Dân Việt

Bầu Đức muốn trở lại với lĩnh vực từng kiếm bộn tiền?

N.Minh 17/06/2021 09:28 GMT+7
Dần thoát khỏi vòng xoáy nợ nần, động thái mới đây cho thấy bầu Đức sắp trở lại với lĩnh vực bất động sản. Đây cũng là lĩnh vực từng giúp bầu Đức kiếm bộn tiền và tạo nên tên tuổi cho Hoàng Anh Gia Lai.

Dần thoát khỏi vòng xoáy nợ nần, bầu Đức sắp trở lại với lĩnh vực bất động sản?

Theo trang thông tin điện tử Ban quản lý kinh tế tỉnh Kon Tum, mới đây Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Bờ Y; ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) cùng các lãnh đạo khác đã tiến hành khảo sát thực địa về dự án đầu tư tại khu kinh tế này.

Qua cuộc khảo sát, dự kiến Tập đoàn HAGL sẽ triển khai dự án trồng rừng cây gỗ lớn với tổng diện tích khoảng 2.000 ha; xây dựng nhà máy điện sinh khối công suất 100 MW; xây dựng nhà máy chế biến gỗ, sản xuất viên nén,... với tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng. 

Bầu Đức muốn trở lại với lĩnh vực từng kiếm bộn tiền? - Ảnh 1.

Ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) thông tin về các dự án đầu tư của Tập đoàn tại huyện Ngọc Hồi và huyện Kon Plông. (Ảnh: ĐT/Báo Kon Tum).

Trước đó, tập đoàn của bầu Đức cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum về chủ trương thu hút đầu tư các dự án trên địa bàn huyện Ngọc Hồi và Kon Plông.

Tại buổi làm việc này, lãnh đạo Tập đoàn HAGL đề xuất nguyện vọng xem xét đầu tư một số dự án tại huyện Ngọc Hồi và huyện Kon Plông với tổng vốn đầu tư khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Tập đoàn HAGL dự kiến sẽ triển khai xây dựng học viện đào tạo bóng đá trẻ giống như đã làm ở Gia Lai và dự án bất động sản với tổng diện tích 80ha, tại huyện Kon Plông (Kon Tum).

Như vậy, kể từ cuối năm 2019 khi HAGL chính thức rút khỏi mảng bất động sản để dồn lực cho nông nghiệp, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp cho thấy động thái muốn trở lại lĩnh vực này.

Động thái này diễn ra khi Hoàng Anh Gia Lai đang từng bước thoát khỏi vòng xoáy nợ nần. 

Bầu Đức muốn trở lại với lĩnh vực từng kiếm bộn tiền? - Ảnh 2.

Nợ vay tài chính của Hoàng Anh Gia Lai. (Ảnh: LT)

Tại báo cáo thường niên 2020 mới đây, bầu Đức cũng nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là giảm nợ vay, tinh gọn sản xuất kinh doanh, đảm bảo quản lý hiệu quả và có khả năng tự cân đối tài chính cho từng dự án, hạn chế tối đa việc phát sinh nợ vay mới. Khi nào Covid-19 được kiểm soát trên phạm vi thế giới và các dự án của Tập đoàn tự cân đối tài chính được thì mới tính đến kế hoạch mở rộng thêm.

Theo báo cáo tài chính quý I/2021, nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai tại ngày 31/3/2021 giảm mạnh so với đầu năm, từ 18.100 tỷ đồng về 8.710 tỷ đồng - mức thấp nhất trong vòng 10 năm gần đây của doanh nghiệp.

Mới đây, Hoàng Anh Gia Lai liên tiếp rút bớt vốn khỏi HAGL Agrico để tái cấu trúc các khoản nợ của Tập đoàn này. 

Gần nhất, Hoàng Anh Gia Lai đã tất toán trước hạn đối khoản nợ tại HDBank khi mua lại trước hạn 407 tỷ đồng trái phiếu còn lại trong lô trái phiếu 930 tỷ đồng từng phát hành cho HDBank vào ngày 29/12/2016. 

