Dân Việt

Mặn đắng đời diêm dân (kỳ cuối): Tương lai nào cho hạt muối ngon nhất miền Nam?

Bùi Phụ - Quang Đăng 17/06/2021 16:11 GMT+7
Ninh Thuận có bờ biển dài hơn 100km, nước biển có độ mặn rất cao, thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt gần hết năm. Vì thế, hạt muối ở vùng biển này được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá có chất lượng và ngon nhất từ miền Trung đến miền Nam.

Muối ngon nhưng giá thấp

Theo sở NNPTNT Ninh Thuận, do vị trí và điều kiện thời tiết đặc thù phù hợp với nghề sản xuất muối, giai đoạn 2025-2030, tỉnh Ninh Thuận sẽ duy trì ổn định diện tích sản xuất 3.267ha với sản lượng hướng đến năm 2030 đạt 650.000 tấn/năm.

Thống kê cho thấy, toàn tỉnh hiện có hơn 3.200ha đất làm muối, trong đó có gần 600ha muối nền đất, phần còn lại là muối công nghiệp. Nếu cả nước có 7 đồng muối lớn thì Ninh Thuận đã có đến 3 là: Cà Ná, Tri Hải và Đầm Vua. Sản lượng muối của Ninh Thuận chiếm khoảng 50% tổng sản lượng muối cả nước.

Huyện Ninh Hải có diện tích làm muối là 590ha muối nền đất, lớn nhất Ninh Thuận.

Mặn đắng đời diêm dân (kỳ cuối): Tương lai nào cho hạt muối ngon nhất miền Nam? - Ảnh 1.

Diêm dân lao động cực nhọc giữa nắng trưa trên cánh đồng muối Khánh Nhơn. Ảnh Quang Đăng.

Nhằm tìm hướng đi cho hạt muối, trung tuần tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác của Bộ NNPTNT đã đến khảo sát và làm việc với tỉnh Ninh Thuận về tình hình sản xuất, chế biến muối.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo, tỉnh Ninh Thuận cần nhanh chóng xây dựng đề án chiến lược phát triển ngành muối để Bộ NNPTNT thẩm định và trình Chính phủ. "Bộ NNPTNT sẽ xây dựng mô hình điểm tại Ninh Thuận nhằm nâng cao giá trị ngành muối, cải thiện đời sống cho bà con diêm dân. Mô hình sẽ liên kết từ 100 - 150ha mới để quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa công nghệ, máy móc cơ giới hóa vào sản xuất muối sẽ làm giảm chi chi phí đầu vào, tăng thu nhập cho diêm dân…"- Thứ trưởng cho biết.

Theo thông lệ, hàng năm, diêm dân bước vào vụ sản xuất muối nền đất từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 8 năm sau. Năm nào nắng hạn kéo dài thì tháng 9 kết thúc niên vụ. Khi bước vào đầu vụ, diêm dân bỏ tiền san lấp nền thật bằng phẳng. Sau đó, bơm hút nước biển vào ruộng, đợi nước biển bốc hơi khoảng 7 ngày thì thu hoạch muối. Cứ thế, xong đợt một, lại tiếp tục bơm nước biển vào, đợi nước bốc hơi và thu hoạch đợt tới.

Nói đơn giản thế, chứ thực tế, nghề làm muối gian nan, vất vả, diêm dân cực nhọc từ sáng đến tối, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời dưới cái nắng, nóng như thiêu đốt mới làm ra được hạt muối. Chính vì vậy, nên theo tính toán của bà con, giá muối đất truyền thống bán tại ruộng phải từ 700 đồng/kg trở lên mới đủ chi phí và có lãi. Chứ giá năm nay chỉ 400 đồng/kg thì năng suất có cao bao nhiêu cũng không bù được gì…

Ông Nguyễn Hữu Khiêm-chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) cho biết, giá muối năm nay so với năm trước giảm hơn 100 đồng/kg muối nền đất khiến diêm dân khó khăn. Tránh tình trạng muối được mùa mất giá, hiện lãnh đạo và các cơ quan chức năng huyện Ninh Hải đã tích cực vận động bà con diêm dân chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi từ làm muối nên đất truyền thống sang muối trải bạt.

