Thời gian làm bài thi lớp 10 rút ngắn, giáo viên tiết lộ cách lấy điểm tối đa

Tào Nga Thứ năm, ngày 03/06/2021 07:15 AM (GMT+7)
Nhiều học sinh và phụ huynh lo lắng vì lâu nay đã quen làm các dạng đề cũ nên việc rút ngắn thời gian có làm thay đổi cấu trúc đề thi không, làm sao để viết văn trong vòng 90 phút...
Bình luận 0

Ngày 2/6, Sở GD-ĐT Hà Nội đã được UBND thành phố đồng ý điều chỉnh ngày thi và thời gian làm bài thi vào lớp 10. Theo đó, môn Ngữ Văn và Toán sẽ thi trong thời gian 90 phút (kế hoạch trước đó là 120 phút) và Ngoại ngữ, Lịch sử thi 45 phút (kế hoạch trước đó là 60 phút).

Thời gian làm bài được rút ngắn lại từ 15 đến 30 phút (tuỳ từng môn) được cho là giảm áp lực, bảo đảm an toàn hơn khi các em phải thực hiện quy định phòng, chống dịch, không được sử dụng điều hoà. Tuy nhiên, nhiều học sinh và phụ huynh lo lắng vì lâu nay đã quen làm các dạng đề cũ nên việc rút ngắn thời gian có làm thay đổi cấu trúc đề thi không, làm sao để viết văn trong vòng 90 phút...

PV báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với các giáo viên bộ môn và chuyên gia giáo dục xoay quanh chủ đề này.

Thầy Ngân Kỳ, giáo viên Toán, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam

Thời gian làm bài thi vào 10 rút ngắn khiến học sinh Hà Nội bị rối, giáo viên tiết lộ cách lấy điểm tối đa - Ảnh 1.

Thầy giáo Ngân Kỳ.

Việc rút ngắn thời gian làm bài mỗi bài thi vào lớp 10 liệu cấu trúc đề thi có thay đổi? Câu trả lời là khi thời gian làm bài thi rút ngắn thì đề thi thường có 2 cách thay đổi:

Cách 1: Giữ nguyên cấu trúc so với đề cũ nhưng giảm độ khó của mỗi câu hỏi.

Cách 2: Cắt bớt một vài câu hỏi trong cấu trúc đề thi cũ.

Vậy thời gian làm bài mỗi môn thi giảm đi thì đề thi sẽ có thay đổi chút ít, nhưng đều nằm trong phạm vi kiến thức ôn tập nên các em đừng quá lo lắng!

Việc quan trọng ở thời điểm này là các em tập trung bồi bổ sức khỏe, tinh thần thoải mái để chuẩn bị bước vào kỳ thi.

TS. Văn học Diêu Lan Phương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc Gia Hà Nội

Thời gian làm bài thi vào 10 rút ngắn khiến học sinh Hà Nội bị rối, giáo viên tiết lộ cách lấy điểm tối đa - Ảnh 2.

TS. Diêu Lan Phương.

Đây là một năm mà các em có rất nhiều khó khăn, việc học thường bị gián đoạn vì dịch bệnh. Trong thời gian này, chúng ta vừa phải hồi hộp xem có được thi hay không, vừa tiếp nhận thông tin Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị điều chỉnh thời gian làm bài thi. Việc thay đổi bất ngờ này cũng khiến phụ huynh và học sinh có chút lo lắng. Tuy nhiên, cô nghĩ, chúng ta nên bình tĩnh đón nhận, việc điều chỉnh chủ yếu là rút ngắn thời gian các môn thi, đó cũng không phải là vấn đề lớn nếu chúng ta chủ động nắm vững kiến thức. Thông thường, trong chiến thuật làm bài hay là kỹ năng đi thi, việc phân chia thời gian để làm đủ các câu cũng rất quan trọng. Với việc điều chỉnh này, các em nên nhớ rằng:

Đề thi thông thường cũng sẽ được ra cho phù hợp với thời gian, chắc chắn ngắn hơn, gọn hơn. Về mặt cấu trúc có thể không có bất ngờ nhiều vì kiến thức đã được gói gọn trong phần các em học (nội dung kiểm tra đánh giá sẽ không ra trong các nội dung được hướng dẫn: Không dạy; Đọc thêm; Không làm; Không thực hiện; Không yêu cầu; Khuyến khích học sinh tự đọc; Khuyến khích học sinh tự học; Khuyến khích học sinh tự làm; Khuyến khích học sinh tự thực hiện). Vì vậy, các em yên tâm, không có gì phải lo lắng.

Về việc phân bố thời gian làm bài đương nhiên các em nên chủ động điều chỉnh. Khi đọc đề, một cách thủ công, các em nên phân chia thời gian cho từng câu hỏi theo số điểm đã được ghi trong đề. Ví dụ, phần I của đề Văn thường là 6-7 điểm, các em sẽ dành khoảng 60% thời gian, tương đương 50-60 phút, phần II (3-4 điểm), tương đương 30-40 phút. Cũng nên tương tự như vậy với các môn còn lại. Việc phân chia thời gian hợp lý sẽ giúp chúng ta hoàn thành được bài thi trọn vẹn.

Nhìn chung, trong tình hình dịch bệnh phức tạp, cô nghĩ việc điều chỉnh thời gian thi cũng hợp lí, đó là một sự nỗ lực lớn, và qua đây chúng ta cũng học được cách thích nghi. Việc này rất bình thường nên chúng ta không nên lo lắng, hãy giữ tinh thần thật thoải mái.