Cuối tháng 5 trước đó, HAGL cũng đã mua lại 328 tỷ đồng trái phiếu từ trái chủ HDBank. Đây cũng là khoản nợ duy nhất với HDBank tính đến ngày 31/3.

Được biết, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức từng có giai đoạn chìm trong nợ nần với số nợ vay chạm mốc 27.100 tỷ đồng vào năm 2015. Tổng nợ phải trả cùng năm là hơn 32.900 tỷ đồng, gấp hơn hai lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Những thăng thầm của bầu Đức trong lĩnh vực bất động sản

Nhìn lại hoạt động của Hoàng Anh Gia Lai, trước khi chuyển hướng sang lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư vào bất động sản và xây dựng từng là ngành chủ lực của doanh nghiệp này. Bất động sản cũng chính là hoạt động tạo nên tên tuổi của Hoàng Anh Gia Lai và kiếm bộn tiền cho bầu Đức.

Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, tại một phiên họp thường niên đã từng chia sẻ về giai đoạn này khi tự nhận ngồi trên "núi tiền" với ngôi vị số một khi bất động sản còn ở thời hoàng kim (năm 2007-2008).

Giai đoạn 2006 - 2012, các dự án kinh doanh địa ốc do công ty đầu tư liên tục chiếm hữu thị phần trên thị trường và đem về những khoản doanh thu béo bở. Bầu Đức từng được tạp chí Wall Street Journal của Mỹ bình chọn vào top 30 của những doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á.

Nổi bật trong số những dự án bất động sản "đắt giá" từng mang đến danh tiếng và cả lợi nhuận cho Hoàng Anh Gia Lai phải kể đến những cái tên như: New Sai Gon, Hoang Anh River View, Phú Hoàng Anh, Hoàng Anh Golden House, Tây Nguyên Plaza (Cần Thơ),...

Về kết quả kinh doanh, trong giai đoạn 2007 - 2009, doanh thu từ bán căn hộ và ký kết các hợp đồng xây dựng của HAGL tăng trưởng từng năm ở mức 2 con số, thậm chí năm 2009 tỷ lệ tăng trưởng lên tới 174%.

Tỷ trọng lĩnh vực bất động sản trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng tăng từ 50% lên 85% trong giai đoạn này. 

Đỉnh điểm năm 2009, doanh thu từ bán căn hộ của HAGL đạt 3.374 tỷ đồng, đem về 1.693 tỷ đồng lãi ròng cho công ty.

Bầu Đức muốn trở lại với lĩnh vực từng kiếm bộn tiền? - Ảnh 3.

Kết quả kinh doanh mảng bất động sản của Hoàng Anh Gia Lai. (Ảnh: LT)

Tuy nhiên, sau khi "bong bóng" bất động sản nổ ra, hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai cũng chịu ảnh hưởng, lợi nhuận thu về trong giai đoạn 2010 - 2012 liên tục sụt giảm. Trong bối cảnh đó, bầu Đức đã lên chiến lược tái cấu trúc và quyết định rút dần khỏi mảng này.

Trên báo cáo tài chính, sự chuyển dịch thực tế bắt đầu từ năm 2013 khi bất động sản và xây dựng mang về dưới nghìn tỷ đồng doanh thu, trong đó riêng bất động sản chỉ đạt chưa tới 250 tỷ đồng, so với con số hơn 2.800 tỷ đồng của năm 2012.

Những năm sau đó, khi trọng tâm tăng trưởng của HAGL lần lượt "xoay tua", từ cây mía, cọ dầu, bò thịt và cây ăn trái, bất động sản xuất hiện ngày càng mờ nhạt trong cơ cấu doanh thu hàng năm. 

Thống kê cũng cho thấy, từ năm 2012 đến năm 2018, tỷ trọng mảng bất động sản đóng góp vào doanh thu của HAGL lao dốc từ 75% chỉ còn 1%. Thậm chí, năm 2017, hoạt động bất động sản không đem lại lợi nhuận cho công ty.

HAGL lần lượt rút vốn khỏi các đơn vị đầu tư bất động sản và chính thức rút chân khỏi mảng bất động sản sau thương vụ thoái nốt 48% vốn khỏi Hoàng Anh Myanmar vào năm 2019.