Tan hoang rừng Krông Bông
Dọc theo con đường mòn xuyên qua tiểu khu 1148, xã Cư Pui, huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk), PV Dân Việt ghi nhận những cánh rừng vừa bị chặt hạ, đốt phá, khói vẫn bốc lên nghi ngút.
Đứng bên thân cây gỗ lớn đã bị cháy đen, chết đứng nhưng còn treo tấm biển "cấm chặt phá, đốt rừng, lấn chiếm đất rừng", chúng tôi ghi nhận hàng loạt cây gỗ lớn, gỗ nhỏ bị cháy nham nhở, nằm ngổn ngang.
Nhiều gốc cây bị cưa hạ, đường kính đến hai người ôm. Cạnh những khu vực rừng bị phá, nhiều diện tích ngô, sắn đã lên xanh giữa những gốc cây cháy dở.
Ông Nguyễn Đức Trường - Trưởng Phân trường số 1 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, quản lý Tiểu khu 1148 - thừa nhận sự bất lực trước tình trạng phá rừng diễn ra nghiêm trọng suốt từ đầu năm 2020 đến nay.
"Phá rừng bây giờ tinh vi lắm. Nó có người cảnh giới, mạng viễn thông phủ khắp rồi, nên anh em đi làm thì nó thông báo cho nhau. Cho nên việc phát hiện, trực tiếp bắt đối tượng đốt phá rừng là rất khó. Anh em đã làm hết khả năng rồi nhưng không thể ngăn chặn tình trạng phá rừng như bây giờ", ông Trường nói.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, trong quá trình tiếp cận hiện trường, hàng loạt tiểu khu như 1148, 1149, 1141, 1163, 1164, 1153, … thuộc lâm phần Công ty Lâm nghiệp Krông Bông quản lý đang bị tàn phá, những ngọn đồi nối tiếp nhau đã cơ bản bị cạo trọc từ chân lên tới đỉnh đồi.
Ông Bùi Văn Hưng - Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Krông Bông thừa nhận, Công ty được giao quản lý 28.000ha rừng nhưng tình trạng phá rừng đang rất phức tạp. 13 Tiểu khu của công ty tiếp giáp với hai huyện huyện Ea Kar và M'Đrăk, đang bị phá tràn lan.
"Thực tế diễn biến công tác quản lý bảo vệ rừng ngày càng phức tạp. Đặc biệt Công ty Lâm nghiệp Krông Bông giáp ranh hai huyện Ea Kar và M'Đrăk, đang nằm giữa khu dân cư của người H'Mông sinh sống với khoảng 11.000 nhân khẩu.
Đồng thời, trong diện tích quản lý của công ty đan xen rất nhiều diện tích thuộc quản lý của UBND xã Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao. Dẫn tới việc quản lý người dân vào lén lút thực hiện các hành vi phá rừng là rất khó khăn", ông Hưng phân trần.
Năm 2020, lâm phần công ty xảy ra 222 vụ phá rừng, với diện tích gần 50ha. Trong 5 tháng đầu năm 2021 này, tình trạng càng trở nên nghiêm trọng, phát hiện gần 430 vụ làm thiệt hại khoảng 105ha rừng và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo thống kê của ngành chức năng huyện Krông Bông, tính đến cuối tháng 5, toàn huyện xảy ra khoảng 440 vụ phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, làm thiệt hại gần 110 ha rừng. Gần như toàn bộ các vụ vi phạm là xảy ra tại lâm phần Công ty Lâm nghiệp Krông Bông.
"Tình trạng phá rừng kéo dài thế này là do chủ rừng có phần buông lỏng quản lý. Công ty Lâm nghiệp Krông Bông được nhà nước giao diện tích rừng rất lớn nhưng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng lại rất mỏng, yếu.
Đâu đó lại buông lỏng quản lý, từ đó trên lâm phần công ty quản lý xảy ra liên tục các vụ phá rừng, khai thác, mua bán lâm sản thường xuyên, liên tục và phức tạp", ông Trần Văn Tùng - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Krông Bông Tùng nhận định.
