Dân Việt

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Tôi gọi Dân Việt là tờ báo của chúng ta"

Nhà thơ Trần Đăng Khoa 08/06/2021 08:00 GMT+7
Nhân dịp kỷ niệm 11 năm ngày ra mắt báo điện tử Dân Việt, chúng tôi xin đăng tải bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam gửi tới tờ báo.

Thấm thoắt tờ báo của chúng ta – báo Dân Việt đã bước sang tuổi 11. Mười một năm là quãng thời gian rất ngắn. Ngay với một đời người mỏng manh cũng ngắn. Tuổi 11 là tuổi vị thành niên, chưa thể gọi là trưởng thành. Thế nhưng tờ báo của chúng ta đã thật sự vạm vỡ, lớn mạnh, là tiếng nói chính thống của người dân Việt Nam trong một xa lộ thông tin rất rộng lớn hiện nay. 

Tôi gọi Dân Việt là tờ báo của chúng ta, cũng bởi nó là tờ báo của mọi nhà, chứ không phải chỉ là tờ báo của riêng người nông dân chân lấm tay bùn. Nhưng đối tượng chính mà nó phục vụ là nông dân. Theo thống kê nước ta nông dân chiếm đến hơn 60%. Nhưng thực tiễn thì đông hơn. 

Theo tôi, có lẽ phải trên 90/100 là nông dân. Mà rất đa dạng. Có nông dân cầm cuốc cầm cày. Nông dân bám đồng ruộng bằng công nghệ hiện đại. Nông dân làm doanh nghiệp. Nông dân làm thầy. Nông dân khoác áo trí thức. 

Nông dân làm quản lý, lãnh đạo. Có anh rất oách, đi đứng kềnh càng, nhưng đến khi xử lý những công việc cụ thể, thì tôi thấy họ hiện nguyên hình một anh nông dân tỏa đầy mùi rơm rạ cùng hơi mưa trên những cánh đồng làng. Đấy là điều rất mừng về sự lớn mạnh, trưởng thành của đội ngũ nông dân của chúng ta.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Tôi gọi Dân Việt là tờ báo của chúng ta" - Ảnh 1.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa là một trong những độc giả gắn bó với báo Dân Việt.

Bạn đọc của Dân Việt bây giờ đều là những người có học. Ngay cả những người chân lấm tay bùn bây giờ cũng có trình độ cao, ở một mặt bằng kiến thức rất cao. Chinh phục được họ đâu có dễ. Vậy mà "cái cậu" Dân Việt mười một tuổi đầu đã được họ yêu mến, tin cậy.

Chỉ riêng điều đó đã đủ mừng cho Dân Việt!

Cái cần ghi nhận của Dân Việt là không ngừng đổi mới, tự nâng mình lên để đồng hành được với bạn đọc. Dân Việt là bức tranh toàn cảnh của đời sống, vật chất và văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam. Chất lượng bài vở đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Không hấp dẫn thì người ta không đọc. Người ta không đọc thì mọi sự chỉ đạo và đường hướng đổi mới của Đảng, của Chính Phủ, của Hội Nông dân Việt Nam không thể đến được với người dân Việt Nam.

Ngoài bài vở, tin tức chính xác, phong phú, hấp dẫn, bạn đọc, trong đó có tôi còn đánh giá rất cao tờ báo của chúng ta trong một việc làm rất thiết thực, là đánh thức tiềm năng trí tuệ của nông dân và tạo điều kiện cho nó phát triển, bằng một số kỳ thi mang đầy tính sáng tạo. 

Bắt đầu là kỳ thi làm giàu trên đất quê mình. Đây không phải "chiêu trò" để bán báo hay nâng cao chất lượng bài vở. Đây là cách hiệu quả nhất trong việc tôn vinh người tốt, việc tốt, đặc biệt là quảng bá, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Cái này rất quan trọng, vì nó vô cùng thiết thực và hiệu quả. 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Tôi gọi Dân Việt là tờ báo của chúng ta" - Ảnh 2.

Báo điện tử Dân Việt bước sang năm thứ 11 với nhiều đổi mới.

