Liên tiếp thất bại trước khi gặt "trái ngọt" ở xứ kiwi
Sinh ra trong gia đình có 3 chị em gái tại TPHCM, Từ Vinh tự nhận mình là cô em út có tính cách nổi loạn, không thích gò bó vào khuôn mẫu. Bố Vinh mất sớm từ khi cô mới 5 tuổi, Vinh sống với mẹ và hai chị.
Được gia đình định hướng học kinh tế như hai chị, Vinh nộp nguyện vọng vào Đại học Kinh tế TP HCM, thi khối A00 (Toán, Lý, Hóa). Tuy nhiên, cô thi ba môn chưa được 20 điểm, trượt đại học năm 2009.
Sau thất bại đầu đời, Vinh dành một năm tiếp tục ôn thi đại học và trau dồi kỹ năng tiếng Anh. Vẫn không thích những công thức, phép tính, Vinh dù cố gắng nhưng lại trượt đại học lần thứ hai.
Đang định rẽ hướng học trường tư, Vinh được gợi ý tham khảo chương trình liên kết ngành Kinh tế giữa Đại học Kinh tế TP HCM với Đại học Victoria Wellington, New Zealand.
Chương trình xét điểm tiếng Anh điều kiện và kết quả tốt nghiệp THPT nên Vinh trúng tuyển, học 1,5 năm tại Việt Nam sau đó chuyển tiếp 2 năm ở New Zealand. Sang New Zealand với 6.5 IELTS, Vinh gặp ngay cú sốc ngôn ngữ vì dù cô nói gì thì người kiwi vẫn khó nghe và hiểu được.
"Mình học tiếng Anh bao nhiêu nhưng qua đây tiếng Anh của người New Zealand nói nặng hơn và hay dùng tiếng lóng nên rất khó để mình thảo luận, khó hiểu bài và trao đổi với thầy cô bạn bè. Thêm nữa, cuộc sống ở Sài Gòn là sôi động từ sáng tới khuya nhưng bên này 6-7h tối đóng cửa hết (trừ siêu thị)… Không hoạt động về đêm được, lại gặp rào cản ngôn ngữ, thời gian đầu mình gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi".
Mức sống ở New Zealand khá cao so với thu nhập gia đình Vinh nên gia đình cô chỉ có thể chu cấp học phí. Vinh phải đi làm thêm vị trí lao công trong một siêu thị lớn của thành phố để trang trải. Nữ sinh áp dụng những điều học trên lớp và được lên chức quản lý chỉ sau một tháng.
Sau một thời gian học tập tự thấy mình không hợp với kinh tế nên cô quyết định chuyển sang học ngành quản trị kinh doanh.
"Quản trị kinh doanh thiên về cách suy nghĩ, cách áp dụng nhưng phương pháp vào cuộc sống để cải thiện quy trình hoạt động của một công ty, làm sao để hiểu khách hàng, phát triển sản phẩm... Nó làm cho tôi thích thú hơn", Vinh kể.
Năm 2014, New Zealand chỉ cho sinh viên ở lại một năm để tìm việc, nếu không có công việc dài hạn sẽ phải về nước. Điều này đặt Vinh vào tình huống đầy áp lực. Trong một năm đó, Vinh dốc sức gửi hồ sơ đến gần 200 công ty lớn nhỏ. Khoảng 20 công ty mời Vinh phỏng vấn nhưng cô liên tục thất bại.
Nhận thấy dữ liệu, hệ thống số hóa thiếu nhân lực tại New Zealand, Vinh thường xuyên tham gia các khóa học online ngắn hạn từ Đại học Cornell, Mỹ và Coursera về phân tích, quản trị dữ liệu đồng thời tìm kiếm việc làm ở thị trường ngách này.
Và rồi "một ngày khó tin" đã đến với cô gái tưởng như luôn gắn liền với những thất bại…
Đó là một ngày đẹp trời vào tháng 9/2016, cô nhận được lời mời làm việc từ ba Bộ của New Zealand cho vị trí chuyên viên phân tích dữ liệu: Bộ Giáo dục, Bộ Điện lực, Bộ Thương mại, Sáng tạo và Việc làm.
"Ngày hôm đó rất khó tin với tôi. Tôi không nghĩ cũng có lúc mình được lựa chọn công việc tốt tại New Zealand. Cuối cùng, tôi chọn làm việc tại Bộ Điện lực với vị trí chuyên viên phân tích dữ liệu", Vinh kể.
Tìm cơ hội trong mọi hoàn cảnh dù bất kỳ hoàn cảnh nào
Một điều thú vị là cô gái Việt đã lấy kinh nghiệm làm lao công để trả lời ban tuyển dụng khi ứng tuyển vào vị trí chuyên viên của Bộ Điện lực.
