Dân Việt

Thế giới đã tiêm vaccine Covid-19 gần 11% dân số, nhưng châu Á mới chỉ 6,1%

Quốc Hải 07/06/2021 11:34 GMT+7
Trên thế giới, chiến lược tiêm chủng đang được gấp rút triển khai, với khoảng 2 tỷ liều vaccine đã được tiêm. Tính bình quân, toàn thế giới có khoảng gần 11% dân số được tiêm vaccine chống dịch Covid-19 ít nhất 1 mũi, nhưng tỷ lệ này ở khu vực châu Á chỉ là 6,1%...

Nhiều nước châu Á đang tụt hậu trong chiến dịch tiêm vaccine Covid-19

Tính đến hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm vaccine khá gấp rút, trong đó, Trung Quốc (682 triệu liều), Mỹ (297 triệu liều), Ấn Độ (220 triệu liều) và các nước Châu Âu đang dẫn dầu. Xét theo tỷ lệ dân số được tiêm chủng, các nước phát triển đã đi trước khá xa, trong đó Mỹ đã đạt ngưỡng 50%, Châu Âu đạt 32%,… Bình quân, tỷ lệ dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine khoảng gần 11% (10,9%).

Thế giới đã tiêm vaccine Covid-19 gần 11% dân số, nhưng châu Á mới chỉ 6,1% - Ảnh 1.

Triển khai tiêm vaccine Covid-19 tại TP.HCM cho các đối tượng được ưu tiên (Ảnh: Đức Hạnh)

Trái với Mỹ và châu Âu, nhiều nước châu Á đang tụt lại phía sau trong chiến dịch tiêm chủng, mới đạt tỷ lệ rất thấp là 6,1%.

Nguyên nhân một phần là thiếu nguồn cung vaccine Covid-19. Theo tờ Financial Times, do không thể phát triển và sản xuất vaccine trong nước, nhiều quốc gia châu Á buộc phải chờ nguồn vaccine từ Mỹ hoặc châu Âu.

Trong số những nước có tiến độ tiêm vaccine chậm chạp có cả những nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... Trong khi đó, ở những nước đang phát triển như Thái Lan hay Philippines, chiến dịch tiêm chủng hầu như mới chỉ ở bước đầu.

Song, điều khiến thế giới ngạc nhiên nhất ở châu Á chính là Ấn Độ - nước có cơ sở sản xuất vaccine lớn nhất thế giới là Viện Huyết thanh, nhưng nước này mới tiêm 14 mũi/100 người và đang chật vật trong làn sóng Covid-19 thứ hai. Nguyên nhân được chỉ ra là do thời kỳ đầu, chính phủ Ấn Độ lại không đầu tư vào vaccine khẩn cấp như châu Âu hay Mỹ vì nghĩ rằng dịch sẽ hết vào tháng 1 và không hề có kế hoạch dự phòng. Các công ty Ấn Độ không đầu tư tăng năng lực sản xuất vì nghĩ nhu cầu sẽ giảm.

Ngay cả với Trung Quốc, dù đã kiềm chế được dịch bệnh và sản xuất được vaccine, nhưng mới chỉ tiêm 36 liều/100 người.

Thế giới đã tiêm vaccine Covid-19 gần 11% dân số, nhưng châu Á mới chỉ 6,1% - Ảnh 3.

Tỷ lệ dân số đã được tiêm chủng ít nhất một mũi vắc xin (Nguồn: Our World in Data)

"Các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu đã chứng kiến số ca nhiễm giảm rõ rệt và dần nới lỏng hầu hết các lệnh giãn cách, kỳ vọng cầu tiêu dùng phục hồi ở các nước này sẽ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới. Vì thế, Việt Nam cần chạy đua nhanh hơn để kiểm soát dịch trong bối cảnh các biến chủng virus ngày càng trở nên nguy hiểm hơn", chuyên gia SSI Research, bình luận.

Việt Nam đang tăng tốc triển khai tiêm vaccine Covid-19

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tiếp nhận gần 2,9 triệu liều vaccine từ nhiều nguồn và thực hiện tiêm chủng 1,1 triệu liều, tập trung vào tuyến đầu chống dịch và các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng như Bắc Giang, Bắc Ninh…

Có thể thấy, so với các đợt dịch trước, làn sóng thứ 4 có tốc độ lây lan nhanh và mạnh hơn, với tổng số gần 5.000 ca nhiễm xuất hiện tại 36 tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, ảnh hưởng về mặt kinh tế đang được hạn chế ở mức tối đa với cách tiếp cận khoanh vùng xử lý từng cụm dịch. Bên cạnh đó, tình hình triển khai vaccine đang có nhiều bước tiến rõ rệt.

Thế giới đã tiêm vaccine Covid-19 gần 11% dân số, nhưng châu Á mới chỉ 6,1% - Ảnh 4.

Chiến dịch đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine được Việt Nam triển khai (Nguồn: SSI Research)

Cụ thể, chương trình COVAX đã phê duyệt tài trợ miễn phí cho Việt Nam 38,9 triệu liều vaccine đủ dùng cho 20% dân số là tuyến đầu phòng chống dịch. Bên cạnh đó, Bộ Y tế và các doanh nghiệp đã tìm kiếm nguồn cung cấp với tổng số 86 triệu liều vaccine từ Mỹ, Anh và Nga dự kiến có thể cung cấp trong năm 2021.

Ngoài ra, tổng số liều vaccine mà Việt Nam đã có thỏa thuận đặt mua đạt 124,9 triệu liều, gần đạt mục tiêu 150 triệu liều để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam để đạt miễn dịch cộng đồng.

Về phía nghiên cứu trong nước, có 4 đơn vị trong đó có Nanocogen đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn ba, một số đơn vị đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng, nguồn cung trong nước sẽ giúp đảm bảo nguồn vaccine về lâu dài bởi vaccine Covid không có hiệu lực bảo vệ trọn đời.

Theo tính toán từ Bộ Y tế, tổng kinh phí ước tính để mua đủ 150 triệu liều vaccine vào khoảng 25.200 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương chi 16.000 tỷ đồng (đã có 13.337 tỷ đồng chuyển nguồn từ năm 2000), ngân sách địa phương và huy động đóng góp 9.200 tỷ đồng.

Thế giới đã tiêm vaccine Covid-19 gần 11% dân số, nhưng châu Á mới chỉ 6,1% - Ảnh 5.

Triển khai tiêm vaccine để thực hiện mục tiêu kép trong phát triển kinh tế (Ảnh: Đức Hạnh)

Riêng Quỹ vaccine phòng Covid-19 đã được thành lập để các cá nhân và doanh nghiệp đóng góp vào mục tiêu chung này. Tính đến thời điểm 22h ngày 5/6, ngay sau lễ ra mắt Quỹ vaccine Covid-19, tổng số tiền các tổ chức, doanh nghiệp, bộ ngành, địa phương đóng góp cho Quỹ vaccine Covid-19 là 6.600 tỷ đồng và 17 tỷ đồng đóng góp nhận được qua tin nhắn. Con số này đang không ngừng tăng lên…

"Với hệ thống y tế cộng đồng đi sâu tới từng xã/phường, Việt Nam có đủ khả năng triển khai nhanh chóng chiến lược tiêm chủng nếu được cung cấp đủ nguồn vaccine", đại diện Bộ Y tế, khẳng định.