1. Sau trận tranh ba tư với Nhật Bản tại giải U16 châu Á năm 2000, trở về khách sạn Hải Vân (Đà Nẵng), nơi đóng quân của đội, trong khi rất nhiều người tỏ rõ sự vui mừng vì kỳ tích của những cầu thủ trẻ Việt Nam thì Quyến – một thành viên của đội và là cầu thủ xuất sắc nhất giải - lạnh lùng như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Theo lẽ thường, khi hỏi về thành công của một con người, bao giờ người hỏi cũng đề cập tới yếu tố gia đình. Thế là người cha “đã chết” của Văn Quyến được nhắc tới. Và tất nhiên, Quyến không một lời hé mở.
Thấy nhiều người vô tình đụng tới nỗi hận của Quyến, ông Nguyễn Văn Thịnh, tức Thịnh “đen”, khi đó đang là HLV trưởng U16 Việt Nam mới nói nhỏ: “Hắn không đời nào nói về cha đâu. Trong lý lịch, phần tên cha, hắn luôn đề “đã chết”.
2. Nếu vẫn chỉ là nhát gừng nhát tỏi và luôn nói “không biết” thì chả ai hiểu được vì sao Quyến lạnh lùng và có phần lì lợm khi người ta nhắc tới cha trước mặt mình. Phải tới khi Trưởng đoàn bóng đá Việt Nam Nguyễn Hồng Thanh tường tận lại, người ta mới rõ hơn về hoàn cảnh đặc biệt của thằng bé đã "đốt lưới" U16 Trung Quốc cách đó mấy ngày.
Bây giờ sau khi biết chuyện, một mặt cảm thán tài năng của Quyến, mặt khác chiếm phần lớn hơn là thương cho hoàn cảnh của Quyến, một nhóm người đã chủ động đề nghị Quyến, giúp Quyến tìm lại cha.
Tất nhiên, không dễ để "tẩy não" cái ý nghĩ "cha đã chết" của Quyến và của cả bà Niềm – mẹ Quyến - sau 16 năm hai mẹ con chỉ biết dựa vào nhau vượt qua nỗi cùng cực và sự mỉa mai của người đời.
Phải mất một thời gian thuyết phục, cuối cùng hai mẹ con bà Niềm mới chấp nhận đi tìm người cha bội bạc năm xưa của Quyến.
3. Cuộc tìm kiếm bắt đầu với những thông tin rất mù mờ như sau khi bà Niềm bỏ về nhà ngoại để sinh Quyến, ông ấy đã bỏ mẹ con Quyến để đi lấy vợ khác ở tận Minh Hải…
Đầu năm 2001, với sự giúp đỡ của một số người, Quyến cùng mẹ đáp chuyến bay vào Nam tìm cha. Những thông tin ít ỏi mà nhóm tìm kiếm có được từ người thân của Quyến khiến hành trình gặp rất nhiều gian truân. Rất may, sau nhiều phen dò hỏi, Quyến cũng có được giây phút tương phùng với người đàn ông mà rất nhiều lần trước đó, Quyến đề “đã chết” trong lý lịch của mình. Người đàn ông ấy tên là Thập.
Sự lạnh lùng vẫn hiện hữu trong Quyến, có lẽ, nỗi hận ông Thập đã ăn vào máu khiến cả buổi gặp hôm đó, Văn Quyến không mảy may động lòng, dẫu ông Thập đã gạt lệ thốt lên: “Con hãy tha thứ cho bố!”. Ngay cả khi bà Niềm động lòng trắc ẩn tha thứ cho người đàn ông năm xưa đã bỏ rơi bà và chính giọt máu của mình, Quyến vẫn lạnh lùng vô cảm đến… tàn nhẫn.
Khoảng cách giữa Quyến và ông Thập còn kéo dài như chính khoảng thời gian 16 năm biền biệt họ đã tạo ra trong suốt bữa ăn hôm đó. Phải tới lúc ra về, trong bầu không khí nặng như chì, Quyến mới cậy răng chúc người ở lại mấy lời may mắn, hạnh phúc!
4. Đó là lần đầu Quyến gặp cha. Sau này, khi bóng đá cho Quyến rất nhiều, đưa Quyến đi từ đỉnh người hùng xuống đáy tội lỗi, và chính Quyến cần sự tha thứ của nhiều người, Quyến mới ân hận về sự lạnh lùng của mình năm xưa trước người cha.
Ngày ông Thập lâm trung, Quyến đã ở cạnh ông và tận một nghĩa tử!