Ông Hồ Văn Lâu là hội viên Chi hội nông dân ấp Bình (xã Dưỡng Điềm). Ban đầu, vợ chồng ông có 3.000m2 đất canh tác lúa và 1.500m2 đất vườn trồng cây nhãn giống cho thu nhập không cao. Đến năm 1980, nhận thấy tiềm năng từ cây ăn trái, vợ chồng ông mạnh dạn lên liếp trồng cây táo và cây sa pô chê. Từ đó, kinh tế gia đình ngày càng ổn định và tiết kiệm tiền mua thêm được 3.500m2 đất để trồng cây nhãn tiêu da bò.
Đến năm 2005, thu nhập từ sa pô chê, nhãn không còn ổn định do 2 cây trồng này đã già cỗi, năng suất không còn cao như trước. Cùng với đó, tình hình thời tiết ngày càng thất thường, nên ông Lâu quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng sa pô chê, nhãn sang trồng cây ca cao xen vườn dừa.
Với những kết quả đạt được, nhiều năm liền, ông Hồ Văn Lâu và bà Phạm Thị Đẹp đạt danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Lúc đầu thực hiện mô hình này, vợ chồng ông gặp nhiều khó khăn trong chọn giống trồng và chăm sóc cây ca cao. Sau đó, ông Lâu tích cực nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cây trồng này từ những nông dân đi trước, tham quan nhiều mô hình kiểu mẫu và thường xuyên tham gia các chương trình chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KHKT) do Hội Nông dân xã Dưỡng Điềm và Ban Nông nghiệp xã tổ chức. Nhờ cần cù lao động, không ngừng học hỏi cách trồng và chăm sóc ca cao, mô hình trồng ca cao xen vườn dừa của ông Lâu giờ cho hiệu quả khá cao.
Bên cạnh đó, thông qua các buổi tập huấn, chuyển giao KHKT, ông Lâu còn được tiếp cận kỹ thuật lên men hạt ca cao từ dự án của tỉnh. Với sự quyết đoán, ông Lâu sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và các nguồn vốn khác để đầu tư mua giàn phơi và thùng ủ lên men ca cao.
Đến nay, mô hình trồng ca cao xen vườn dừa của gia đình ông Lâu được 15 năm, năng suất ca cao mỗi năm trung bình 25 tấn trái, với giá bình quân 1 tấn khoảng 6,5 triệu đồng, sau khi trừ chi phí vợ chồng ông thu lãi khoảng 130 triệu đồng. Đồng thời, thu nhập từ lên men hạt ca cao với năng suất trung bình 1 tấn hạt/năm, trừ chi phí vợ chồng ông thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng ông còn thu nhập dừa và nuôi cá, mỗi năm thu lãi khoảng 100 triệu đồng.
"So với những loại cây ăn trái, trồng cây ca cao đảm bảo thu nhập ổn định cho nông dân trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, vì cây trồng này dễ chăm sóc, ít bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn và sâu bệnh" - ông Lâu cho biết.
Cũng như ông Hồ Văn Lâu, bà Phạm Thị Đẹp, hội viên Chi Hội Nông dân ấp Tân Phong (xã Tân Hội, thị xã Cai Lậy), là một nông dân cần cù lao động. Cách đây 30 năm, với mơ ước vươn lên làm giàu từ chính vùng đất quê hương, bà Đẹp đã quyết định sử dụng nguồn vốn ít ỏi từ đôi bông tai để gây dựng đàn vịt đẻ khoảng 100 con. Sau nhiều năm nuôi vịt đẻ lấy trứng, bà Đẹp tích lũy được một số tiền mua 7.000m2 đất ruộng tiến hành lên liếp trồng mít kết hợp nuôi cá và mở rộng quy mô đàn vịt đẻ.
Lúc đầu, do nguồn vốn ít nên bà nuôi vịt đẻ chạy đồng để tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trên đồng ruộng giúp giảm chi phí. Sau thời gian nuôi, bà Đẹp nhận thấy nuôi vịt chạy đồng sẽ làm cho môi trường bị ô nhiễm và nguy cơ dịch bệnh lây lan cao cũng như khó kiểm soát tình trạng bệnh trên vịt, ảnh hưởng đến chất lượng thịt và trứng. Cùng với việc tham gia các buổi tập huấn, chuyển giao KHKT do Hội Nông dân xã Tân Hội, bà Đẹp mạnh dạn chuyển sang mô hình nuôi vịt rọ lấy trứng theo hướng an toàn sinh học.
Nhờ tinh thần ham học hỏi và nhạy bén trong sản xuất, mô hình nuôi vịt rọ lấy trứng của bà ngày càng cho hiệu quả. Đến nay, với quy mô trên 1.000 con vịt đẻ, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình bà Đẹp thu lãi khoảng 180 triệu đồng. Ngoài ra, việc trồng mít kết hợp nuôi cá của bà cho thu nhập mỗi năm khoảng 220 triệu đồng.
Qua những kết quả đạt được, trong 3 năm liền, bà Phạm Thị Đẹp đạt danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp xã, thị xã. "Trong thời gian tới, tôi sẽ thử nghiệm mô hình nuôi lươn không bùn để có thêm thu nhập, góp phần phát triển kinh tế gia đình" - bà Đẹp chia sẻ.