Với nền văn hóa truyền thống mang nét tiêu biểu, đặc trưng của người Mông, thế mạnh về du lịch của Hà Giang đang ngày càng phát huy lợi thế. Hàng trăm năm nay, âm vang của tiếng khèn Mông vang vọng như một lời mời, một sự níu kéo của Hà Giang với du khách gần xa.
Từ xa xưa, trong văn hóa của mình, người Mông quan niệm, con gái lớn phải biết se lanh, dệt vải; con trai phải biết thổi khèn. Tiếng khèn của người Mông chính là thứ "quốc âm" của dân tộc. Trong sinh hoạt, tiếng khèn là người bạn đường, là người anh em của các chàng trai Mông mỗi khi xuống chợ, đi rừng, lên nương.
Tiếng khèn cũng chính là sợi tờ hông se duyên cho các cặp trai gái người Mông nên duyên vợ chồng. Đặc biệt, nhờ tiếng tiếng khèn, đồng bào Mông ngày càng gắn kết và hòa quyện. Bước chân lên vùng cao nguyên đá Đồng Văn, người ta sẽ không thể quên được tiếng khèn Mông da diết, trầm bổng vang vọng giữa núi đá trùng điệp. Cây khèn là một nhạc cụ gắn bó với người Mông mỗi khi xuống chợ cũng nh trong các dịp lễ, tết... Thiếu tiếng khèn, là thiếu đi "linh hồn" của người Mông.
Hiện nay, trước thực trạng nhiều giá trị văn hóa có nguy cơ mai một nhưng cây khèn trong tâm thức người Mông vẫn luôn giữ được những giá trị nguyên vẹn. Nhận thấy vai trò của cây khèn trong đời sống văn hóa tinh thần cũng như ý nghĩa trong việc phát triển du lịch, hằng năm Ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang thường xuyên tổ chức lễ hội khèn Mông với mong muốn quảng bá hình ảnh cây khèn với khách du lịch gần xa.
Lên thăm Hà Giang, du khách có cơ hội trải nghiệm các hoạt động vô cùng đặc sắc như: Lễ dựng cây Nêu tái hiện Lễ hội Gầu tào tại sân phố cổ Đồng Văn; cùng hòa mình vào phiên chợ vùng cao, thưởng thức các sản phẩm địa phương, cùng xem các nghệ nhân trình diễn nghề làm chậu gỗ, nấu rượu ngô men lá, nấu thắng cố, mèn mén, bánh Tam giác mạch; chiêm ngưỡng các thí sinh trong phần thi trang phục truyền thống.
Bên cạnh đó, các đội thi đến từ các xã còn tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, tổ chức các trò chơi dân gian, tái hiện các hoạt động thường nhật của đồng bào cho khách du lịch trải nghiệm như: Tước lanh, se lanh, đẽo sảng, chơi đá gậy… Đặc biệt, du khách có thể tham gia ngày hội các dân tộc xã Phố Là, trải nghiệm văn hóa dân tộc Pu Péo, ngắm hoa Tam giác mạch vụ Xuân – Hè.
Cùng với tổ chức các lễ hội để quảng bá, việc gìn giữ và truyền dạy nghệ thuật khèn cũng luôn được quan tâm, chú trọng. Trong vài năm trở lại đây, các trường học ở tỉnh đều triển khai tiết học giáo dục văn hóa truyền thống trong nhà trường. Và ở vùng cao này, tiếng khèn, điệu múa ô đang được những thế hệ trẻ, các em học sinh cấp 2, 3 say mê tập luyện.
Ông Vàng Tờ Phủ, một Nghệ nhân cao tuổi truyền dạy khèn Mông, ở xã Thanh Vân (Quản Bạ), tâm sự: "Hàng năm, tôi đều được huyện mời đi dạy các lớp thổi khèn cho bọn trẻ ở trong xã, huyện. Tôi vừa dạy xong một lớp có 28 học sinh, bọn trẻ bây giờ thổi khèn không tốt như ngày xưa nữa, nhưng vẫn có vài đứa thích, có khiếu. Ngoài ra, tôi còn đang rèn cho vài người ở trong xã nữa, là những người đã am hiểu về thổi khèn để sau này truyền dạy lại cho con cháu". Dù thế nào thì chúng tôi vẫn phải truyền giữ các bài khèn, vì tiếng khèn là lời cúng trong các đám tang, nếu không có tiếng khèn thì linh hồn sẽ không về được với tổ tiên.
Không chỉ có vậy, tiếng khèn còn xuất hiện ở trong những ngày Hội Xuân, khi Tết đến Xuân về, những cánh hoa Đào, Lê bung nở khắp núi rừng, tiếng khèn vui tươi, rộn ràng lại cất lên. Theo người Mông, con trai thổi khèn hay thì mới có nhiều con gái thích. Người nào vừa biết thổi khèn, vừa biết giao tiếp đối đáp tốt thì càng dễ lấy vợ. Bởi vị trí "thầy khèn" có vai trò rất quan trọng trong các đám, lễ của người Mông.
Trong mùa hoa Tam giác mạch năm nay, khi đi qua những núi đá trùng điệp, đâu đó vẫn nghe văng vẳng tiếng khèn, tiếng hát của các chàng trai, cô gái người Mông đang làm nương, rẫy nghỉ tay luyện tập hoặc cất lên tiếng tâm sự trong lòng. Tiếng khèn, tiếng hát ấy là nét đẹp văn hóa ghi sâu trong ấn tượng của khách qua đường.