Dân Việt

Cà Mau: Vùng đất này kênh rạch chằng chịt, nhìn đâu cũng thấy "con đại bổ", sinh sôi nảy nở rất nhanh

Diễm Phương 09/06/2021 19:03 GMT+7
Do nằm sát biển và có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nên vùng đất ven sông, ven biển của vùng Đất Mũi Cà Mau rất thích hợp cho hàu sinh sôi, trú ngụ.

Ở vùng Đất Mũi Cà Mau, hàu tập trung sinh sống nhiều nhất ở khu vực Hòn Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời; trên các dòng sông ăn thông ra biển như Tam Giang, Cái Lớn, Bồ Đề, Đầm Dơi, Ông Đốc, Gành Hào...

Cà Mau: Vùng đất này kênh rạch chằng chịt, nhìn đâu cũng thấy "con đại bổ", sinh sôi rất nhanh - Ảnh 1.

Nuôi hàu lồng trên sông của ngư dân xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Ngọc Thu.

Đặc điểm của hàu là rất thích bám vào các bờ kè bằng bê tông, theo những miệng cống xổ tôm, những chân cầu, hàng đáy, những tảng đá ngầm xung quanh các đảo.

Cà Mau: Vùng đất này kênh rạch chằng chịt, nhìn đâu cũng thấy "con đại bổ", sinh sôi nảy nở rất nhanh - Ảnh 2.

Ngư dân xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển thu hoạch hàu nuôi lồng trên sông. Ảnh: Nguyễn Trọng Nguyễn.

Trong những năm gần đây, do đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phần lớn diện tích đất sản xuất và các dòng sông, con rạch trong tỉnh Cà Mau đều bị nhiễm mặn nên rất thuận lợi cho hàu sinh sôi, nảy nở. 

Hàu con phần lớn được sinh sản tự nhiên rồi theo các nhánh sông, dòng nước tìm đến những nơi thích hợp nhất để trú ngụ, phát triển. 

Khi lớn, hàu chỉ sống duy nhất ở một nơi cố định. Một khi đã gắn mình vào nơi đâu thì cho đến khi cuối đời hàu không bao giờ đi đâu hoặc di chuyển chỗ nơi sinh sống nữa. 

Theo thời gian, theo những con nước lớn – ròng, hàu cứ lớn dần lên. Cứ thế, con người cứ tìm đến thu hoạch.

Cà Mau: Vùng đất này kênh rạch chằng chịt, nhìn đâu cũng thấy "con đại bổ", sinh sôi nảy nở rất nhanh - Ảnh 3.

Khai thác hàu sinh sống theo cống xổ tôm. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Việc khai thác hàu cũng rất đơn giản. Thông thường, nguời ta chờ cho nước triều xuống (nước ròng) thì hàu đã “lộ thiên” phơi mình trong nắng. 

Cứ thế, người khai thác cứ chọn những con lớn nhất rồi dùng dao, dùng đục để tách hàu ra khỏi nơi sinh sống. Sau đó, tách vỏ lấy ruột, hoặc để nguyên con (nếu chưa dùng đến). 

Tuy nhiên, người khai thác hàu đòi hỏi phải có kỹ thuật, kinh nghiệm, nếu không dễ bị hàu cắt đứt tay, chân. Vì vỏ hàu rất sắc bén. Riêng việc khai thác hàu tại các tảng đá ngầm ven Hòn Đá Bạc thì có phần khó khăn hơn. 

Do mực nước thủy triều trên biển xuống thấp, hàu sinh sống ở mực nước sâu nên đa số người khai thác phải lặn, phải trầm mình dưới nước mới có thể khai thác được. 

Thời gian gần đây, ngư dân xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển phát triển mạnh mô hình sản xuất nuôi hàu lồng để phát triển kinh tế gia đình nên hàu ở Cà Mau luôn đạt sản lượng lớn.

Cà Mau: Vùng đất này kênh rạch chằng chịt, nhìn đâu cũng thấy "con đại bổ", sinh sôi nảy nở rất nhanh - Ảnh 4.

Hàu nướng mở hành – một món ngon bổ dưỡng. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Nhờ được sống trong môi trường tự nhiên giàu phù sa và sinh vật phù du nên hàu Đất Mũi Cà Mau lớn con, thân đầy ruột, thịt thơm ngọt đến lạ thường và không chê vào đâu được. 

Hàu là một là một loại hải sản, là một đặc sản ở vùng Đất Mũi Cà Mau. Thịt hàu là một loại thực phẩm tươi sống, là món ăn bổ dưỡng cho cả người lớn và trẻ em.

Hàu có thể chế biến được nhiều món ăn ngon như nấu cháo, nấu lẩu, xào giấm, tái chanh chấm mù tạc…Nhưng ngon nhất, hấp dẫn nhất là hàu nướng mỡ hành chấm muối tiêu chanh.

Về nơi cuối đất, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món ngon hải sản rất dân dã nhưng mang đậm hương vị của miền quê rừng biển – hàu Đất Mũi Cà Mau.