Tản văn của nhóm tác giả Hà Nội Tri Thức nói về những nét văn hóa rất riêng chỉ có ở thủ đô, của người Hà Nội. Cuốn sách cũng kể lại khung cảnh đời sống sinh hoạt xưa của con người nơi đây.
...
Trước năm 1975, gia đình tôi sống ở Hà Nội, ngoài những lúc đi sơ tán về nhiều vùng nông thôn khác nhau. Đồng nghiệp của ba má, bạn bè của tôi hầu hết là người Hà Nội. Có thể họ ở 36 phố phường cổ xưa “mái ngói xô nghiêng” hay khu phố Tây thoảng “mùi hoàng lan, mùi hoa sữa”, ở khu công nhân Thanh Nhàn - Lò Đúc hay xóm lao động “quân khu chợ Mơ”...
Ngoài khác biệt (không dễ nhận ra ngay) của sự nền nã chỉn chu trong trang phục sang trọng kín đáo, hay giản dị gọn gàng sạch sẽ của bộ quần áo người lao động thì ở họ - những người Hà Nội thời ấy - thường giống nhau ở giọng nói nhẹ nhàng, tốc độ và âm lượng vừa đủ nghe, chào hỏi lịch sự và thân thiện, tiếng vâng ạ của các cô gái Hà Nội dịu dàng như một ngọn lá non...
Nhà cửa dù rộng rãi biệt thự hay chật hẹp nhà tập thể, nhà phố chia năm xẻ bảy cũng luôn ngăn nắp, mâm cỗ cầu kỳ bốn bát sáu đĩa ngày giỗ chạp hay bữa cơm đơn giản hàng ngày luôn cho thấy sự khéo léo, tinh tế của phụ nữ Hà Nội.
Tôi sống ở Hà Nội thời bao cấp trong chiến tranh, dù thiếu thốn khó khăn nhưng chưa khắc nghiệt bằng giai đoạn “bao cấp trong hòa bình” từ năm 1976 đến 1986. Hai giai đoạn này khác nhau về bối cảnh xã hội, quy mô, mức độ và cả “đối tượng” chịu đựng sự bao cấp.
Trước năm 1975 ở miền Bắc, mọi thứ đều sản xuất theo kế hoạch hóa và phân phối qua hệ thống thương nghiệp quốc doanh, ở Hà Nội là những “bách hóa tổng hợp” và cửa hàng trung và cao cấp như Vân Hồ, Nhà Thờ, Tôn Đản...
Hàng hóa quy theo tiêu chuẩn “mức lương” tưởng như công bằng nhưng luôn phải “phân phối lại” qua các chợ và đội ngũ “con phe”.
Tính chất bao cấp tác động và thể hiện rõ nhất trong đời sống đô thị Hà Nội, nơi tập trung cán bộ công chức ăn lương, tất cả phụ thuộc tem phiếu, đến số phận con người cũng phụ thuộc sổ hộ khẩu!
Ở nông thôn thì đỡ hơn vì dù sao cũng có mảnh vườn, chuồng gà, con lợn, thức ăn tự cung tự cấp trong phạm vi gia đình hay làng xóm.
Tuy nhiên, xã hội lúc ấy mức độ phân hóa giàu nghèo không quá lớn - nhất là sự thể hiện bên ngoài - “ai cũng như ai” vì của cải sức lực từ nông thôn đến thành phố đều tập trung cho chiến tranh.
Hà Nội với tôi là những ký ức ấm áp tình người. Phần lớn khu phố hay nhà tập thể đều chung bếp, chung nhà tắm đến nhà vệ sinh cũng chung thì tránh sao khỏi dòm ngó thóc mách.
Nhưng trên hết vẫn là sự nhường nhịn, giúp đỡ nhau, coi như “người nhà” khi hữu sự, vì nhìn quanh mình chẳng bằng ai nhưng vẫn hơn nhiều người.
Về TP.HCM đã 45 năm mà má tôi còn giữ mãi chục bát sứ Hải Dương men trắng ngà có đường hoa văn ô trám ở vành miệng hơi méo. Đó là tiêu chuẩn lao động tiên tiến năm nào đó của bà.
Bà giữ lại không chỉ vì còn dùng được mà vì nhớ chuyện khi đó bà được thưởng có năm cái bát, một người bạn đã nhường thêm phần của cô để bà có đủ chục bát “phòng khi nhà có khách”.
Còn tôi, cứ mỗi mùa trung thu lại nhớ cảm giác thòm thèm vị ngon của chiếc bánh dẻo nhân hạt sen bột khô cứng hay chiếc bánh nướng nhân thập cẩm thoáng mùi vị lạp xưởng...
Mỗi nhà được mua một, hai cái theo phiếu nhưng má tôi thường để dành gửi về quê biếu các gia đình mà chúng tôi ở nhờ hồi sơ tán, vì “mình ở Hà Nội thỉnh thoảng còn mua được chứ ở nông thôn không có đâu con ạ”.
Ngày nay, muốn biết về cuộc sống Hà Nội thời bao cấp có thể đọc những câu thành ngữ, ca dao mới và có nhiều “dị bản”. Dòng văn học dân gian phản ánh hiện thực xã hội qua cái nhìn tinh tế, hài hước mà không kém phần sâu sắc, thậm chí còn châm biếm và đả phá mạnh mẽ.
Đấy là những trang “lịch sử bình dân”của đời sống xã hội bên cạnh các bộ “chính sử” của cuộc chiến tranh và sự kiện chính trị. Gần đây, khá nhiều cuốn sách “hồi cố” về thời kỳ bao cấp ở Hà Nội được xuất bản và rất nhiều người tìm đọc.
Đọc để hồi tưởng một phần đời chịu khó chịu cực, “khổ lắm nhưng thương lắm” chẳng dễ mà quên! Nhưng điều chắc chắn là không ai muốn cuộc sống bao cấp lặp lại để con cháu phải chịu đựng nghèo khó như chúng ta thời ấy.
[...]
---------------------
* Tiêu đề bài trong sách: Ký ức Hà Nội trong ngày hôm nay