hư hỏng" ngoài kia, tôi thiết tha mong mỗi bậc làm cha, làm mẹ hãy nhớ cho rằng chỉ khi chúng ta chịu thay đổi chúng ta mới có thể giúp con mình thay đổi. Không có con cái hạnh phúc nếu như cha mẹ chúng không hạnh phúc.
Câu chuyện của tôi có khiến nhiều cha mẹ giật mình và muốn ngồi lại với con lâu hơn chút nữa không?"