Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 Hà Nội năm 2021 đưa ra 2 phần.
Ở Phần I là nội dung “Đồng chí là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Chính Hữu và thơ ca kháng chiến chống Pháp” và yêu cầu học sinh ghi lại năm sáng tác, in trong tập thơ nào; viết đoạn văn khoảng 12 theo phép lập luận tổng hợp - phân tích - tổng hợp làm rõ cơ sở hình thành tình đồng chí của người lính cách mạng và phân tích vẻ đẹp của những anh bộ đội cụ Hồ.
Phần II đề bài cho đoạn trích và câu hỏi “Vì sao Xten-mét-xơ cho rằng “vạch một đường thẳng" có giá 1 đô la nhưng “tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy” lại có giá 9.999 đô la? Đặc biệt, ở câu cuối cùng được cho là khá thú vị với câu Trình bày suy nghĩ của em về ý kiến: “Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người”.
Nhận định về đề thi Ngữ văn vào lớp 10 Hà Nội năm 2021, cô Nguyễn Tịnh Thủy - giáo viên dạy Văn trường THCS THPT Trần Quốc Tuấn (Hà Nội) cho biết: "Đề thi có sự thay đổi thang điểm và số lượng câu hỏi phù hợp với thời gian 90 phút. Đề thi gồm kiến thức cơ bản nhưng vẫn phát huy được suy nghĩ cảm nhận và năng lực của học sinh. Các câu hỏi rõ ràng, cấu trúc đề không thay đổi với mọi năm. Các câu hỏi có sự phân loại tốt. Câu 1 là kiến thức cơ bản, câu 2 là kiến thức cao hơn nhưng không khó, có trong Tài liệu tham khảo ôn luyện thi vào lớp 10 của sở GD-ĐT TP.Hà Nội. Với đề thi này học sinh trung bình có thể làm được 6-7 điểm. Nhìn chung đề vừa sức với học sinh".
Thầy Nguyễn Phi Hùng – Giáo viên môn Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định đề thi năm nay rút ngắn thời gian làm bài, tương ứng với đó thì dung lượng đề thi có sự giảm đi. Cụ thể số lượng câu hỏi trong đề thi sẽ giảm xuống còn 5 ý nhỏ thay vì 7 ý như đề thi năm trước. Đề thi có cấu trúc vẫn giữ ổn định như mọi năm, học sinh sẽ cảm thấy quen thuộc.
Điểm mới ở câu nghị luận xã hội, yêu cầu bàn về mối quan hệ giữa tri thức và giá trị con người nhưng câu lệnh được đưa ra dạng câu nghi vấn: "Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?". Cách đặt vấn đề như vậy nó sẽ giàu tính gợi mở để cho học sinh có thể nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, được tự do thể hiện quan điểm cá nhân.
Cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Ngữ văn Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (Hà Nội) đánh giá cấu trúc đề thi vẫn giống mọi năm chỉ là số câu được rút gọn và yêu cầu đề cũng nhẹ nhàng hơn, không mang tính đánh đố, đảm bảo kiến thức cơ bản nhưng vẫn có sự phân loại ở phần 2 với câu 1, giúp học sinh có thể thoải mái thể hiện suy nghĩ của mình để từ đó khẳng định giá trị của tri thức trong cuộc sống.
Ở câu 2, cấu trúc có thể là đoạn văn hoặc bài văn với 2/3 trang giấy. Chắc chắn phần lớn học sinh sẽ viết đoạn văn. Đây cũng là một câu có sức phân loại bởi nó mang tính phản đề được thể hiện dạng câu hỏi "Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?". Với đề thi này, phổ điểm học sinh có thể đạt 6,5 – 7 điểm.
Cô Nguyễn Thu Trang, giáo viên Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ: Điểm thay đổi lớn nhất trong năm nay không chỉ ở thời gian làm bài 90 phút mà cả biểu điểm đoạn Văn tăng lên. Các em học sinh cần viết chắc, triển khai luận điểm rõ ràng, phân tích dẫn chứng đầy đủ trong đoạn văn nghị luận xã hội đồng thời khi viết đoạn văn nghị luận về thơ cần thể hiện rõ năng lực cảm thụ, phân tích các biện pháp nghệ thuật để từ đó khái quát giá trị nội dung. Vì thế các em cần đọc kỹ đề bài, tập trung vào vấn đề và phân bố thời gian làm bài hợp lý, hiệu quả, tránh viết thừa, dài dòng.
Ngay sau khi thực hiện xong bài thi môn Ngữ văn lúc 10h, học sinh tiếp tục ở lại phòng thi làm bài môn Ngoại ngữ lúc 10h30 trong thời gian 45 phút.
Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay có một số điều chỉnh so với những năm trước. Đây là nỗ lực của Sở GD-ĐT Hà Nội trong việc tổ chức kỳ thi vào lớp 10 đảm bảo chất lượng và an toàn sức khỏe cho các thí sinh trong tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp.
Theo chia sẻ của Sở GD-ĐT Hà Nội, thời gian thi vào lớp 10 công lập sẽ diễn ra vào ngày 12 và 13/6, thay vì ngày 10 và 11/6 như kế hoạch.
Số lượng môn thi vẫn giữ nguyên 4 môn là Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ và Lịch sử, tuy nhiên thời gian làm bài của các môn được điều chỉnh giảm. Trong đó, Ngữ Văn và Toán sẽ thi 90 phút (kế hoạch trước đó là 120 phút) và Ngoại ngữ, Lịch sử thi 45 phút (kế hoạch trước đó là 60 phút). Ngoài ra, các môn sẽ được thi vào 2 buổi sáng.