Ngày 7/6 vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 13 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Cầu Giấy) thực hiện khám một xe ô tô đang dừng đỗ tại tòa nhà Tràng An complex, số 1 Phùng Chí Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong xe ô tô có 400 hộp dụng cụ xét nghiệm Covid-19 Q Standard Covid-19 Ag Home Test loại 02 bộ/hộp có nhãn bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp của số hàng hóa trên.
"Đội QLTT số 13 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật", đại diện đội QLTT số 13 thông tin.
Trước đó, vào ngày 03/6, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế thuộc Công ty Cổ phần Tổng hợp Lâm Khang tại số 151 C3 Khu Đô thị Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội do bà Đào Hồng Thắm là Giám đốc.
"Tại đây, Đoàn kiểm tra phát hiện 29 hộp Test thử nhanh Covid-19 nhãn "Testsealabs COVID-19 Antigen Test Cassetle". Mặt sau vỏ hộp còn thể hiện nội dung "HANGZHOU TESTSEA BIOTECHNOLOGY CO.LTD CHINA"
Chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn chứng từ hợp pháp đồng thời khai nhận đã mua trôi nổi trên mạng Internet không hóa đơn chứng từ. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật", đại diện Đội QLTT số 1 cho hay.
Hiện tại, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trên mạng xã hội và các chợ thương mại điện tử bắt đầu xuất hiện một số bài viết để quảng cáo, rao bán bộ thử nhanh Covid-19 của Hàn Quốc, với nhiều mức giá khác nhau, từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng.
Đại diện Bộ Y tế cho hay, việc bán những bộ thử nói trên đều chưa được cơ quan này cấp phép. Theo đó, các sinh phẩm, kit xét nghiệm SARS-CoV-2 muốn nhập khẩu vào Việt Nam phải được Hội đồng thẩm định, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, thuộc Bộ Y tế thẩm định và cấp phép mới được lưu hành. Việt Nam đã quy định, kể cả các xét nghiệm nhanh cũng phải được sử dụng theo quy trình chuyên môn và phải bảo đảm an toàn sinh học.
Nhận định về vấn đề nói trên, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, (Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương) cho biết, hiện chưa có quy định cấm người dân mua, sử dụng kit test nhanh SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, vị đại diện Tổng cục QLTT cũng nhận định, các kit test nhanh bán trên thị trường chủ yếu là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không được cơ quan thẩm quyền cấp phép, đánh giá chất lượng.
"Những sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người cần được các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế kiểm nghiệm và cấp phép. Tổng cục Quản lý thị trường khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, đặc biệt không nên mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên mạng", ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.