"Có thể mọi người nghĩ công việc lao công là công việc tay chân, không liên quan số liệu nhưng tôi dùng kinh nghiệm của một lao công để vào Bộ Điện lực. Tôi nói rằng, khi làm một lao công tôi áp dụng những gì đã học trong trường về cải tiến quá trình hoạt động (tính thời gian làm công việc đó, làm theo cách khác xem có nhanh hơn không) thì đó cũng là số liệu.
Mỗi tuần tôi phải mua dụng cụ dọn dẹp, hóa chất, phải tính giá tiền, tính xem phải dùng bao nhiêu bao lâu để làm báo cáo thì đó cũng là số liệu. Nhiều người nghĩ làm lao công sẽ không có gì để nói nhưng thực tế nó đã giúp ích cho tôi có được công việc ở bộ máy Chính phủ tại xứ người".
"Hãy tìm cơ hội trong mọi hoàn cảnh dù bất kỳ hoàn cảnh nào. Dù làm lao công vẫn có kinh nghiệm gì đó tôi có thể áp dụng được. Ví dụ làm cái đó tôi đi vòng vòng trong siêu thị, biết hết tất cả nhóm khác làm gì, giao tiếp với khách hàng nhân viên suốt ngày nên học được về giao tiếp và hiểu được hệ thống hoạt động của siêu thị thế nào…", Vinh chia sẻ thêm.
Trong 18 tháng làm việc tại đây, Vinh tiếp tục tìm cho mình cơ hội tốt hơn. Năm 2018, cơ hội đến khi Bộ Thương mại, Sáng tạo và Việc làm của New Zealand thông báo tuyển dụng vị trí chuyên viên phát triển kho dữ liệu. Cô gái Việt mạnh dạn nộp hồ sơ và một lần nữa thuyết phục được hội đồng tuyển dụng.
Mặc dù làm trái chuyên môn nhưng Vinh đã có kinh nghiệm trợ lý kế toán trước đó. Từng ghét tính toán và bỏ dở ngành kinh tế nhưng "ghét của nào trời trao của ấy".
Trước đây, khi đi thực tập, Vinh từng làm trợ lý kế toán trong 2-3 tháng. Cô bất ngờ nhận ra, không cần học cũng biết làm vì môn Toán ở cấp 3 Việt Nam đã tương đương với trình độ đại học ở New Zealand. Nên dù hiện tại làm trái ngành, cô vẫn đủ nền tảng năng lực để dùng.
Ở Bộ Thương mại, Sáng tạo và Việc làm, cô gái Việt đảm nhận vị trí xử lý dữ liệu thô, biến nó thành dữ liệu cho các chuyên viên phân tích làm báo cáo.
"Công việc của tôi là xử lý số liệu trước vì dữ liệu thô phức tạp, rồi gắn kết dữ liệu để tạo thành thông tin cho các bạn phân tích dữ liệu làm báo cáo. Bên này có luật người dân được hỏi thông tin về nhà nước. Các Bộ có nhiệm vụ trả lời cho người dân và số liệu của tôi làm ra là để cung cấp cho nhân dân. Chẳng hạn, năm nay, có bao nhiêu người học sinh đến New Zealand, họ đến từ quốc gia nào… Đó gọi là minh bạch thông tin".
Vinh thường nhắn nhủ các bạn trẻ phải tự tin với bản thân, không ngại thử thách. Qua đó bạn mới có kinh nghiệm khác với người khác, đặc biệt khi ở nước ngoài.
"Khi ở nước ngoài tôi phải ở vị thế "đối chọi" với người bản địa. Một bằng đại học giống nhau giữa người bản địa và tôi, thì tôi phải biết mình khác biệt gì. Tôi có khả năng xử lý dữ liệu, kết nối, giao tiếp, chăm chỉ, nói tiếng của người ta nên khi giải thích vấn đề dễ hiểu hơn người bản địa. Khi phỏng vấn bao giờ tôi cũng lấy cái đó ra nói cho nhà tuyển dụng biết thêm", cô chia sẻ.
Với Từ Vinh, cuộc sống sẽ có những vấp ngã bản thân đôi khi không tưởng tượng được nhưng nếu chúng ta nhìn nó là cơ hội để tiếp tục vươn lên thì hoàn toàn có thể đạt thành công.
"Điểm số đôi khi không quan trọng bằng kỹ năng sống của mình. Trong tất cả các cuộc phỏng vấn tôi trải qua, chưa có một cuộc nào người ta hỏi tôi tốt nghiệp loại gì hết. Tôi chưa bao giờ dùng đến bằng tốt nghiệp mà chỉ quan tâm kỹ năng sống, kỹ năng làm việc. Tôi tốt nghiệp bằng trung bình khá, điểm số dở nhưng giỏi thực hành.
Tôi làm lao công ở siêu thị và gặp nhiều sự kỳ thị, bất công nhưng được cấp trên trọng dụng, phát triển kỹ năng giao tiếp và quản lý. Tôi thi trượt gần 200 công ty nhưng quá trình xin việc lại cho tôi kinh nghiệm để có được công việc hôm nay", Vinh tâm sự.