Nhiều mô hình điển hình
Ông Nguyễn Trung Dũng - Giám đốc HTX Chăn nuôi hữu cơ Thủy Xuân Tiên (xã Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ) cho biết: Để bảo vệ môi trường sống và cung ứng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, hội viên nông dân trong xã cùng thành lập HTX Chăn nuôi hữu cơ Thủy Xuân Tiên.
Hiện, HTX có 15 thành viên, quy mô sản xuất khoảng 10 vạn gà thịt, gà đẻ trứng... theo phương pháp hữu cơ. Trung bình mỗi tháng, hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 5.000 con gà thịt, 3 vạn trứng gà sạch... Toàn bộ lượng gà và trứng đều được các thương lái, nhà hàng đặt mua.
Thời gian tới, Hội ND TP.Hà Nội tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tập thể, mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, hoạt động dịch vụ tư vấn, đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP, nhãn hiệu sản phẩm, cửa hàng giới thiệu nông sản an toàn…
Ông Nguyễn Đăng Hùng - Chủ tịch Hội ND huyện Chương Mỹ cho biết: Ngoài mô hình chăn nuôi gà hữu cơ tại xã Thủy Xuân Tiên, Hội ND huyện còn hỗ trợ nông dân ở các xã xây dựng nhiều mô hình sản xuất sạch, an toàn. Trên cơ sở đó, Hội ND huyện tư vấn, xây dựng thương hiệu được 7 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện.
Tương tự, HTX chè VietGAP ở xã Ba Trại, huyện Ba Vì là một điển hình từ mô hình liên kết nông dân trong sản xuất. Anh Đinh Công Phu - Chủ tịch Hội ND xã Ba Trại cho biết đã tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về quy trình thâm canh chè theo hướng VietGAP, đưa cơ giới hóa vào trồng chè an toàn và thay thế dần giống chè trung du lá nhỏ, đã già cỗi. Đến nay, toàn xã Ba Trại đã có hơn 40ha chè được cấp chứng nhận VietGAP.
Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch
Tại huyện Gia Lâm, theo Chủ tịch Hội ND huyện Chu Anh Tuấn, từ năm 2020 đến nay, Hội ND huyện đã hỗ trợ nông dân đăng ký chuyển đổi 186,33ha lúa/màu kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao; hình thành các vùng cây ăn quả tập trung, chất lượng tốt.
Đặc biệt, các cấp Hội đã phát triển 236 trang trại, gia trại xa khu dân cư; duy trì ổn định diện tích mặt nước hiện có, chuyển đổi 79ha đất trũng, trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản… Tất cả mô hình đều được sản xuất theo phương pháp an toàn, hữu cơ và đạt hiệu quả khá. Sản phẩm của các mô hình được người tiêu dùng đánh giá cao, tiêu thụ ổn định.
Không riêng Chương Mỹ, Ba Vì, Gia Lâm... phong trào nông dân thi đua sản xuất sạch, an toàn còn được triển khai tại nhiều địa phương khác của Hà Nội.
Ông Lê Ngọc Thắng - Phó Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội nhấn mạnh: Sản xuất sạch, an toàn là mục tiêu, tiêu chí hàng đầu, được hội triển khai tới từng cấp hội cùng các biện pháp cụ thể hỗ trợ nông dân.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, Hội ND thành phố đã tổ chức 111 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật cho 10.611 hội viên nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, rau an toàn, chăn nuôi gia súc gia cầm, các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh, cách sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật...
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tổ chức phát động, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể đạt hiệu quả cao, đăng ký xây dựng 18 HTX, 818 tổ hợp tác trong các lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ...). Nhìn chung, các mô hình sản xuất sạch, liên kết của nông dân đều cho hiệu quả kinh tế khá từ 400 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha/năm...
"Trong bối cảnh kinh tế hội nhập, việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao cần được nhân rộng, phát triển. Qua đó, làm tiền đề góp phần xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô đạt giá trị cao. Đó cũng là mục tiêu Hội ND hướng tới và được cụ thể hóa bằng những hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho hội viên, nông dân trên địa bàn Hà Nội..." - ông Lê Ngọc Thắng khẳng định.