"Muối trải bạt có thời gian kết tinh nhanh hơn, sản lượng cũng cao hơn từ 20-30% so với muối nền đất, hạt muối kết tinh cũng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên giá bán cao hơn. Từ đó, các doanh nghiệp, thương lái sẽ ký hợp đồng thu mua với giá ổn định để diêm dân không còn lo cảnh được mùa mất giá như hiện nay..."- ông Khiêm nói.

Vốn làm muối trải bạt cao quá!

Mặn đắng đời diêm dân (kỳ cuối): Tương lai nào cho hạt muối ngon nhất miền Nam? - Ảnh 3.

Diêm dân cào muối trên cánh đồng muối xã Tri Hải. Ảnh: Quang Đăng

Một trong những diêm dân dám đầu tư nhiều tiền làm muối sạch, trải bạt là ông Nguyễn Thiên Kỳ (ở thôn Khánh Hội, xã Tri Hải (huyện Ninh Hải), có hơn 20 năm làm muối, trong đó có 6 năm làm muối trải bạt.

Theo ông Kỳ, năm 2015, ông thấy rõ số phận hạt muối nền đất nên giá đình ông đã đầu tư hơn 600 triệu đồng để làm 5 sào muối trải bạt (mỗi sào 1.000m2 và bạt có thể sử dụng trong 10 năm) trước đó đã làm muối nền đất. Từ đó, sản lượng muối thu hoạch được trên cùng một diện tích đã tăng cao hơn từ 35 - 45% so với muối nền đất và giá bán cũng cao hơn.

Riêng từ đầu vụ muối 2021 đến nay, gia đình ông Kỳ đã thu hoạch được trên 500 tấn muối từ diện tích trên. Giá bán muối trải bạt hiện nay là 600 nghìn đồng/tấn, sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi được trung bình 120 triệu đồng/vụ.

Ông Kỳ nhận xét, ưu điểm của việc làm muối trải bạt so với muối nền đất là thời gian kết tinh của hạt muối nhanh hơn từ 2-3 ngày; sản lượng có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba (tùy độ mặn của nước từng vùng), chất lượng cao hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn hơn. Giá bán luôn cao hơn muối nền khoảng 250.000 đồng/tấn.

"Với mức đầu tư ban đầu rất cao, 1.000m2 phải mất từ 120-150 triệu đồng để làm muối trải bạt nên đa phần diêm dân không dám chuyển đổi. Nếu được Nhà nước hỗ trợ từ nguồn vốn vay thì may ra bà con làm muối nền đất mới có hy vọng đổi đời…"- ông Kỳ bộc bạch.

Theo ông Đặng Kim Cương- Giám đốc Sở NNPTNT Ninh Thuận, nhờ độ mặn trong nước biển ở Ninh Thuận cao, môi trường biển trong sạch, nhiều nắng, gió, mùa khô kéo dài là lợi thế cho diêm dân làm muối. Nhờ kinh nghiệm và truyền thống sản xuất muối lâu đời, nên nguồn lao động ở địa phương đáp ứng tốt nhu cầu của phát triển của ngành muối với quy mô lớn trong tương lai.

Cũng theo ông Đặng Kim Cương, việc sản xuất muối nền đất của diêm dân chủ yếu theo hộ cá thể nên đầu ra bấp bênh, giá bán thấp. Việc này Sở đã tính và sẽ có phương án tốt hơn cho con diêm dân. Trong giai đoạn 2025-2030, Ninh Thuận duy trì ổn định diện tích muối với 3.267ha, sản lượng đến năm 2025 đạt 550.000 tấn/năm và năm 2030 đạt 650.000 tấn/năm.