Lần đầu tiên, ở vụ thu hoạch vải năm 2021, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã có một đề nghị chưa từng có tiền lệ với các cơ quan báo chí: Không dùng từ "giải cứu" với các sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Giang, nhất là vải thiều, vì cứ xuất hiện từ giải cứu là giá giảm.
Cùng quan điểm, với những người làm Báo NTNN/điện tử Dân Việt, bảo vệ giá trị nông sản luôn được coi là ưu tiên hàng đầu.
Còn nhớ khi dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc), khi cả thế giới còn đang hoang mang về tốc độ lây lan cũng như sự tác động khủng khiếp đến sức khỏe con người của nó, thì biện pháp tình thế duy nhất lúc ấy có lẽ là hạn chế giao thương.
Khi đó, các mặt hàng nông sản của Việt Nam đang xuất khẩu rất tốt sang thị trường Trung Quốc thì đột ngột bị chậm lại do việc tăng cường kiểm soát ở cửa khẩu.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ngành gỗ, trái cây đã phản ánh về những đơn hàng trễ hẹn, đây đó trên một số trang tin đã xuất hiện hình ảnh "giải cứu" nông sản.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cũng khẳng định, nhờ vai trò thông tin của báo chí, trong đó có NTNN, mà nồi cơm của nông dân Bắc Giang ngày càng đầy hơn, ngon hơn, góp phần giúp vải thiều Bắc Giang bay cao 10.000m và vươn xa 32 nước.
Nhưng Báo NTNN/Dân Việt thì có cách tiếp cận khác, nói như nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khi đó, thì dịch Covid-19 cũng là một "phép thử" cho nông sản Việt để tìm ra hướng đi mới, xuất khẩu theo đường chính ngạch và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của phía đối tác.
Vậy là sau những bỡ ngỡ ban đầu, nông sản Việt bắt đầu lấy lại thị trường, các doanh nghiệp ngành gỗ từ thế bị động đã chủ động chuyển sang giới thiệu sản phẩm qua các "chợ" ảo, trên các sàn thương mại điện tử; nhiều doanh nghiệp ngành trái cây thay vì xuất khẩu qua đường bộ sang Trung Quốc đã chọn đi bằng đường không hay đường biển sang các nước châu Âu.
Nhờ nỗ lực của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu chính thức có hiệu lực, hàng loạt sản phẩm gạo, tôm, cá tra, trái cây được xuất khẩu sang thị trường này với thuế suất giảm đáng kể, những chuyến hàng tăng lên sau hiệp định.
Sau này, Báo NTNN/Dân Việt còn tiếp tục đồng hành với hành trình của hạt gạo chinh phục thị trường EU cũng như bảo vệ thương hiệu ngay sau khi có thông tin gạo ngon nhất thế giới ST25 bị doanh nghiệp của Mỹ và Úc đăng ký bảo hộ.
Tiếng nói của NTNN/Dân Việt đã góp phần giúp ngành chức năng và doanh nghiệp có động thái nhanh hơn để bảo vệ thương hiệu nông sản Việt.
Trong hành trình vượt qua khó khăn trong đại dịch của nông sản Việt, Báo NTNN/Dân Việt đã luôn bảo vệ, có những bài viết phản biện kịp thời, biểu dương những sáng tạo trong đại dịch để đưa nông sản đến được nhiều thị trường.
Nhờ sự nỗ lực của các ngành chức năng, sự đồng hành của các cơ quan báo chí - trong đó có Báo NTNN/Dân Việt, năm 2020, xuất khẩu nông sản lại lập kỷ lục mới với kim ngạch 40,25 tỷ USD.
Bộ NNPTNT cũng đánh giá, kết quả đáng ghi nhận của năm 2020 mà ngành nông nghiệp đạt được có đóng góp rất lớn của các cơ quan truyền thông, trong đó có NTNN/Dân Việt.
Là một trong những tờ báo đi đầu về mảng thông tin phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong nhiều năm qua, Báo NTNN/Dân Việt luôn kịp thời lên tiếng phản biện những thông tin thất thiệt gây bất lợi cho tiêu thụ nông sản.
Mới đây nhất, khi mùa thu hoạch vải thiều của tỉnh Bắc Giang còn chưa bắt đầu thì đã xuất hiện thông tin có điểm cân ép giá bà con chỉ còn 2.000 đồng/kg.
Nhận thấy điều này có thể gây bất lợi cho tiêu thụ vải, Báo NTNN/Dân Việt không chạy theo thông tin trên mạng xã hội mà phỏng vấn, lấy ý kiến lãnh đạo tỉnh, huyện và người dân về thị trường tiêu thụ vải, đồng thời có những bài viết khẳng định chất lượng vải thiều.
Sau đó, lãnh đạo huyện Lục Ngạn đã chính thức có ý kiến phản bác thông tin đó, người tung tin thất thiệt cũng bị xử phạt hành chính.
Đặc biệt, khi tỉnh Bắc Giang lần đầu tiên, gửi thông điệp đến các cơ quan báo chí khẳng định: Vải thiều Bắc Giang không cần giải cứu, chỉ cần những bàn tay kết nối, đưa vải thiều đi tiêu thụ khắp mọi miền, Báo NTNN/Dân Việt đã lập tức lên tiếng hưởng ứng.
Quan điểm của báo là không làm hạ thấp thêm giá trị nông sản, không làm tổn thương thêm nông dân bằng những hình ảnh nông sản đổ đống vỉa hè, bán rẻ như cho, mà muốn tìm những cách làm sáng tạo, vượt khó trong đại dịch.
Chính vì vậy, khi Bộ NNPTNT và Hội Nông dân Việt Nam, T.Ư Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lần đầu tiên phối hợp để xây dựng một mô hình kết nối, tiêu thụ nông sản mới, chính quy, bài bản, Báo NTNN/Dân Việt đã hết sức ủng hộ, cổ vũ. Không chỉ đưa thông tin về sự phối hợp và triển khai mô hình này, NTNN/Dân Việt đã và đang tiếp tục phản ánh đậm đặc trên khắp mặt báo hình ảnh những chùm vải thiều của Bắc Giang, Hải Dương đàng hoàng lên kệ siêu thị Nhật Bản với giá cao ngất, hay lên "siêu: máy bay vào TP.HCM; hình ảnh những nghệ sĩ nhiệt tình livestream bán hàng, những điểm bán hàng kiểu mới lịch sự, văn minh và an toàn với dịch...
Với những thông tin ấy, NTNN/Dân Việt cũng muốn "Nông sản Việt được nâng niu".