Tết Đoan Ngọ còn được dân gian gọi với cái tên dân dã là Tết giết sâu bọ. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống có nội hàm văn hóa phong phú của cha ông xưa, đối với người dân Quảng Nam - Đà Nẵng đây cũng là dịp để gia đình sum họp. Trong mâm cơm cúng Tết Đoan Ngọ của người dân miền Trung nói chung thường có đầy đủ hoa, quả, xôi chè, rượu, trầu cau và bánh ú tro.
Theo ghi nhận, từ sáng mùng 4/5 âm lịch, người dân đã bắt đầu đổ xô về các chợ để mua sắm lễ chuẩn bị cúng mùng 5. Từ đầu cổng chợ đã thấy chi chít những mâm bánh ú tro, đa dạng các loại trái cây, hoa quả với sắc màu sặc sỡ.
Chị Nguyễn Thị Kim Lành, tiểu thương tại chợ Túy Loan (huyện Hòa Vang) chia sẻ: "Vào dịp Tết Đoan Ngọ, bánh u tro là mặt hàng bán chạy nhất, mọi người thường mua vài chục (mỗi chục 10 bánh) về cúng ông bà. Giá bánh ú tro năm nay không tăng so với năm ngoái, trung bình 25.000 đồng/chục nhưng sức mua chậm, phải chăm mời khách thì mới bán được".
Bên cạnh bánh ú tro, thì hoa tươi và trái cây là vật cúng không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ. Vì đang là mùa hè, nên có đa dạng các loại trái cây nhiều vùng miền với giá cả phải chăng, trung bình giá bán dịp này tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg so với ngày thường.
Bán chạy nhất là vải thiều với màu sắc sặc sỡ, tươi ngon, giá rẻ dao động từ 22.000-25.000 đồng/kg. Chôm chôm 20.000 đồng/kg, thanh long 20.000-25.000 đồng/kg, xoài 20.000 đồng/kg, cam sành 25.000 đồng/kg, mít thái 15.000-20.000 đồng/kg....
Mặt hàng hoa cúc trong dịp Tết Đoan Ngọ năm nay được nhiều người ưa chuộng vì giá tương đối ổn định, hầu như không tăng. Tùy mỗi chợ mà giá hoa cúc đất dao động từ 7.000-10.000 đồng/cây, hoa cúc lưới vàng 40.000-45.000 đồng/bó (10 bông), một loại cúc vàng khác cũng chỉ 25.000 đồng/bó (khoảng 5 nhánh).
Theo quan sát tại chợ Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ), lượng khách đến chợ không đông đúc như dịp Tết Đoan Ngọ mọi năm. Dẫn đến sức mua sắm nhìn chung kém nhộn nhịp, hàng hóa bán chậm.
Trong mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ của người dân Đà Nẵng thường có trầu cau. Giá của mặt hàng này dao động từ 10.000-12.000 đồng/đĩa (tùy loại). Bên cạnh đó, xôi chè nấu sẵn bán tại chợ cũng được nhiều người mua để soạn mâm cúng ông bà, với giá bán trung bình từ 5.000-10.000 đồng/đĩa xôi hoặc chè.
Đặc biệt, người dân Quảng Nam – Đà Nẵng có tập tục uống nước lá mùng 5 vào dịp Tết Đoan Ngọ để làm mát cơ thể, nâng cao sức khỏe. Vì thế vào dịp này lá mùng 5 nhiều loại được phơi khô, bày bán với giá từ 10.000 – 30.000 đồng/bó (tùy loại). Hầu hết là những cây thuốc nam có tác dụng chữa bệnh như cây mã đề, cỏ ống, bầu đường, dủ dẻ, bạc đầu, khổ qua rừng, đinh lăng, chè vằng, hà thủ ô….
Một người dân từ huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) ra chợ Cẩm Lệ bán lá mùng 5 tâm sự: "Dịp Tết Đoan Ngọ năm nào tôi cũng bày sạp bán lá thuốc nam ở đây, khách hàng muốn mua bao nhiêu, loại nào tôi cũng bán. Chủ yếu họ mua lá về nấu nước uống cho mát, thanh nhiệt cơ thể. So với mọi năm thì năm nay lượng người mua giảm và chỉ mua một lượng ít để dùng chứ không mua nhiều để dành như mọi năm".
Ngoài các mặt hàng thiết yếu trên, thì gà, vịt cũng được nhiều người chọn mua. Riêng vịt sống có giá khoảng 150.000 đồng/con, vịt đã làm sạch có giá khoảng 170.000 đồng/con. Nhìn chung sức mua không tăng so với ngày thường.
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nên người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, chỉ mua sắm vật phẩm thiết yếu cho mâm cúng lễ mùng 5. Vì thế, dẫu lượng người ra vào các chợ dịp này khá đông nhưng sức mua vẫn chậm và giảm so với mọi năm.