Tại buổi khởi động, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết, làn sóng dịch Covid-19 lần 4 tại TP.HCM khó kiểm soát hơn so với các đợt bùng phát trước đó. Theo Phó Thủ tướng, số lượng vaccine trong đợt này đáp ứng được 2/3 đối tượng cần được ưu tiên tiêm chủng của thành phố (2,3 triệu người). Do đó, thành phố chỉ có thể ưu tiên tiêm chủng cho công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất và lực lượng công an, quân đội.
Theo ông, hiện nguồn cung vaccine khan hiếm, Việt Nam đang tận dụng mọi khả năng để có vaccine nhiều, nhanh và sớm hơn nữa. Vaccine chính là giải pháp chống dịch bệnh, tuy nhiên người dân vẫn luôn ý thức áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo thông điệp 5K. Tiêm vaccine vẫn có nguy cơ nhiễm, chỉ là nhiễm nhẹ, không triệu chứng, không bệnh nặng.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng khẳng định, với 836.000 liều, đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thành phố với tốc độ triển khai thần tốc trong 7 ngày trước khi đánh giá lại tình hình dịch bệnh để có những quyết sách quan trọng tiếp theo.
Thành phố sẽ tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng với số lượng 650 điểm/ngày tại Trung tâm y tế, trạm y tế và các điểm lưu động. Để đảm bảo việc giãn cách trong quá trình tiêm chủng, mỗi điểm tiêm chỉ thực hiện cho 200 người/ngày. Nếu thực hiện đúng tiến độ, trong một ngày, khoảng 200.000 người sẽ được tiêm chủng. Dự kiến, chiến dịch hoàn thành trước ngày 27/6.
"TP.HCM đang đẩy mạnh tiến độ đàm phán mua vaccine Covid-19, mục tiêu đến hết năm nay có 2/3 người dân TP được tiêm. Chúng tôi sẽ tổ chức sàng lọc, theo dõi kỹ, đảm bảo tiêm tới đâu an toàn tới đó, giám sát xử trí bất lợi sau tiêm chủng", ông Hưng nói.
Trong sáng 19/6, 500 công nhân Khu Công nghệ cao TP.HCM được tiêm vaccine. Trung tâm Y tế TP Thủ Đức huy động 5 đội tiêm chủng để đảm nhiệm công việc này.
Cận cảnh quy trình tiêm vaccine Covid-19 (Clip: Bạch Dương)