Với vốn tiếng Việt chưa sõi, Hoàng Khánh Bình (sinh năm 1999) kể, từ nhỏ đã theo bố mẹ sang Nga sinh sống. Bố mẹ Bình quê gốc ở Quảng Bình, một ngôi làng nhỏ gần sông Gianh, và dù mang quốc tịch Nga, nhưng trong nhà bố mẹ Bình vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, dạy Bình nói tiếng Việt để luôn nhớ về quê hương Việt Nam, về nơi mình sinh ra.
Vì thế, ngay khi học xong lớp 11 tại Nga, Bình xin bố mẹ về Việt Nam với mong muốn về quê thăm ông bà, đồng thời đăng ký học Trung cấp nghề Du lịch tại Hà Nội.
Bình cho biết, sở dĩ Bình học du lịch là vì muốn có thêm cơ hội khám phá đất nước Việt Nam xinh đẹp và trau dồi thêm vốn tiếng Việt. Trong những ngày lang thang khám phá Hà Nội, tình cờ Bình biết đến cửa hàng xe đạp Wiibike tại 36 Yên Lãng (Đống Đa) và đến thuê 1 chiếc xe đạp trợ lực điện tại đây.
"Tôi thuê xe đạp đi một thời gian, sau đó mới nảy ra ý tưởng đạp xe từ Hà Nội về quê Quảng Bình. Lúc người thân, bạn bè biết được ý định của tôi, ai cũng ngăn cản. Sợ tôi đi đường gặp cướp giật, bị tai nạn, rồi mưa gió dọc đường, không có chỗ ăn ngủ... Bình thường tôi là người thích tập luyện thể thao, khi ở Nga cũng thường xuyên chạy bộ, chơi bóng rổ, trượt băng... Vì thế tôi tin mình đủ sức khoẻ để vượt qua chặng đường dài hơn 500km từ Hà Nội đến Quảng Bình" - Bình kể.
Dù không biết đường, bạn bè khuyên không nên liều lĩnh, nhưng vì muốn vượt qua nỗi sợ hãi, muốn thử thách chính mình, chàng trai người Nga gốc Việt vẫn quyết định thực hiện chuyến đi.
Được sự hỗ trợ từ chị Mira Hằng Nguyễn - CEO hãng xe đạp trợ lực điện Wiibike, Bình dự kiến chặng đường từ Hà Nội vào Quảng Bình hết khoảng 4 ngày. Sau đó Bình nghỉ ngơi và tiếp tục quay ra Hà Nội.
Hành trang của Bình là chiếc xe đạp trợ lực điện hiệu Wiibke, một ít đồ dùng cá nhân, lương khô, hạt óc chó, đậu phộng, 1 chiếc gối nhỏ để ngả lưng dọc đường khi mỏi... Đặc biệt, Bình mang theo gần 20 cây sen đá và một ít hạt giống mua từ tổ chức Green Life.
"Tôi dự định ở mỗi điểm dừng chân sẽ trồng vài cây sen đá, gieo ít hạt giống. Ngay khi nảy ra ý tưởng về chuyến đi, tôi đã xác định sứ mệnh của mình là bảo vệ môi trường, góp phần lan toả phong trào trồng cây xanh. Tôi đã trồng được 2 cây sen đá ở điểm dừng chân đầu tiên tại Duy Tiên, tỉnh Hà Nam" - Bình kể.
Trung bình 1 ngày, Bình đạp được khoảng 150-200km, sau đó tìm điểm dừng chân, xin chỗ ăn nghỉ qua đêm.
"Ngày đầu tiên, tôi gặp mưa khi đến địa phận Thanh Hoá, tôi ghé vào cửa hàng bán áo mưa hỏi mua. Thấy tôi trong bộ dạng mệt mỏi, nói tiếng Việt không rành, chủ cửa hàng đã hỏi thăm. Khi biết tôi còn chặng đường dài vào Quảng Bình, chủ nhà đã mời tôi ăn cơm, và thật bất ngờ, chủ nhà đã tặng tôi cả áo mưa đi đường" - Bình vui vẻ kể.
Tại mỗi điểm dừng chân, Bình rất vui và xúc động khi nhận được sự trợ giúp nhiệt tình của những người xa lạ, từ nơi nghỉ ngơi đến ăn uống, tắm rửa.