Mỗi bài viết là một tấm gương, một cách làm ăn mới và cũng là một cách vượt khó, cách xóa đói giảm nghèo rất hiệu quả. Tôi có may mắn là người đã nhiều năm đọc giám định, và sau khi nhà báo lớn Hữu Thọ mất, anh em lại "đẩy" lên làm chủ khảo cuộc thi, nên tôi có điều kiện phải đọc kỹ, tìm hiểu kỹ. Quả là nông dân mình tài thật. Họ có thể sáng chế ra cả máy bay, xe tăng, tầu ngầm, là những đặc chủng có tính khu biệt, rất xa với đời sống của họ. Rồi các công cụ thiết thực với họ như máy cày, máy cấy, máy gặt… rất tuyệt vời. 

Có người bảo, những nông cụ đó loài người đã sáng tạo ra rồi, sao còn làm nữa. Phát minh khoa học là phải làm ra những cái mới, cái loài người chưa có. Đấy là những "phán quyết" của người ở "trên mây". Những nông cụ tuyệt hảo của loài người là của… loài người, chứ đâu có phải của Việt Nam. 

Những chiếc máy cày, những bộ máy gặt đập liên hợp của Nga hay của các nước là để vận hành trên những nông trang bát ngát, chứ đâu có "tác nghiệp" được trên những mảnh ruộng bé tí, nhất là những mảnh ruộng của bà con vùng cao. 

Máy cày, máy cấy mà bà con ta sáng chế có thể cày trong những mảnh vườn, những thửa ruộng khoán bé hin, hay cả những vạt đất bậc thanh, lổn nhổn sỏi đá. Đấy là những cỗ máy "Made in Việt Nam", của người Việt Nam, dành riêng cho người Việt Nam.

Ở mảng kinh tế gia đình cũng rất đặc biệt. Tôi đánh giá rất cao những người đi lên từ hai bàn tay trắng. Mà rất quái lạ. Nghe cứ như chuyện huyền thoại. Có ông làm giàu bằng… vịt giời, là một loại chim hoang dã, mà chỉ có… ông Giời mới "quản lý" nổi. Vậy mà ông nông dân mới ngòai hai mươi tuổi đã thành "ông giời" ở trên mặt đất, thu tiền tỷ bằng chính những sản phẩm của giời. 

Tôi cũng rất kính nể một ông chủ trang trại chăn nuôi bò với số lượng bò lớn mà không phải bỏ ra một xu xây chuồng trại. Chuồng trại của ông là cả cánh rừng lớn. Ông thả bò vào rừng. Tự chúng kiếm ăn, tự chúng sinh nở, có con rồi thì chúng "dắt" con về ra mắt chào ông chủ. 

Chuồng trại của ông là cả một khoảng đất trời, mênh mông rộng lớn, nhưng bò vẫn không thất lạc, vẫn "dinh" chặt với ông chủ, không bỏ được chủ, vì một bí kíp rất đơn giản. Mỗi sáng ông cho chúng ăn chỉ với một nhúm cỏ tẩm qua muối. Chính tí hơi muối này đã thành một lá bùa giữ chân chúng mà chúng không thể rời ông chủ bỏ đi. Tài thật. Mà nào có tốn kém gì. 

Tôi không thể kể hết những bí kíp làm ăn của nông dân ta. Những bí kịp ấy đã được tòa báo tập hợp thành một cuốn sách, có thể coi như một cuốn "cẩm nang" giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Gần đây, Dân Việt còn nới ra, tổ chức cuộc thi truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập".

Điều mong đợi của tôi đối với Dân Việt là muốn tờ báo của chúng ta tiếp tục cải tiến. Có thể mở thêm một chuyên mục "Nhìn sang các nước" để thấy những người nông của các nước văn minh đặc biệt là những người nông dân trong khu vực, nghĩa là họ rất gần với chúng ta, cùng chung thời tiết, khí hậu, cảnh ngộ, xem họ sống thế nào, vượt khó thể nào để vươn lên, đưa đất nước đi lên thành một đất nước văn minh ở trong khu vực cũng như trên thế giới.

Chúc Dân Việt không ngừng cải tiến, xứng với cái tên Dân Việt, cái tên đại diện cho những người DÂN ở một đất nước không biết khuất phục trước mọi khó khăn hay trước những kẻ thù, dù chúng hùng mạnh đến đâu, tàn bạo đến đâu.

Và chúc Dân Việt luôn là người đồng hành chung thủy không phải chỉ với nông dân mà với cả Dân Việt.

Hà Nội 7/6/2021

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam