Dân Việt

Ở nhà mùa dịch Covid-19, rảnh là lên mạng mua sắm, các sàn thương mại điện tử 'hốt bạc'

Hồng Phúc 07/06/2021 18:00 GMT+7
Vừa mua ở sàn thương mại điện tử này xong, anh Huy qua sàn thương mại điện tử khác chốt đơn hàng. Ở nhà mùa dịch Covid-19, người dân mua hàng trên mạng nhiều hơn, các sàn thương mại điện tử cũng "hốt bạc".

Làm việc online tại nhà cả tuần do TP.HCM giãn cách xã hội, Lê Huy (ngụ quận Phú Nhuận) hầu như ngày nào cũng lướt điện thoại, hết lên sàn thương mại điện tử này lại chuyển sang sàn thương mại điện tử kia. Thấy sản phẩm nào đang được giảm giá khủng, hay đang cần thứ gì là anh "chốt đơn".

Covid-19 khiến thương mại điện tử "hốt bạc"

"Hôm qua, 6/6, các sàn đua nhau giảm giá nhân sự kiện 'ngày trùng' giữa năm, tôi đặt tới 6-7 đơn hàng luôn. Vừa mua xong bên này là chuyển sang sàn bên kia mua. Tuần này vẫn ở nhà nên tôi ngồi canh shipper đến giao hàng, chắc nhận liên tục", Huy nói.

Ở nhà mùa dịch, cứ rảnh là lên mạng mua sắm, các sàn thương mại điện tử "hốt bạc" - Ảnh 1.

Dự báo, đến năm 2025, quy mô thương mại điện tử Việt Nam lên đến 52 tỷ USD. Ảnh: Hồng Phúc.

Làm việc văn phòng khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), Huy cho biết thỉnh thoảng mới mua sắm qua các sàn thương mại điện tử nhưng nay chỉ ở nhà, tù túng, lại hạn chế đến nơi đông người nên cần mua gì, anh đặt hết trên các sàn thương mại điện tử.

Quần áo, giày thể thao, hóa mỹ phẩm đến cái ấm đun nước là những món hàng chàng trai này đã mua sắm trong vài ngày qua. "Chỉ riêng đợt giảm giá ngày 6/6, tôi nướng hơn 2 triệu đồng để mua vài đôi giày mới đang được giảm giá khủng", Huy nói.

Sự kiện livestream chào đón ngày "siêu khuyến mãi" 6/6 của Lazada, ghi nhận cho thấy có thời điểm số lượng người theo dõi trực tiếp vượt con số 1 triệu lượt xem. Khách hàng của sàn này vừa xem chương trình, vừa lấy mã giảm giá để chờ đúng 0h là "chốt đơn". Nhiều sản phẩm được áp dụng giảm giá lớn trên sàn này nhanh chóng được hệ thống thông báo hết hàng khi vừa qua ngày mới, khi số lượng người mua quá đông.

Cuộc cạnh tranh trên Tiki và Shopee cũng không thua kém. Để thu hút một lượng lớn người ở mùa dịch, các sàn thương mại điện tử liên tục tung mã giảm giá, mã miễn phí vận chuyển theo từng khung giờ. Song song đó là hình thức livestream, chơi trò chơi để lấy điểm thưởng, mã giảm giá nhằm thu hút khách hàng.

Ở nhà mùa dịch, cứ rảnh là lên mạng mua sắm, các sàn thương mại điện tử "hốt bạc" - Ảnh 2.

Sự kiện livetream của một sàn thương mại điện tử tối 5/6 có thời điểm hơn 1 triệu lượt người xem trực tiếp. Ảnh chụp màn hình.

Báo cáo vừa công bố hôm 1/6 của Adsota cho biết, Covid-19 đã khiến các sàn thương mại điện tử trong nước có thêm một lượng khách hàng mới "khổng lồ". Dù không chỉ rõ con số cụ thể nhưng báo cáo tiết lộ lượng người dùng mới từ các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng hơn 41%, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Thống kê của Google, Temasek và Bain & Company cũng cho thấy, năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. "Miếng bánh" được dự báo sẽ càng béo bở khi tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 đạt 29%, tới năm 2025, quy mô thương mại điện tử Việt Nam lên đến 52 tỷ USD.

Thương mại điện tử ở Việt Nam thêm nhiều điểm sáng

Xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử giờ đây đã mở rộng sang nhóm bách hóa, nhóm hàng tiêu dùng nhanh, điều mà trước đây dường như các "ông lớn" trong ngành chưa chú ý nhiều đến.

Thống kê bản đồ thương mại điện tử Việt Nam vừa được iPrice công bố cho biết quý I/2021, người tiêu dùng Việt Nam dần quen mua sắm hàng thiết yếu trên các sàn thương mại điện tử, lượng truy cập của ngành hàng này tăng 13% so với quý liền trước. Cùng thời điểm năm ngoái, nhóm hàng này tăng đến 45% và duy trì tăng trưởng khoảng 10% khi tình hình dần ổn định.

Nhiều khả năng, lượt truy cập và mua sắm nhóm hàng này sẽ lại tiếp tục tăng mạnh trong quý II/2022, khi dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đang phức tạp trở lại. Nhiều sàn thương mại điện tử cũng ghi nhận số đơn hàng tăng vượt bậc chỉ trong vài ngày qua.

Ở nhà mùa dịch, cứ rảnh là lên mạng mua sắm, các sàn thương mại điện tử "hốt bạc" - Ảnh 3.

Các ngành hàng thực phẩm trên các sàn thương mại điện tử hiện rất đầy đủ. Ảnh chụp màn hình.

Đại diện Lazada cho biết vài ngày đầu tiên TP.HCM giãn cách xã hội, các sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng gấp hơn 3 lần so với đợt giãn cách xã hội lần đầu tiên vào tháng 4/2020. Đáng chú ý nhất là ngành hàng thực phẩm tươi sống và đông lạnh trên sàn này tăng đến hơn 10 lần.

Còn Tiki, mức độ tăng trưởng toàn sàn đã đến 30%, ngoài nhóm hàng tiêu dùng nhanh, người mua cũng quan tâm hơn đến các ngành hàng khác trong thời gian giãn cách như nhà cửa và đời sống, mẹ và bé, dụng cụ thể thao… Điều tương tự cũng diễn ra tại Shopee. Shopee, Tiki và Lazada là ba sàn thương mại điện tử có lượt truy cập nhiều nhất hiện nay.

Báo cáo của Adsota cũng nhận định giãn cách xã hội khiến người tiêu dùng phải tìm cách thích nghi với việc mua sắm từ xa mà không phải ra khỏi nhà. Các hoạt động mua sắm tại siêu thị, cửa hàng hay chợ truyền thống được người tiêu dùng giảm thiểu tối đa. Thay vào đó, họ có xu hướng tăng cường và tập trung hơn cho những chi tiêu có thể thực hiện tại nhà.

Những mặt hàng có mức chi tiêu tăng trưởng mạnh trong mùa dịch là hàng thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm, sau đó đến sản phẩm chăm sóc nhà cửa, tiện ích và chăm sóc sức khỏe. 

Tương lai của các sàn thương mại điện tử càng sáng hơn khi đơn vị nghiên cứu nhận thấy có tới hơn 90% khách hàng mới của các sàn cho biết vẫn sẽ tiếp tục sử dụng các nền tảng mua sắm này kể cả khi thế giới đã vượt qua Covid-19.