Trước tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do giá mủ cao su liên tục giảm sâu, những năm qua, DAKRUCO đã chủ động tìm kiếm hướng đi mới.
Ông Bùi Quang Ninh, Giám đốc DAKRUCO cho biết, qua tham quan, học hỏi mô hình sản xuất của các công ty cao su khác, DAKRUCO đã mạnh dạn áp dụng mô hình kép bằng cách trồng xen trong vườn cao su tái canh. Để việc trồng xen không làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây cao su, đơn vị đã có những nghiên cứu kỹ càng. Đồng thời, đơn vị cũng chủ động thiết kế lại vườn cây theo mô hình mới là 2x5x15m và thực hiện cho hợp đồng trồng xen trên băng 15m giữa hai hàng cao su.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trong các vườn cao su tái canh của DAKRUCO, tùy vào thổ nhưỡng mỗi nơi sẽ được trồng xen các loại cây như chuối, khoai môn, khoai lang và cả các loại cây dài ngày như sầu riêng, mít…Tất cả các vườn cao su tái canh đều sinh trưởng phát triển tốt mà không hề bị ảnh hưởng bởi cây trồng xen. Đặc biệt, tại những lô trồng xen chuối, cây cao su phát triển nhanh hơn so với các vườn không có cây trồng xen.
"Các loại cây trồng xen trong thời gian cây cao su tái canh đều không hề ảnh hưởng gì đến cây cao su. Đặc biệt, tại những vườn trồng xen chuối, đất được giữ ẩm tốt nên cây cao su phát triển vượt bật so với các vườn khác"- một cán bộ kỹ thuật của Nông trường Cao su Phú Xuân (đơn vị trực thuộc DAKRUCO) nhận định.
Thông tin từ DAKRUCO, trong số 4.369,36 ha cao su kiến thiết cơ bản có hơn 3.100 ha đã được trồng xen canh. Việc trồng xen được thực hiện trên băng 15m giữa hai hàng cao su. Để việc này đạt được kết quả cao nhất, Ban lãnh đạo DAKRUCO giao cho các chi nhánh, đơn vị thuộc chủ động linh hoạt thực hiện việc trồng xen tại đơn vị mình.
Đánh giá sau 5 năm thực hiện mô hình này cho thấy, việc trồng xen đã góp phần giảm suất đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thêm thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, việc này còn giúp tăng thu nhập và tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương tại chỗ. Không chỉ tăng nguồn thu cho đơn vị mà việc trồng xen của DAKRUCO đã góp phần tạo ra giá trị hàng hóa rất lớn cho xã hội cũng như tăng thu ngân sách tỉnh. Mỗi năm, chỉ riêng thu nhập từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh trồng xen, DAKRUCO đã tăng thêm doanh thu hàng chục tỷ đồng. Đây là khoản thu không nhỏ cho đơn vị trong tình hình khó khăn chung của ngành cao su.
Theo ông Bùi Quang Ninh, việc hợp đồng hợp tác kinh doanh trồng xen trong vườn cao su trong thời kỳ kiến thiết cơ bản DAKRUCO đã vận dụng theo đúng Luật Đầu tư và Luật Dân sự mang lại hiệu quả cao trên tất cả các mặt kinh tế và xã hội từ việc sử dụng đất.
Cũng theo ông Ninh, hiện nay, DAKRUCO đã chuyển đổi 526 ha diện tích vườn cao su thanh lý của Nông trường Cư Bao để triển khai thực hiện Dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển bền vững, sản xuất nông nghiệp theo quy mô công nghiệp. Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và trực tiếp tổ chức đầu tư 157,8 ha để trồng cây ăn quả và các loại cây trồng khác, DAKRUCO cũng đã hợp đồng hợp tác kinh doanh sản xuất nông nghiệp với các doanh nghiệp.
Nhờ sản xuất khép kín và truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hiện các sản phẩm nông nghiệp của DAKRUCO đều có đầu ra ổn định tại các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Kuwait, Singapore…
Trong thời điểm khó khăn, nhưng với hướng đi mới, năm 2020 doanh thu của DAKRUCO đạt 105,40% kế hoạch. Các chỉ tiêu khác cũng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, nhờ việc trồng xen, trong năm 2020, DAKRUCO đã tiết giảm được vốn đầu tư cao su kiến thiết cơ bản hơn 13,3 tỷ đồng. Cũng nhờ đó, đời sống của hơn 2.700 cán bộ, công nhân viên của đơn vị được nâng lên với thu nhập bình quân gần 7 triệu đồng/người/ tháng.