Ông Trần Văn Tùng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông trao đổi với phóng viên - Video: Ngọc Giàu
Cũng vì vậy, tháng 4 vừa qua, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Đắk Lắk đã thi hành kỷ luật 5 cán bộ kiểm lâm, gồm nguyên Hạt trưởng, Hạt phó và 3 kiểm lâm viên huyện Krông Bông. Tuy vậy, ông Tùng rất phân vân, trong khi hàng loạt cán bộ kiểm lâm bị kỷ luật, thì đơn vị chủ rừng là Công ty Lâm nghiệp Krông Bông - nơi bị phá rừng nhiều nhất, phức tạp nhất- lại vô can.
Trao đổi với Phóng viên Báo Dân Việt, ông Nguyễn Đức Việt - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk cho biết trong thời gian vừa qua tất cả các đồng chí ở trong vùng điểm nóng phá rừng, đặc biệt là Krông Bông đều đã được thuyên chuyển đi nơi khác để đưa những cán bộ trẻ có năng lực về để tiếp tục thực hiện công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Lãnh đạo mất đoàn kết
Áp lực từ việc người dân di cư tự do xâm hại vào rừng, buông lỏng quản lý là điều đã rõ, nhưng đằng sau đó, còn có những bất ổn ngay trong đội ngũ lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Krông Bông.
Trong lúc rừng bị tàn phá nghiêm trọng, khai thác gỗ diễn ra phức tạp, Công ty Lâm nghiệp Krông Bông đang cho thấy những bất ổn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Ông Bùi Quốc Tuấn- Bí thư chi bộ, Giám đốc Công ty tố ông Võ Sỹ Sáu- Chủ tịch Công ty Lâm nghiệp Krông Bông. Theo ông Tuấn, năm 2019 khi về nhận công tác đã tự ý soạn thảo điều lệ công ty mà không thông qua Chi bộ, Ban giám đốc, không lấy ý kiến của các đơn vị trực thuộc mà tự ý trình lên UBND Đắk Lắk ký.
Theo ông Tuấn, Điều lệ do ông Sáu tự soạn thảo và trình lên tỉnh ký đã "cắt" bớt quyền điều hành của Giám đốc công ty, có một số nội dung bất cập, trái với Luật Doanh nghiệp.
Vị Giám đốc cũng thông tin về việc Chủ tịch công ty Lâm nghiệp Krông Bông không được tín nhiệm, trượt khỏi cấp uỷ tại Đại hội chi bộ diễn ra vào giữa năm 2020.
Trong khi đó, ông Võ Sỹ Sáu, Chủ tịch Công ty Lâm nghiệp Krông Bông cho biết, trước khi ông được điều động về công tác tại đơn vị (tháng 5/2019) thì ông Bùi Quốc Tuấn là Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty Lâm nghiệp Krông Bông.
Việc phải "cắt" bớt quyền của Giám đốc là vì ông nhận thấy có những dấu hiệu bất ổn về tài chính. Nhiều khoản chi tiêu tại công ty trong các năm trước không chứng minh được. Đối với điều lệ công ty, ông Sáu cho rằng khi soạn thảo đã căn cứ theo luật và các quy định của nhà nước.
Ông Lê Văn Long- Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, huyện đã nắm được các vấn đề phát sinh tại Công ty Lâm nghiệp Krông Bông.
Đối với nhân sự cấp uỷ công ty, huyện đã chỉ đạo kiện toàn lại. Về tình trạng phá rừng, huyện đã chỉ đạo quyết liệt nhưng tình trạng vẫn không mấy cải thiện do chủ rừng và lực lượng chức năng chưa làm hết trách nhiệm.
Để chấn chỉnh công tác quản lý bảo vệ rừng tại Công ty Lâm nghiệp Krông Bông nói riêng, địa bàn huyện nói chung, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện vào cuộc, lập chuyên án riêng, quyết liệt điều tra xử lý nghiêm tình trạng phá rừng cũng như những dấu hiệu tiêu cực.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại Tiểu khu 1148 do Công ty Lâm nghiệp Krông Bông quản lý: (Ảnh: Ngọc Giàu)