Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) diện mạo nông thôn ở xã Đà Vị đã khởi sắc rõ rệt, cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển nhanh, kinh tế nông thôn chuyển biến tích cực.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước có 08/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020. Thu nhập bình quân đầu người tăng 1,6 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,55%/năm. Song, kết quả xây dựng NTM ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn khoảng cách chênh lệch khá lớn so với các vùng, miền khác trong cả nước.
Điển hình như ở xã Đà Vị (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang). Bước vào xây dựng NTM, xã Đà Vị gặp rất nhiều hạn chế do xuất phát điểm thấp, như: cơ sở hạ tầng thiếu thốn; phần lớn dân cư là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn; nhiều phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất.
Với sự nỗ lực của chính quyền và người dân, sau 10 năm xây dựng NTM, xã Đà Vị đạt chuẩn 11/19 tiêu chí. Nhiều tiêu chí quan trọng chưa đạt chuẩn gồm: thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường, cơ sở hạ tầng…
Theo ông Dương Văn Nội, Bí thư Đảng ủy xã Đà Vị cho biết: "Nút thắt lớn nhất đối với xã vùng cao này là thực hiện các tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 của xã trên 30%.
Đảng ủy xã Đà Vị cũng thẳng thắn nhìn nhận, kinh tế-xã hội giai đoạn 2015 – 2020 phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đời sống của một số hộ gia đình vẫn còn khó khăn".
Từ đó, Đảng ủy xã xác định nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025 là phát triển kinh tế theo cơ cấu: dịch vụ, nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời, lãnh đạo phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong đó, tập trung khai thác một số lợi thế như chăn nuôi cá lồng, sản xuất bún khô Đà Vị, phát triển trồng cây đậu tương, giống lúa nếp nương, mở rộng diện tích trồng cây không hạt.
Hiện xã Đà Vị có hàng chục mô hình kinh tế hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập vài cải thiện đời sống của người dân. Tiêu biểu là mô hình sản xuất bún khô của HTX Nông nghiệp Đà Vị.
Theo bà Ma Thị Thoa, Giám đốc HTX cho biết: HTX Nông nghiệp Đà Vị chuyên sản xuất bún khô và phân phối các sản phẩm đặc sản vùng miền. Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, năng suất lao động tăng gấp 10-15 lần. Sản lượng của HTX năm 2020 đạt trên 30 tấn, đem lại doanh thu trên 500 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 11 thành viên với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.
"Phát triển kinh tế ở vùng cao vốn gặp nhiều khó khăn song HTX nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền các cấp về kiến thức, kỹ thuật, trang thiết bị, đầu ra sản phẩm… Trong năm 2021, HTX sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm để giúp thành viên làm giàu, góp phần đưa xã về đích NTM đúng hẹn" - bà Thoa chi biết thêm.
Bên cạnh đó, mô hình nuôi cá lồng trên Hồ thủy điện cũng là mục tiêu kinh tế xã Đà Vị hướng đến. Hiện, toàn xã có 161 lồng cá gồm cá lăng, ngạch đá, nheo, chiên, chép, trắm. Sản lượng khai thác, tiêu thụ đạt 100 tấn/năm. UBND xã kết nối doanh nghiệp với người nuôi để bao tiêu đầu ra sản phẩm. Trong thời gian tới, xã sẽ vận động thành lập HTX Thủy sản và mở rộng diện tích nuôi trồng.
Ngoài ra, Đà Vị là địa phương nằm trong chương trình hợp tác du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" của 2 tỉnh Tuyên Quang và Bắc Kạn. Do đó, Đà Vị có thể tận dụng để khai thác tiềm năng về sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, dịch vụ.
UBND xã Đà Vị đang cố gắng đẩy nhanh quy hoạch chi tiết du lịch của xã gắn với quy hoạch tổng thể du lịch của huyện; xây dựng đa dạng các loại hình dịch vụ kinh doanh. Đồng thời, nâng cấp, mở rộng chợ trung tâm, phát triển các loại hình dịch vụ dọc theo tuyến quốc lộ 279 đi qua địa bàn xã; thu hút dịch vụ du lịch sinh thái tại khu vực Hồ thủy điện Na Hang với hồ Ba Bể (Bắc Kạn).
"Có điểm tựa là những mô hình kinh tế hiệu quả, xã Đà Vị đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ về đích nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,5%/năm (theo chuẩn nghèo 2016 - 2020)", ông Dương Văn Nội nói.