Dân Việt

Nghệ sĩ “kêu trời” vì bị doạ giết, tạt a-xít... khi đóng vai phản diện quá đạt

Hà Tùng Long 15/06/2021 13:30 GMT+7
Nhiều diễn viên “kêu trời” khi bị nhiều khán giả nhắn tin, gọi điện hăm doạ đòi giết, đòi tạt a-xít và gặp đâu đánh đó vì đóng vai phản diện.

Bị doạ gặp đâu đánh đó, tìm đến nhà tạt a-xít

Cứ ngỡ chuyện diễn viên bị "ném đá" khi đóng vai phản diện quá đạt bây giờ chỉ còn trong "chuyện cổ tích" bởi khán giả đã biết phân biệt giữa phim và đời thực. Nhưng câu chuyện đó thỉnh thoảng vẫn được lặp lại khiến cho nhà làm phim lẫn diễn viên không biết nên buồn hay vui.

Mới đây, diễn viên Mạnh Hưng "kêu trời, than đất" rằng, bị nhiều khán giả nhắn tin phẫn nộ với vai Hoàn trong phim "Mùa hoa tìm lại" tới mức muốn "nện" và cho "ăn đấm". Theo đó, trong phim này, Mạnh Hưng vào vai một người đàn ông bất tài, luồn cúi, đểu giả... lại còn vũ phu và trăng hoa.

Nghệ sĩ “kêu trời” vì bị doạ giết, doạ tạt a-xít... khi đóng vai phản diện quá đạt  - Ảnh 1.

Diễn viên Mạnh Hưng trong phim "Mùa hoa tìm lại" đang phát sóng trên VTV3. Ảnh chụp màn hình.

Vì hoá thân vào nhân vật quá thật nên nhiều khán giả đã ghét nhân vật, ghét luôn cả diễn viên. Nam diễn viên cho biết, có người nhắn tin nhắc anh, sau vai diễn này, mỗi khi ra đường nhớ "đội mũ bảo hiểm và đeo mặt nạ sắt" để giữ an toàn. Trước đó, khi đóng vai trợ lý đểu cáng trong "Hoa hồng trên ngực trái", nam diễn viên này cũng bị nhiều người gọi điện "doạ đánh" và "doạ giết".

Cho đến bây giờ, diễn viên Băng Di vẫn chưa hết ám ảnh với chuyện bị khán giả doạ sẽ tìm đến nhà tạt a-xít khi đóng vai phản diện trong phim "Gạo nếp gạo tẻ". Vì lời đe doạ này mà trong quá trình phim phát sóng, cô không dám đến những nơi đông người hoặc đi ra ngoài một mình. Thậm chí, cô còn không dám lên mạng xã hội nhiều vì bị chửi bới quá thậm tệ, có người còn đặt biệt danh cho cô là "ác nữ màn ảnh".

Bản thân diễn viên Mạnh Cường khi đóng vai Vỹ (một người đàn ông bất tài, ngu ngốc, hèn mọn, đểu giả) trong bộ phim "Hướng dương ngược nắng" mới đây cũng phải hứng chịu không ít những trận "mưa đá" trên mạng xã hội. Người ta chửi bới nhân vật chưa đã, còn tìm vào tận trang cá nhân của diễn viên để chửi diễn viên. 

Đặc biệt, sau cảnh Vỹ cưỡng hiếp Châu thì Mạnh Cường nhận được rất nhiều tin nhắn doạ "xử đẹp" nếu gặp ngoài đời. Nhiều khán giả cuốn theo phim nên cứ nửa đêm lại gọi điện quấy rối và hăm doạ không tiếc lời. Điều này khiến Mạnh Cường vừa mừng, vừa lo. Mừng vì anh làm cho khán giả "ghét cay, ghét đắng" nhân vật Vỹ nghĩa là đã thể hiện thành công vai diễn. Lo vì lỡ có khán giả quá khích tìm đến làm điều gì dại dột thì anh sẽ bị ảnh hưởng.

