Dân Việt

Đường nhập khẩu dấu hiệu “mượn đường né thuế” tăng 40 lần

Thanh Phong 08/06/2021 17:43 GMT+7
Theo thông tin từ Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), chỉ 4 tháng đầu năm, lượng đường nhập khẩu từ một số quốc gia ASEAN tăng từ 6,581 tấn lên 263,081 tấn so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, đại diện VSSA cho hay, trong tháng 05/2021 đường nhập theo hình thức tránh né thuế chống phá giá và chống trợ cấp đối với đường có xuất xứ Thái Lan bằng cách nhập khẩu từ các nước ASEAN (Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanma) đang hoàn toàn làm chủ thị trường.

Bên cạnh đó, tình hình bùng phát dịch Covid-19 trong tháng 5 khiến sức tiêu thụ giảm gây nhiều khó khăn cho ngành sản xuất đường trong nước.

Số liệu của Tổng cục Hải Quan cho thấy, 4 tháng đầu năm 2021, tình trạng bất thường trong nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN đã liên tục xảy ra.

Đường nhập khẩu dấu hiệu “mượn đường né thuế” tăng 40 lần - Ảnh 1.

Đường nhập khẩu có dấu hiệu "mượn đường né thuế" đang gây nhiều khó khăn cho ngành sản xuất trong nước. (Ảnh: Thanh Phong)

Theo đó, lượng đường nhập khẩu từ các quốc gia Campuchia, Laos, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam đã gia tăng mức độ bùng nổ khi so sánh cùng kỳ với 4 tháng đầu năm 2020

"Mức tăng từ 6,581 tấn lên 263,081 tấn tức gấp 40 lần so với cùng kỳ thực sự là hiện tượng không bình thường, và chắc chắn cả 5 nước ASEAN nêu trên hoàn toàn không có phát triển gì về năng lực cạnh tranh mía đường để có thể xuất khẩu đường vào Việt Nam với mức tăng bùng nổ như trên.

Thực chất đây là dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, khi cả năm nước trên đều có nhập khẩu đường từ Thái Lan. Bản chất lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam từ 5 nước ASEAN nêu trên đều có liên quan xuất xứ từ Thái Lan. Toàn bộ số lượng đường trên đây chỉ chịu thuế 5% so với mức thuế lẽ ra phải đóng là 33,88% và 48,88% tùy theo loại đường", đại diện VSSA nhấn mạnh.

Được biết, trong tháng 5/2021, tình hình gian lận thương mại đường nhập lậu vẫn hoạt động, bất chấp việc gia tăng kiểm soát biên giới để phòng ngừa dịch bệnh Covid 19.

Điển hình, ngày 15/05/2021, Công an TP HCM phối hợp với Cục Quản lý thị trường phát hiện hơn 140 tấn đường không rõ nguồn gốc nằm trong các bãi xe trên địa bàn huyện Hóc Môn và quận Bình Tân.

Toàn bộ lô hàng nói trên đều không có hóa đơn, chứng từ, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Các lái xe khai nhận chở hàng từ Bình Dương, Đồng Nai tập kết về bãi xe TP Hồ Chí Minh sẽ có người đến nhận.

Trước tình trạng trên, đại diện VSSA cho hay, trong tháng 5/2021, loại đường nhập khẩu từ các nước ASEAN (lẩn tránh thuế chống phá giá và chống trợ cấp) và đường "nhập lậu" từ Campuchia và Lào hoàn toàn làm chủ thị trường khiến cho đường sản xuất từ mía trong nước hầu như không thể tiêu thụ được.

Bên cạnh đó, giá đường sản xuất từ mía trong nước tùy phẩm cấp đường (chất lượng và cỡ hạt) vẫn tiếp tục nằm ở mức thấp hơn so với các nước ASEAN và Trung Quốc.