Ngoài những giải pháp đã được ngành Du lịch kiến nghị. Xã hội hoá vắcxin cũng là một giải pháp cấp bách để đẩy sớm việc miễn dịch trong cộng đồng, giúp ổn định tình hình.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam: “Thực hiện chủ trương xã hội hoá chương trình vắcxin trong ngành Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã xin ý kiến các Hiệp hội du lịch địa phương, Hiệp hội du lịch chuyên ngành, các doanh nghiệp hội viên và nhận được sự ủng hộ cao.
Trên cơ sở này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ báo cáo Chính phủ và làm việc với Bộ Y tế đề nghị cho phép hệ thống doanh nghiệp du lịch được đóng góp kinh phí để tiêm phòng vắcxin cho các cán bộ, nhân viên trong đơn vị du lịch và gia đình”. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng mong Chính phủ tạo điều kiện vận động các kênh đối tác, các tổ chức quốc tế, các nhãn hàng cùng phối hợp hành động để mang nguồn vắcxin về Việt Nam trên cơ chế doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định cho biết: “Chúng tôi đã nhận được công văn đề nghị đăng ký, tham gia chương trình xã hội hoá vắcxin trong ngành Du lịch và đang cho triển khai tới các hội viên. Việc này sẽ đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng”.
Nhận định lần dịch này phức tạp hơn nhiều so với những lần trước, ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa cho biết: “Hoạt động du lịch ở Khánh Hoà cũng gần như “đóng băng”, không khách sạn nào dám mở cửa (trừ những khách sạn đón khách cách ly), mà có mở cũng không có khách. Vì thế, chỉ tiêm chủng mở rộng mới có thể sớm miễn dịch cộng đồng và ổn định tình hình trở lại”.
Trước tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới ngành Du lịch như hiện nay, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh lại việc cần phải có các giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động. Ngoài các chính sách về thuế, phí, tiền điện như những đề xuất trước đây, Hiệp hội đã từng đề xuất tạm thời cho doanh nghiệp được chuyển đổi từ giấy phép lữ hành quốc tế sang nội địa. Căn cứ vào đó, chuyển mức ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành quốc tế từ 500 triệu đồng xuống 100 triệu đồng (mức quy định cho mảng nội địa). Ông Bình cho rằng, quy định này phùhợp với thực tế, vì từ năm 2020 các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã chỉ đón khách nội địa.
Tính đến tháng 4.2021, cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 2.212 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Từ khi xuất hiện dịch đến nay, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị cho doanh nghiệp dùng tiền ký quỹđể giải quyết những khó khăn trước mắt. Trong đó, có đề xuất vay lại tiền ký quỹ nhưng chưa được chấp thuận.
Trước đó, Bộ VHTTDL cũng đã gửi văn bản tới Bộ KH&ĐT về việc bổ sung những giải pháp cấp bách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid- 19 để Bộ VHTTDL tổng hợp, báo cáo Chính phủ. Trên cơ sở lấy ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp, Bộ VHTTDL tiếp tục đề xuất bổ sung một số chính sách hỗ trợ ngành Du lịch trong thời gian tới.
Trong đó, đề xuất cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP trong thời hạn 2 năm để giúp tạo dòng tiền vào doanh nghiệp, hỗ trợ khó khăn, giúp doanh nghiệp duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động, sản xuất. Điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất trong năm 2021 và những năm tiếp theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trong năm 2021; Tiếp tục kéo dài chính sách về giảm phí cấp phép kinh doanh lữ hành và thẻ hướng dẫn viên. Đề xuất Chính phủ và và các địa phương có các gói kinh phí hỗ trợ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng lao động trong ngành Du lịch là các doanh nghiệp, nhân viên lữ hành, lưu trú, hướng dẫn viên giai đoạn hậu Covid-19.