Khán giả phản ứng với vai phản diện là chuyện đáng mừng?

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, bất kỳ diễn viên nào khi nhận vai đều phải chuẩn bị sẵn tâm lý và tinh thần để đối diện với mọi tình huống xảy ra. Diễn viên không chỉ có trách nhiệm thể hiện tròn vai vai diễn của mình trên màn ảnh mà còn phải ứng xử làm sao để khán giả nhận ra tất cả những gì mình thể hiện đều theo yêu cầu của nhân vật, của bộ phim.

Nghệ sĩ “kêu trời” vì bị doạ giết, doạ tạt a-xít... khi đóng vai phản diện quá đạt  - Ảnh 2.

Diễn viên Mạnh Cường trong vai Vỹ phim "Hướng dương ngược nắng". Ảnh chụp màn hình.

"Tôi thấy chuyện khán giả phản ứng với vai diễn theo một cách nào đó là chuyện đáng vui mừng. Bởi nếu mình không thể hiện ra chất phản diện của nhân vật chưa chắc người ta đã phản ứng đến thế. Đôi khi có thể vì quá ghét nhân vật mà khán giả có lời lẽ hơi thái quá thì cũng nên bình tĩnh mà xử lý. Kỹ năng xử lý tình huống ở đây chính là không nên để những bình luận tiêu cực quá tác động đến mình.

Ở một khía cạnh khác, khán giả cũng không nên thái quá khi bức xúc với nhân vật. Phim ảnh là phim ảnh, đời thực là đời thực. Nếu phân biệt được chuyện đó thì mới là những người xem phim thông thái", nữ biên kịch này nói.

NSND Trọng Trinh cho rằng, đóng vai phản diện mà làm cho khán giả ghét bỏ, tức tối, căm phẫn... là người diễn viên đã thành công. Nhưng để tạo ra được sự thành công đó đôi khi người diễn viên phải đối diện với không biết bao nhiêu áp lực. Áp lực về diễn xuất, áp lực về dư luận. Có nhiều khán giả đôi khi vẫn chưa phân biệt được giữa phim và đời thực.

"Ghét nhân vật trên phim là chuyện bình thường bởi khán giả đang sống với cảm xúc của bộ phim. Nhưng đừng vì bức xúc với vai diễn mà xúc phạm diễn viên. Diễn viên đóng vai diễn đó vì được giao vai, họ phải cố thể hiện cho ra cái chất phản diện của nhân vật chứ không phải họ là như thế. Phim và đời hoàn toàn khác nhau, không phải ai xấu mới được giao vai xấu", NSND Trọng Trinh nói.

Theo nam nghệ sĩ, diễn viên cũng nên nhìn vấn đề thoáng ra để không bị tiêu cực chi phối. Nên xem việc khán giả phản ứng với mình là đang bức xúc với vai diễn chứ họ không có ý gì khác. Nếu có ai đó chưa hiểu chuyện thì có thể tìm lời lẽ để nói cho họ hiểu.

Theo diễn viên Mạnh Cường, một trong những kinh nghiệm của anh khi nhận được bình luận hoặc tin nhắn tiêu cực đó là không quan tâm đến nó. Bởi nếu để tâm đến nó thì sẽ rất dễ làm tinh thần bị ức chế và dễ làm suy giảm cảm hứng với công việc diễn xuất. Thậm chí, đôi khi diễn viên cũng nên tự "ám thị" kiểu "AQ" để nhìn nhận mọi việc nhẹ nhàng hơn.

"Phàm đã làm người của công chúng thì khó lòng tránh được chuyện nọ, chuyện kia. Một vai diễn cũng có thể "năm người mười ý". Cái cốt yếu đó là mình không nên vì một vài bình luận mà để ảnh hưởng đến cuộc sống của mình", Mạnh Cường bày tỏ.