Bà Niềm có thai Quyến mà bị đay nghiến, nghi ngờ, phải bỏ về đằng ngoại. Sau sinh Quyến trong cảnh khốn cùng, đói khổ. Quyến vừa lọt lòng đã chịu tiếng đời cay nghiệt là “kẻ không cha” để rồi lớn lên mang mãi một nỗi hận.
1. Hưng Tiến, Hưng Nguyên, Nghệ An vốn là xã thuần nông, mà mẹ Quyến, tức bà Hồ Thị Niềm ngày còn trẻ lại không muốn buộc chặt cuộc đời mình với đồng ruộng, bãi ngô. Thế là bà Niềm quyết đi học để rồi sau này được biên chế vào làm công nhân cho một công ty giao thông ở Vinh.
Năm bà gần 30 tuổi, trong một đợt về được điều về Diễn Châu làm thủy lợi, bà đã gặp một người đàn ông khi đó đang lái thuyền, chuyên chở vật liệu cho công trường.
“Bố hắn cao ráo, mồm mép. Lúc đó tui cũng đâu còn trẻ trung gì, thấy có người ngỏ lời thì nhận lời luôn. Thế là thành vợ chồng, được chính quyền và cả hai gia đình đồng ý hẳn hỏi” – Bà Niềm nhớ lại.
2. Hai người ăn ở với nhau một thời gian thì có thai nhưng bà Niềm không biết, vẫn hàng ngày lao động nặng nhọc nên không may để sảy. Đáng ra, Quyến đã có anh hoặc chị.
Sau bận sảy thai đầu phải tới 2 năm sau bà Niềm mới lại có thai lần nữa và lần này bà sinh ra Phạm Văn Quyến. Nhưng trước khi Quyến sinh, bố Quyến đã nằng nặc cho rằng, cái thai bà Niềm đang mang không phải là của ông.
“Chả biết ông ấy tính toán thế nào mà nhất quyết không thừa nhận cái thai trong bụng tui là “giọt máu” của mình. Rồi ông ấy còn ầm ĩ cả lên, họp mặt họ hàng để trách tui. Không chịu được sự đay nghiến, tôi bỏ về quê ngoại lúc bụng chửa vượt mặt”. – Bà Niềm kể mà không giấu được vẻ ức uất năm xưa.
Bị nhà chồng ruồng bỏ, về quê lại chịu tiếng đời của dân làng Hưng Tiến là “kẻ không chồng mà chửa”, bà Niềm chẳng biết dựa vào ai. Bà làm lụng quần quật suốt ngày để lo từng bữa nuôi mình và dưỡng thai nhưng đói vẫn hoàn đói. Cuộc sống kham khổ khiến bà Niềm sinh Quyến thiếu tháng và suy nhược, chỉ nặng 1,8kg.
“Hắn nhỏ như cái nắm tay, bấy giờ nhìn hắn, tôi còn tưởng hắn sẽ chẳng sống nổi nên cứ khóc mãi. Hắn sinh ra không có nổi cái tã tử tế để quấn, ông ngoại hắn phải xé cả áo may ô của mình để làm tã cho hắn. Khốn cùng là vậy, tôi lại còn không đủ sữa nên phải bế hắn chạy khắp làng xin bú nhờ. May thay, hắn sống được qua ngày…” – Bà Niềm kể trong nước mắt.
3. Sự khốn cùng ấy càng khiến bà Niềm thêm hận chồng để rồi khi Quyến lớn lên, Quyến có một người bố "đã chết" như lời mẹ Quyến vẫn nói. Và trong những bản lý lịch của mình, Quyến luôn đề: “Bố đã mất”!
Thứ duy nhất có lẽ liên quan đến người bố của Văn Quyến được bà Hồ Thị Niềm giữ lại cho đến tậy bây giờ chính là cái họ của Quyến - họ Phạm Văn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.