Tại phố Châu (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), Bình đã tìm đến 1 tiệm xe đạp để nhờ kiểm tra lại xe. Nhìn chiếc xe đạp bẩn như trâu tắm bùn, anh Trần Quyết Thắng - chủ cửa hàng đã giúp Bình rửa xe bóng loáng, kiểm tra dầu bôi trơn, bơm căng lốp...
"Ở đó tôi thấy rất nhiều bạn trẻ dắt xe cũ đến nhờ anh Thắng sửa giúp. Thì ra anh Thắng chính là ông chủ của trung tâm phục chế xe đạp cũ (R4K – rebike for kid). Chiếc xe bẩn như trâu của tôi đã được anh Thắng rửa sạch, chăm sóc tận tình. Bản thân tôi cũng được anh Thắng giúp chỗ ngủ, ăn uống.
Tình cờ, tôi thấy một số bạn trẻ cũng dắt xe cũ đến nhờ anh Thắng sửa giúp. Và hoàn toàn miễn phí. Không chỉ thế, nhiều xe đạp cũ sau khi được tân trang lại, anh Thắng đã trao tặng cho trẻ mồ côi. Điều này khiến tôi vô cùng cảm phục, thêm yêu mến cả những người lần đầu tiên gặp mặt" - Bình kể.
Không thạo đường, không thạo tiếng Việt, rất nhiều lúc chàng trai người Nga cảm thấy nản chí, thấy "tinh thần đi xuống". Đặc biệt khi qua những đoạn đường đông đúc, nhiều xe tải khủng đi sát sạt bên cạnh, Bình chỉ muốn vứt xe đạp lại, bắt xe khách đi thẳng về quê.
Nhưng nghĩ đến mục tiêu đặt ra lúc đầu, Bình lại cố đạp. Điều Bình sợ nhất lại chính là bị cướp mất chiếc xe đạp trợ lực mượn của CEO Wiibike. "Tôi sẽ không biết ăn nói thế nào với chị Mira Hằng Nguyễn" - Bình vui vẻ nói.
"Tôi nghĩ rất nhiều về những điều đã thôi thúc mình thực hiện chuyến đi và không thấy sợ nữa, kể cả khi đêm tối ập xuống, mưa đến bất chợt, hay đi qua những đoạn đường vắng vẻ, hoang vu. Tôi muốn tự mình thực hiện được cam kết, được tôn trọng, tìm thấy niềm vui trong chặng đường đầy khó khăn.
Khi đạp gần tới địa phận Quảng Bình, chiếc xe đạp bỗng dưng bị xẹp lốp. Tôi đã tìm cách tự bơm xe đi tiếp về hướng sông Gianh, huyện Quảng Trạch. Đi đến đâu, tôi cũng nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiệt tình. Tính ra cả chuyến đi, tôi chỉ tiêu hết khoảng 600.000 – 800.000 đồng mà thôi" - Bình hào hứng cho biết.
Tại nhiều điểm dừng chân, nơi nào đối với Bình cũng có điểm đặc biệt, gây ấn tượng mạnh mẽ. Theo Bình, đó là vì đây là quê hương Việt Nam.
"Tôi cũng bất ngờ khi những chặng đường khó khăn nhất, khó đi nhất lại là những nơi đẹp nhất, phong cảnh thiên nhiên làm tôi choáng ngợp" - Bình kể.
Bình kể, trên đoạn đường đến Vinh, Bình gặp một nhóm nam giới đều khoảng 50-60 tuổi đạp xe từ Thái Nguyên đi Cà Mau, Bình đã gia nhập đạp cùng một chặng. Vừa đi vừa trò chuyện với các bác trong đoàn, Bình nhận được nhiều lời động viên, cổ vũ nhiệt tình.
"Tôi cảm thấy như mình được tiếp thêm sức mạnh, càng háo hức đạp về đích. Khi đi đến địa phận Can Lộc (Hà Tĩnh), tôi đã đi qua một chốt cảnh sát giao thông. Không hiểu sao một anh cán bộ đã vẫy tôi lại và hỏi có cần nước uống không? Tôi đã dừng lại, cảm ơn họ và biết anh cảnh sát giao thông ấy tên Hải. Tôi rất xúc động, vì đi đến đâu cũng nhận được sự giúp đỡ, quan tâm..." - Bình tâm sự.
Chàng trai trẻ người Nga gốc Việt Hoàng Khánh Bình chia sẻ: "Sau chuyến đi tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn, lớn hơn rất nhiều. Tôi tin rằng, sau này dù có gặp khó khăn, trở ngại lớn cỡ nào, tôi cũng sẽ bình tĩnh tìm giải pháp và vượt qua".