Thời kỳ Tam quốc nhân tài vô số, trí, dũng, mưu, quyền, đều nhiều vô số kể. Có câu "Đạo cao một thước, ma cao một trượng".
Trong những người tài năng ấy thì Tào Tháo, Tôn Quyền cùng Lưu Bị là 3 người nổi tiếng nhất. Còn về mưu trí, Quách Gia, Gia Cát Lượng cùng Bàng Thống đều nổi bật hơn người. Nhưng trong số đó, người có thể hội tụ đủ cả quyền, mưu và dũng thì không ai có thể vượt qua được Tào Tháo.
Tào Tháo được văn nhân đương thời ca ngợi là bậc anh hùng thời loạn, năng thần trị quốc. Từ việc Tào Tháo hiệp thiên tử dĩ lệnh chư hầu, diệt Lã Bố, quét sạch Viên Thuật, lật đổ Viên Thiệu rồi đánh bại Trương Tú, có thể nói đã làm chấn động cả thiên hạ.
Mưu sĩ và võ tướng tài giỏi dưới trướng Tào Tháo cũng rất nhiều, nổi bật trong số đó như Ngũ Tử Lương Tướng Trương Liêu, Nhạc Tiến, Vu Cấm, Trương Cáp, Từ Hoảng, ngoài ra còn có một thần đồng võ học, người này là tướng quân hầu cận bên Tào Tháo – Hứa Chử.
Năm ấy, Hứa Chử cùng Trương Siêu – một trong Ngũ Hổ Thượng Tướng của Lưu Bị đại chiến hơn 200 hiệp mà vẫn không phân thắng bại. Có thể thấy được giá trị vũ lực của Hứa Chử cao thâm đến trình độ nào.
Mưu sĩ dưới trướng Tào Tháo cũng rất nhiều, ví dụ như Quách Gia người đã dốc sức giúp Tào Tháo thống nhất phương Bắc từ những năm đầu, là bậc kỳ tài mưu lược không hề thua kém gì Gia Cát Lượng, còn có cả những vị mưu sĩ hết lòng cống hiến như Tuân Úc, Tuân Du, Giả Hủ, Trình Dục,… tổng cộng cũng hơn 100 người.
Có thể nói Tào Tháo có đã được một nửa hiền tài văn võ trong thiên hạ. Vào giai đoạn sau, Tào Tháo còn có Tư Mã Ý là mưu sĩ, chính Tư Mã Ý là người giúp Tào Ngụy tổn hao sức lực của bậc kỳ tài thiên hạ Gia Cát Lượng.
Tào Tháo từng nói, ông có được mọi người tài trong thiên hạ, lại chỉ duy không có được người này. Vậy "người này" là ai lại có thể khiến Tào Tháo mong mỏi như vậy.
"Người này" ở tại Thục Hán, tài năng của ông lại chưa từng lộ ra ngoài, có thể nói là luôn ẩn mình dưới trướng của Lưu Bị. Người đó chính là mưu sĩ Thục Hán – Pháp Chính.
Pháp Chính bắt đầu theo phò tá Lưu Bị từ năm 214 – sau khi Lưu Bị giành được Ích Châu, đến năm 220 thì qua đời. Pháp Chính giỏi bày mưu, phong cách có phần giống với Phượng Sồ Bàng Thống, luôn không đi theo một con đường nhất định, nhưng lại có thể mang lại hiệu quả bất ngờ.
Công nguyên năm 217 đến năm 219, thế lực của tập đoàn Lưu Bị đạt đến đỉnh cao, cho nên quyết định tuyên chiến với tập đoàn Tào Tháo. Đây cũng là nguyện vọng cả đời của Lưu Bị, trong trận này trừ Quan Vũ thì cả 4 vị tướng quân còn lại của Ngũ Hổ Thượng Tướng đều tham gia.
Không chỉ thế, trong trận này, tổng chỉ huy là Lưu Bị, đi theo quân chính là vị mưu sĩ khiến Tào Tháo đau đầu – Pháp Chính. Có thể nói, Pháp Chính chính là khắc tinh của Tào Tháo giai đoạn sau.
Trước đó, Tào Tháo cũng không biết nhiều về Pháp Chính, nhưng người này lại bất ngờ xuất hiện, đổi thành ai cũng khó mà nuốt trôi được! Người này giống như Tư Mã Ý sau này, một khi đã bùng nổ, thì ai cũng không thể ngăn cản được.
Khi Lưu Bị và Tào Tháo đang trong cục diện tranh chấp không phân thắng bại, nghe theo lời khuyên của Pháp Chính, Lưu Bị bất ngờ dẫn quân xuôi Nam theo sông Miện Thủy đến đối đầu với Hạ Hầu Uyên.
Hạ Hầu Uyên lòng đầy tự tin mang theo một nửa số tinh binh đi cứu viện Trương Cáp. Bấy giờ, Pháp Chính hiến cho Lưu Bị một kế, đó là châm lửa đốt hàng rào phòng ngự phía trước của quân Tào, đợi đến thời cơ ra tay giết Hạ Hầu Uyên khiến hắn trở tay không kịp.
Lửa nhanh chóng bốc lên, Hạ Hầu Uyên đích thân mang theo 500 binh sĩ đi trước dập lửa. Bấy giờ Pháp Chính thấy thời cơ đã đến, để Lưu Bị hạ lệnh cho quân tập kích Hạ Hầu Uyên đang rơi vào thế bị động. Lão tướng Hoàng Trung xin dẫn quân, đại đao trong tay chém rơi đầu Hạ Hầu Uyên ngay trước doanh trại Tào quân.
Tướng quân Triệu Vân cướp được lương thảo của quân Tào, đã khiến thế cục cả trận chiến thay đổi hoàn toàn. Tào Tháo đại bại.
Mùa thu tháng 7, Lưu Bị tiến vào Hán Trung xưng là Hán Trung Vương, Pháp Chính được phong làm Thượng thư lệnh. Đến năm sau thì Pháp Chính đột ngột qua đời, tài năng trị quốc của Pháp Chính tuy có chút thua kém, nhưng có Gia Cát Lượng thì phương diện trị quốc hoàn toàn không có trở ngại gì.
Nếu Pháp Chính không chết, lấy tài năng mưu lược của ông, cùng với sự giúp đỡ của Gia Cát Lượng, thì có lẽ lần Bắc phạt thứ nhất đã có thể đánh bại Tào Tháo. Nếu như Pháp Chính không chết, thì đã có người khuyên can Lưu Bị không tấn công Tôn Quyền, cho dù không khuyên can được, thì có Pháp Chính ở đó cũng sẽ không đến mức đại bại quay về, cùng lắm thì chỉ không giành được thắng lợi, lui quân mà thôi.