Dân Việt

Hương đêm Hà Nội

Hà Thanh Vân 11/06/2021 06:56 GMT+7
Một Hà Nội về đêm thong thả sống, thong thả mưu sinh. Một Hà Nội khiến tôi yêu hơn.

Tản văn của nhóm tác giả Hà Nội Tri Thức nói về những nét văn hóa rất riêng chỉ có ở thủ đô, của người Hà Nội. Cuốn sách cũng kể lại khung cảnh đời sống sinh hoạt xưa của con người nơi đây.

...

Khi ra Hà Nội, bao giờ tôi cũng dạo phố cổ về đêm và sáng sớm. Không khí khi ấy rất bình yên trước khi bừng lên những sắc thái sôi động vào ban ngày, một bầu không khí rất Hà Nội, và cũng chỉ Hà Nội mới có.

Nhất là đi vào những ngày cận Tết, không khí như thoảng hương mùa xuân, người qua lại vội vã, hàng quán rực sắc đỏ.

Khi biết tôi chuẩn bị ra Hà Nội, một anh bạn người gốc phố cổ đã bảo: "Khi nàng ra Hà Nội, anh sẽ dành cho nàng một sự trải nghiệm thú vị".

Cuối tháng 12, tôi ra đến Hà Nội, anh bạn ấy nhắn bảo: “Nhớ để chuông điện thoại báo thức lúc 4h sáng, anh sẽ đến đưa nàng đi ăn phở gánh Hàng Chiếu”.

Tôi đã biết về gánh phở đặc biệt bán từ 3h ở phố cổ Hà Nội, thường 7h là hết sạch, nhưng chưa đi ăn lần nào. Tôi rất háo hức, trên mạng có nhiều bài viết về gánh phở này.

Nào gánh phở dọn hàng bán từ lúc 3h30, nào là đã tồn tại được khoảng 30 năm. Ngon nhất là phở sốt vang, ngon đến nỗi món này hết từ 5h. Giá phở không đắt, chỉ 40.000 đến 50.000 một bát, tùy món gọi.

Buổi sáng đó, vì vô cùng háo hức, tôi thức dậy rất sớm. Khẽ mở cánh cửa sổ khách sạn, gió lạnh kèm hơi mưa ẩm ướt tràn vào. Hóa ra trời đã mưa suốt đêm qua.

Anh bạn đến đúng hẹn, trùm kín mình trong chiếc áo khoác, hỏi: “Nàng có lạnh không?”. Ngoài đường không khí lạnh thật, nhưng tôi kiên quyết mong manh trong chiếc áo khoác mỏng, để đầu trần chỉ vì muốn mái đầu mình ướt thấm mưa phùn, thưởng thức cái lạnh của đất trời Hà Nội những ngày cuối đông đầu xuân.

Qua mấy con đường vắng không một bóng người là đến ngã tư Hàng Đường - Hàng Chiếu. Quán phở hiện ra trước mắt, với đôi quang gánh giản dị, một bên đặt nồi nước dùng, bên kia đựng bát, đũa, thìa.

Hương đêm Hà Nội - Ảnh 1.

Gánh phở bò sốt vang 30 năm chỉ bán từ 3h sáng.

Một nồi sốt vang không lớn lắm xếp bên cạnh, với những miếng thịt bò nâu đậm nửa nổi nửa chìm trong làn nước vàng óng ánh mỡ béo ngậy. Trước mặt bà chủ gánh hàng là một cái mâm có thịt bò tươi ánh sắc đỏ đậm, thịt bò chín trắng ngà thái lát mỏng.

Gánh phở bày đủ gia vị, có cả tương ớt, ớt tươi, chanh, hạt tiêu, dấm… Thùng bánh phở trắng ngần ở ngay cạnh bên. Trong khung cảnh bày biện đơn giản đó, bà chủ gánh phở là nhân vật trung tâm ngồi ở giữa.

Nhưng khác với sự hình dung của tôi về một bà chủ gánh phở nhanh nhẹn, tay thoăn thoắt thái thịt, bốc bánh, chan nước dùng, thì bà chủ gánh hàng ở đây lại làm những động tác chậm rãi như múa, rất thong thả, từ từ khi chúng tôi gọi hai bát sốt vang.

Có lẽ câu “Hà Nội không vội được đâu” rất đúng trong hoàn cảnh này, trong lúc mà nhiều thực khách ở ngồi ở các bàn khác luôn miệng giục: “Nhanh lên cô ơi”.

Nhẩn nha chờ, tôi đưa mắt nhìn xung quanh. Có chừng chưa đến mười cái bàn nhựa thấp, ghế thấp làm nơi ngồi cho khách. Đến quán, không thiếu gì người ăn mặc lịch sự, đắt tiền, hàng hiệu, đi xe ô tô nhưng cũng có những người rõ là dân lao động, chạy chợ, khuân vác.

Chúng sinh có thể rất bất bình đẳng ở nhiều nơi, nhưng ở một nơi có miếng ngon, thì mọi người đều bình đẳng. Anh bạn bảo: “Lần trước anh ăn, còn có một đám chạy chợ suýt đánh nhau!”

Bát phở sốt vang được mang ra. Không nhiều thịt như phở Bát Đàn, song nhìn cũng khá đầy. Thịt sốt vang khác thịt ở nhiều nơi khác là chỉ nấu bằng thịt nạc, vì vậy ít béo hơn. Miếng thịt hầm nhừ, ngon ngọt, bỏ vào miệng nhai đậm đà vị bò, rất nhừ nhưng những thớ thịt còn nguyên vẹn.. Nước phở rất thơm và trong, nóng hổi.

Những con đường trước mặt không một bóng người qua lại, ánh đèn vàng hiu hắt tỏa bóng xuống mặt đường loang loáng nước mưa. Mưa rơi rả rích.

Tôi co ro trong tấm áo khoác thong thả ngắm những hạt mưa rơi. Không gian tĩnh lặng, thời gian dường như trôi chậm lại, và trong không khí tinh khiết của buổi mai ấy, vị phở thơm nồng…

Nhúm rau gia vị xanh mươn mướt, miếng chanh mọng nước, lát ớt đỏ tươi, bánh phở mỏng trắng ngần xen lẫn với những miếng thịt bò nâu đậm.

Không chỉ vị giác, khứu giác được lấp đầy, cả thị giác cũng mãn nhãn. Tôi nói với anh bạn: “Giờ em đã hiểu đêm Hà Nội có mùi vị gì.” Anh bạn cười bảo: “Nàng hơi bị giàu trí tưởng tượng đấy”.

Những khoảnh khắc sớm tinh sương trước khi bắt đầu ngày mới, là lúc lòng người trong trẻo nhất, vô lo nhất. Khi ấy ngồi nhẩn nha ăn bát phở đầu ngày, có lẽ là một thú vui tao nhã của người Hà Nội.

Tôi nói với anh bạn người phố cổ: “Theo gu ẩm thực không được tinh tế lắm của em thì phở ở đây ngon anh ạ. Từ 12h trưa hôm qua đến giờ, trong vòng chưa đầy 18 tiếng, em đã ăn phở Hàng Đồng, phở Bát Đàn, và bây giờ là phở Hàng Chiếu, vậy mà vẫn chưa ngán phở”.

Anh bạn trả lời: “Thật ra chỗ này chưa hẳn là ngon, song “ngon” là vì chỗ ngồi. Nhiều hàng phở gần đây ngon hơn, song mỗi hàng phở lại có vị riêng. Xung quanh chỗ khách sạn nàng ở có phở Hàng Đồng thì đậm đà, hơi mặn.

Phở Bát Đàn thì bánh nhiều, thịt nhiều hơi béo. Phở Vui cũng bánh nhiều, béo. Phở Sướng vị thanh hơn. Gần chỗ này còn có phở Tư Lùn ăn cũng ổn. Mà nàng đã ăn gần hết các hàng phở có tiếng ở Hà Nội rồi còn gì”.

Có lẽ vậy, phở gánh ở đây không ngon hơn các hàng phở gia truyền có tiếng khác. Song chỉ khi đến gánh phở này, tôi mới có dịp tận hưởng bầu không khí trong lành, tươi mát của một Hà Nội về đêm, nhất là trong một đêm mưa lạnh như đêm nay.

Một Hà Nội về đêm thong thả sống, thong thả mưu sinh. Một Hà Nội khiến tôi yêu hơn. Một Hà Nội khiến tôi nghĩ chỉ dành cho riêng mình.