Dân Việt

Thi vào lớp 10 Hà Nội: 5 điều thí sinh đặc biệt lưu ý để chuẩn bị tốt cho buổi thi đầu tiên ngày 12/6

Tào Nga 11/06/2021 18:40 GMT+7
Kỳ thi vào lớp 10 THPT Hà Nội năm nay có nhiều điểm khác nên phụ huynh và học sinh hãy lưu ý để tránh sai sót.

Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và tham gia công tác coi chấm thi vào lớp 10, cô Đặng Thị Huế, giáo viên Toán, Trường THCS Hà Nội - Thăng Long gửi lời nhắn nhủ đến thí sinh 2k6 những điều cần chuẩn bị để bước vào ngày thi với tâm thế tốt nhất.

5 điều thí sinh thi vào lớp 10 đặc biệt lưu ý cho buổi thi đầu tiên vào sáng mai (12/6) - Ảnh 1.

Cô Đặng Thị Huế. Ảnh: NVCC

Ghi nhớ lịch thi

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở GD-ĐT Hà Nội quyết định lùi lịch thi, dồn 2 môn thi vào 1 buổi, rút ngắn thời gian làm bài. Vì vậy, thí sinh hãy ghi nhớ kỹ thời gian làm bài như sau:

Sáng 12/6: Thi Ngữ văn 90 phút (từ 8h30 đến 10h) và Ngoại ngữ 45 phút (từ 10h30 đến 11h15).

Sáng 13/6: Thi Toán 90 phút (từ 8h30 đến 10h) và Lịch sử 45 phút (từ 10h30 đến 11h15).

Chuẩn bị đồ dùng

Thí sinh chuẩn bị đầy đủ giấy tờ thi (phiếu/ thẻ dự thi, thẻ học sinh/CCCD) và dụng cụ học tập phục vụ cho việc làm bài thi (2 - 3 chiếc bút bi, bút chì HD hoặc 2D, tẩy, một bộ thước - compa các loại, máy tính, đồng hồ đeo tay). Thí sinh chỉ mang máy tính trong danh sách máy tính được mang vào phòng thi và chỉ dùng một màu mực khi làm bài thi.

Các vật dụng không được phép mang vào phòng thi: Giấy than, bút xoá, đồ uống có cồn, vũ khí và chất gây cháy nổ, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi. Đặc biệt, thí sinh không được mang điện thoại di động vào phòng thi dù đã tắt.

Lưu ý: Nếu các em có bị quên giấy tờ thì không nên quá lo lắng mà hãy báo ngay cho giám thị phòng thi, hội đồng thi sẽ thực hiện các thủ tục để các em được vào phòng thi thay vì quay về nhà.

Xem sơ đồ phòng thi

Năm nay học sinh nghe phổ biến quy chế thi và làm thủ tục dự thi online nên không được đến trường thi trước. Vì vậy ngay ngày đầu đến trường thi, thí sinh sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ.

Để không mất thời gian và chuẩn bị tốt tâm lý, trước hôm thi 1 ngày, thí sinh hãy xem sơ đồ phòng thi được dán ở cổng hoặc trên website, page của trường.

Chuẩn bị tâm lý và sức khỏe

Để làm được bài thi tốt, trước hết học sinh phải chuẩn bị cho mình tâm lý, kiến thức vững vàng và sức khỏe tốt.

Học sinh phải có mặt sớm ở hội đồng thi, vì sau khi phát đề thí sinh sẽ không được vào thi nữa. Do vậy, tối nay, các em nên dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ sớm để hôm sau có tinh thần thoải mái, làm bài thi tốt.

5 điều thí sinh thi vào lớp 10 đặc biệt lưu ý cho buổi thi đầu tiên vào sáng mai (12/6) - Ảnh 2.

Công tác chuẩn bị tại các điểm thi đã sẵn sàng. Ảnh: Phạm Hưng

Sáng mai, các em chọn những đồ ăn an toàn với bản thân, nên ăn tại nhà, không ăn đồ ăn lạ, tránh những đồ dễ gây dị ứng. Các em không nên ăn quá no, vì cơ thể sẽ mất rất nhiều năng lượng để tiêu hóa, có thể làm giảm khả năng tập trung. Các em ăn vừa phải, thi xong sẽ ăn tiếp.

Thí sinh nào gặp vấn đề về sức khỏe trước ngày thi hãy báo lại cho giáo viên, nhà trường để được hỗ trợ. Ví dụ: Bạn nào tay bị đau không viết được, hội đồng thi sẽ bố trí giám thị để viết thay cho thí sinh.

Khi bước vào phòng thi, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là tâm lý. Yếu tố này sẽ quyết định tới 50% thành công của bài thi, do vậy trước khi bước vào phòng thi các em hãy nói với bản thân rằng "mình sẽ làm được, cố lên" để trấn an những lo lắng của bản thân.

Hẹn giờ thức dậy

Thí sinh lưu ý, mỗi buổi thi, thí sinh phải có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định. Nếu đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó. Trong khi đó, năm nay phụ huynh đưa đón phải đứng cách cổng trường 50m, học sinh phải đi theo hàng đảm bảo khoảng cách nên cũng sẽ tiêu tốn thêm thời gian.

Do đó, tối nay trước khi đi ngủ các em hãy huy động cả điện thoại hoặc đồng hồ để báo thức dậy sớm chuẩn bị nhé.

NHỮNG LƯU Ý KHI LÀM BÀI THI MÔN NGỮ VĂN:

1. Đọc kĩ đề trước khi làm bài: Các em nên dành 5 phút đọc kĩ, hiểu rõ từ ngữ, xác định chính xác vấn đế trong từng câu hỏi rồi mới bắt đầu làm bài.

2. Phân bổ thời gian hợp lý giữa các phần của bài thi:

Chọn câu dễ làm trước, câu trả lời nhanh gọn dễ ăn điểm làm trong khoảng 5-10 phút đầu, nếu chưa trả lời được để lại cuối giờ. Bài/ đoạn nghị luận xã hội (20-25 phút), nghị luận văn học (35 - 45 phút).

img

Cô Phạm Thái Lê, giáo viên Văn Trường Marie Curie Hà Nội. Ảnh: NVCC

3. Kĩ năng làm bài:

Ở phần đọc hiểu văn bản: Cần đọc kỹ các yêu cầu của câu hỏi, trả lời ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, đúng trọng tâm câu hỏi nhưng cần nhớ tránh diễn đạt cộc lốc.

Ở phần nghị luận xã hội: Đảm bảo dung lượng, đi đúng, đủ các bước của bài nghị luận xã hội (dù đề yêu cầu bài hay đoạn văn)

Ở bài nghị luận văn học: Bám sát đề, xác định rõ nội dung nghị luận, bám sát từ khóa trong quá trình làm bài, triển khai đúng dạng đoạn văn và các yêu cầu tiếng Việt và nên chú thích ngay sau khi làm.

4. Kĩ năng trình bày bài: Trình bày sạch sẽ, chữ viết rõ ràng, đúng chính tả, ngữ pháp

NÊN:

- Hết mỗi câu xuống cách dòng, ghi rõ câu, phần.

- Chỉ chuẩn bị những bút cùng 1 màu mực.

- Hạn chế gạch bỏ, nếu bỏ chỉ nên gạch bằng 1 nét.

KHÔNG NÊN:

- Dùng 2 màu mực, dùng bút chì, bút xóa,

- Bỏ trống cả trang này mà làm ở trang sau.

- Bỏ dở bài không xong, đặc biệt là 2 đoạn văn.

Cô Phạm Thái Lê, giáo viên Văn, Trường Marie Curie Hà Nội