Các vụ tấn công nhầm đồng đội đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử chiến tranh, nhưng với sức sát thương ngày càng lớn của các loại vũ khí hiện đại, hậu quả của những sự cố này trở nên thảm khốc hơn, đặc biệt là trong giai đoạn Thế chiến II.
Bình luận viên Kenny Cheung của Listverse liệt kê 4 sự cố "quân ta tấn công quân mình" gây nhiều thương vong nhất trong cuộc chiến.
Ngày 3/5/1945, chỉ một ngày trước khi Đức Quốc xã đầu hàng, ba chiếc tàu vận tải của phát xít Đức gồm Cap Arcona, Thielbek và Deutschland bị chiến đấu cơ Typhoon của không quân Hoàng gia Anh bắn chìm trên Biển Baltic.
Tuy nhiên, các phi công Anh không biết rằng ba tàu này đang chở hàng nghìn tù binh phe Đồng minh cùng những người sống sót từ trại tập trung của phát xít Đức.
Rất nhiều tù binh Đồng minh tuyệt vọng kêu cứu dưới hầm tàu, khi những con tàu vận tải này chìm dần do hỏa lực từ chiến đấu cơ Anh. Nhiều lính gác SS được tàu đánh cá Đức cứu sống, nhưng toàn bộ tù binh bị bỏ lại, một số người bị máy bay Anh bắn khi cố bơi vào bờ. Ước tính khoảng 4.000 tù binh Đồng minh đã thiệt mạng trong vụ tấn công nhầm này.
Sau khi đổ bộ thành công lên bãi biển Normandy, Pháp vào ngày 6/6/1944, phe Đồng minh tổ chức chiến dịch Hổ mang bành nhằm đẩy mạnh tấn công quân Đức ở sâu trong đất liền.
Ngày 24/7/1944, đợt máy bay ném bom hạng nặng đầu tiên được lệnh cất cánh, nhưng do mây quá dày khiến chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn kế hoạch tác chiến lại một ngày. Tuy nhiên, thông báo này không đến được với toàn bộ lực lượng oanh tạc cơ Đồng minh. 300 máy bay vẫn xuất kích theo kế hoạch cũ và ném bom xuống đường Saint-Lô–Periers.
Đợt không kích rơi trúng vào vị trí của cả quân Mỹ lẫn quân Đức ở hai bên đường, khiến 156 lính Mỹ thương vong. Ngày hôm sau, 3.000 tiêm kích và oanh tạc cơ tiếp tục thả 4.000 tấn bom nhằm tiêu diệt Sư đoàn Panzer Lehr của Đức, nhưng một lần nữa bom lại rơi vào vị trí quân Mỹ, khiến 601 lính thương vong. Trong số những người thiệt mạng có trung tướng Lesley McNair, sĩ quan có quân hàm cao nhất của Mỹ tử trận tại châu Âu.
Ngày 19/02/1940, 6 tàu khu trục của Đức được điều động để xua đuổi nhiều tàu đánh cá của Anh ra khỏi bờ sông Dogger. Khi các tàu này đang vượt qua bãi mìn trên sông, một máy bay ném bom của Đức không được trang bị bộ nhận dạng định ta bay qua khiến thủy thủ đoàn tưởng nhầm đây là máy bay do thám của Anh và khai hỏa.
Chiếc oanh tạc cơ, do nhầm lẫn, cũng tấn công đáp trả, làm đắm tàu Leberecht Maass. Khi 5 tàu còn lại di chuyển để cứu người sống sót, tàu Max Schultz phát nổ do va phải mìn khiến cả đội hình trở nên hỗn loạn. Vụ việc khiến tổng cộng số 578 thủy thủ Đức thiệt mạng.
Ngày 28/4/1944, 8 tàu đổ bộ của phe Đồng minh đi vào vịnh Lyme để tiến hành giai đoạn đầu của cuộc diễn tập Tiger nhằm chuẩn bị cho chiến dịch đổ bộ Normandy. Tuy nhiên, đội tàu này bị 9 tàu tuần tra trang bị ngư lôi của phát xít Đức phát hiện và tấn công. Hai tàu LST-507 và LST-531 bị chìm cùng 600 lính Mỹ.
Bất chấp sự cố này, cuộc diễn tập vẫn được tiếp tục với 6 tàu đổ bộ còn lại. Khi lính Mỹ đổ bộ lên bãi biển, một tuần dương hạm của Anh sử dụng đạn thật nã pháo lên bờ để "rèn luyện tinh thần binh sĩ" theo ý tưởng của tướng Dwight D. Eisenhower, Tư lệnh tối cao quân Đồng minh khi đó.
Tuy nhiên, lính Mỹ lại đổ bộ nhầm lên khu vực mà đạn pháo Anh dự kiến rót vào. Thảm họa xảy ra khi hỏa lực pháo hạm dồn dập trút lên đầu các đơn vị lính Mỹ vừa lên tới bờ biển, khiến 308 binh sĩ thiệt mạng.