Chúc các bạn bình an, mạnh khỏe, đạt kết quả tốt nhất!.

Cô Hồng Ngọc, giáo viên tiếng Anh khối THCS, Trường Hà Nội - Thăng Long

Thời gian làm bài thi vào 10 rút ngắn khiến học sinh Hà Nội bị rối, giáo viên tiết lộ cách lấy điểm tối đa - Ảnh 3.

Cô giáo tiếng Anh Hồng Ngọc.

Việc rút ngắn thời gian thi sẽ là thách thức với các học sinh đã quen với việc ôn luyện theo các đề thi những năm trước. Vì vậy, việc đặt ra chiến lược làm bài phù hợp là vô cùng quan trọng. Dưới đây là những lời khuyên giúp cho các sĩ tử ứng phó với những thay đổi của đề thi sắp tới:

Làm tới đâu, chắc tới đó:

Thời gian làm bài rút ngắn đồng nghĩa với việc số lượng câu hỏi sẽ ít hơn, điểm số cho từng câu sẽ cao lên. Đôi khi thi đỗ hay không chính là ở 0,25 đó. Với môn tiếng Anh, sai 1 lỗi là mất hết điểm. Vì vậy, các em nên tập trung vào những câu có thể làm được ngay, dễ lấy điểm trước. Điều này còn giúp tạo tâm lý yên tâm hơn khi làm bài.

Phần thời gian còn lại sẽ dành cho những câu hỏi khó hơn như dạng viết lại câu sao cho ý không thay đổi, sắp xếp từ thành câu hoàn chỉnh và bài đọc hiểu. Đây chính là các dạng bài dễ mất điểm và cần luyện tập nhiều nhất.

Ngoài ra các em cần phân tích kỹ đề bài trước làm. Đọc câu hỏi trước ở bài đọc hiểu.

Nguyên tắc đầu bút chì:

Với các bài trắc nghiệm, sẽ có những câu hỏi mà các em chưa chắc chắn đáp án. Hãy sử dụng bút chì để đánh dấu các câu với ký tự riêng. Ví dụ: X (chưa làm được), 50%( chưa chắc chắn). Khi làm xong câu dễ và quay ngược lại xử lý các câu khó, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian đưa ra quyết định.

Với các câu hỏi còn phân vân, hãy sử dụng phương án loại trừ, lắp ghép các đáp án xem có hợp lý hay không. Và hãy nhớ không bỏ sót bất kỳ một câu trắc nghiệm nào. Đôi khi óc phán đoán sẽ mang lại may mắn.

Tự tin vào kiến thức của mình:

Trên tất cả, đề thi có thay đổi về thời gian hay cấu trúc thì cùng nhằm mục đích chính để kiểm tra kiến thức của học sinh. Chính vì vậy, nếu thí sinh đã ôn tập theo đề cũ thì vẫn hoàn toàn yên tâm rằng mình có thể hoàn thành tốt đề thi lần này. Sự thay đổi ở mức cô đọng và giảm tải thậm chí còn giúp thí sinh tập trung hơn trong quá trình làm. Hãy tự tin với kiến thức của bản thân để giữ được tâm lý bình tĩnh và sáng suốt nhất.

Anh Bùi Ngọc Phúc - tác giả sách Tư vấn kỳ thi vào 10

Thời gian làm bài thi vào 10 rút ngắn khiến học sinh Hà Nội bị rối, giáo viên tiết lộ cách lấy điểm tối đa - Ảnh 4.

Anh Bùi Ngọc Phúc

Là người dành nhiều sự quan tâm đến kỳ thi vào 10, tôi xin có vài chia sẻ cùng các phụ huynh và các thí sinh lứa 2k6 như sau:

Kỳ thi vào 10 năm học 2019 – 2020 môn Lịch sử có thời gian làm bài 60 phút với 40 câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm cho các mã đề thi. Nếu tính bình quân mỗi câu hỏi các thí sinh có thời gian là 1,5 phút để khoanh tròn vào 1 trong 4 đáp án để trả lời câu hỏi. Tuy nhiên thực tế đã chứng minh, nhiều con hoàn thành bài thi của mình trong vòng 40 phút, không những vậy các bạn đều giành được điểm cao.

Kỳ thi vào 10 năm học 2021-2022 vừa được Sở điều chỉnh thời gian, chắc chắn cấu trúc đề thi sẽ thay đổi theo hướng rút bớt câu hỏi cho phù hợp với thời gian làm bài trong 45 phút, nếu thí sinh nào học chắc và nắm vững kiến thức, việc thay đổi này không ảnh hưởng nhiều. Nhưng có một vấn đề phát sinh, nếu làm đủ và đúng 40 câu như kỳ thi năm 2019, mỗi câu đúng được 0,25 điểm.

Kỳ thi năm nay nếu giảm câu hỏi xuống, chắc chắn điểm bình quân cho mỗi câu hỏi đúng tăng lên, như vậy trượt một câu khiến các thí sinh sẽ mất điểm nhiều hơn. Bởi vậy các thí sinh phải bình tĩnh chọn và khoanh vào đáp án đúng, cố gắng tận dụng tối đa thời gian 40 phút để làm bài, mặc dù tôi tin chắc nhiều bạn sẽ hoàn thành bài thi trong vòng 30 phút đầu. Chúc các thí sinh làm bài đạt kết quả tốt nhất trong khả năng của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem